Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh các triệu chứng thường gặp như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều lần, đói liên tục…, bệnh tiểu đường còn có nhiều triệu chứng khác, ít phổ biến hơn.
12 triệu chứng ít gặp của bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một bệnh lý xảy ra khi cơ thể không sản xuất insulin (tiểu đường type 1) hoặc sử dụng không insulin hiệu quả (tiểu đường type 2). Cả hai tình trạng đều dẫn đến lượng glucose (đường) trong máu quá cao hay tăng đường huyết.
Insulin là một loại hormone được tạo ra trong tuyến tụy. Insulin có vai trò điều hòa lượng glucose trong máu và giúp các tế bào cơ thể sử dụng đường từ carbohydrate để tạo năng lượng.
Nếu không có insulin, đường sẽ không thể đi vào các tế bào mà thay vào đó là tích tụ trong máu.
Trên thế giới có hơn 400 triệu người mắc bệnh tiểu đường và con số thực tế còn cao hơn thế vì nhiều người chưa được chẩn đoán.
Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính, tiến triển và có thể gây tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể nếu không được điều trị. Vì vậy cần nhận biết các triệu chứng để phát hiện bệnh từ sớm, từ đó điều trị và duy trì mức đường huyết khỏe mạnh.
Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh các triệu chứng thường gặp như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều lần, đói liên tục…, bệnh tiểu đường còn có nhiều triệu chứng khác, ít phổ biến hơn.
Dưới đây là 12 triệu chứng như vậy.
Các triệu chứng ít gặp của bệnh tiểu đường
1. Da sẫm màu ở cổ
Một dấu hiệu cảnh báo của bệnh tiểu đường là sự xuất hiện các mảng da tối màu, đặc biệt là xung quanh cổ.
Các mảng da tối màu có thể lan rộng hoặc chỉ nhìn thấy rõ ở các nếp gấp da. Những mảng da này còn dày hơn vùng da xung quanh và có bề mặt mịn như nhung.
Tình trạng này được gọi là bệnh gai đen (acanthosis nigricans), đôi khi còn xảy ra ở bẹn và nách.
Bệnh gai đen phổ biến hơn ở bệnh tiểu đường type 2 và ở những người có da tối màu. Nguyên nhân là do lượng insulin trong máu tăng cao khiến các tế bào da phát triển nhanh hơn bình thường.
2. Nhiễm trùng tái phát
Bệnh tiểu đường gây suy yếu hệ miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đó là lý do tại sao người mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng tái đi tái lại.
Các bệnh nhiễm trùng phổ biến ở người bị tiểu đường gồm có:
- Nhiễm trùng âm đạo
- Nhiễm nấm Candida
- Nhiễm trùng bàng quang
- Nhiễm trùng da
Khi có quá nhiều đường trong máu, các tế bào bạch cầu sẽ khó di chuyển trong máu. Điều này làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể.
3. Vấn đề về thị lực
Khi nhận thấy thị lực có vấn đề, đa số mọi người đều sẽ đi khám mắt. Tuy nhiên, những thay đổi về thị lực cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường.
Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả mắt. Tình trạng này có thể làm thay đổi lượng chất lỏng trong mắt, dẫn đến sưng phù, mờ mắt hoặc khó tập trung vào các vật thể.
4. Choáng váng
Choáng váng là hiện tượng không ít người gặp phải và nguyên nhân thường là do mệt mỏi, đói hay hạ đường huyết nhưng đôi khi tình trạng này là do bệnh tiểu đường.
Lượng đường trong máu cao cũng có thể gây choáng váng, chóng mặt. Mức đường huyết cao khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần và dẫn đến mất nước. Mất nước sẽ ảnh hưởng đến chức năng não bộ, ngoài ra còn ảnh hưởng đến khả năng tập trung và trí nhớ.
5. Rối loạn chức năng tình dục
Rối loạn cương dương là một triệu chứng của bệnh tiểu đường ở nam giới mà chủ yếu là tiểu đường type 2. Đây là tình trạng khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.
Các vấn đề về chức năng tình dục xảy ra do lượng đường trong máu cao làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu vận chuyển máu đến dương vật.
Rối loạn chức năng tình dục do tiểu đường cũng có thể xảy ra ở cả phụ nữ với các biểu hiện như giảm kích thích và khả năng tiết dịch bôi trơn kém.
6. Cáu gắt
Thường xuyên cảm thấy bực bội hay thay đổi tâm trạng cũng là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Điều này là do sự thay đổi đường huyết nhanh chóng khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát.
Lượng đường trong máu quá cao hay quá thấp đều có thể góp phần gây thay đổi tâm trạng.
Tuy nhiên, sự cáu kỉnh hay những thay đổi tâm trạng khác chỉ là tạm thời và cảm xúc sẽ trở lại bình thường khi lượng đường trong máu ổn định.
7. Sụt cân
Khi cơ thể không sản xuất insulin hoặc không thể sử dụng insulin hiệu quả, các tế bào sẽ không thể lấy glucose từ máu để tạo năng lượng. Khi không có đủ năng lượng, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy mỡ và cơ để lấy năng lượng. Điều này khiến cho cân nặng giảm đột ngột.
8. Ngứa
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát và lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các dây thần kinh trên khắp cơ thể. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ đâu nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân.
Tổn thương dây thần kinh có thể gây ngứa ngáy. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao còn có thể gây tổn thương mạch máu và làm giảm lưu thông máu ở tay, chân. Điều này dẫn đến khô da, ngứa và bong tróc da.
9. Hơi thở có mùi trái cây
Hơi thở có mùi trái cây là một dấu hiệu ít được biết đến của bệnh tiểu đường hay nói chính xác là dấu hiệu của tình trạng nhiễm toan ceton.
Khi các tế bào không thể lấy đường từ máu để tạo năng lượng, cơ thể sẽ phân hủy các tế bào mỡ để lấy năng lượng. Quá trình này tạo ra một loại axit có tên là ceton.
Lượng ceton thừa trong máu thường được đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Nhưng quá trình cơ thể phân hủy mỡ để tạo năng lượng sẽ khiến hơi thở có mùi trái cây hoặc có mùi axeton (nước tẩy móng tay).
Nhiễm toan ceton là một biến chứng nặng của bệnh tiểu đường và nếu nhận thấy các dấu hiệu của tình trạng này thì cần đến bệnh viện ngay.
10. Đau chân tay
Mức đường huyết cao có thể gây tổn thương dây thần kinh và dẫn đến bệnh thần kinh đái tháo đường với biểu hiện là đau hoặc co thắt cơ.
Tình trạng này có thể xảy ra ở cẳng chân hoặc bàn chân, ngoài ra người bệnh còn có cảm giác châm chích, nóng hoặc tê bì ở chân tay.
11. Khô miệng
Ở những người bị bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu cao làm giảm lượng nước bọt và dẫn đến khô miệng.
Quá ít nước bọt trong khoang miệng sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng và viêm nướu. Khô miệng không chỉ là một triệu chứng của bệnh tiểu đường mà còn là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị tiểu đường.
12. Buồn nôn
Buồn nôn và nôn cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Cả hai đều xảy ra do bệnh thần kinh đái tháo đường.
Tổn thương dây thần kinh khiến cơ thể không thể di chuyển thức ăn từ dạ dày đến ruột một cách bình thường. Quá trình tiêu hóa bị gián đoạn có thể khiến thức ăn bị trào ngược trong dạ dày, dẫn đến cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường
Các triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường gồm có:
- Thường xuyên khát nước
- Đi tiểu nhiều lần
- Đói cồn cào dù mới ăn
- Vết thương lâu lành
Khi nào cần đi khám?
Mặc dù bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính hiện chưa có cách chữa trị khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát tình trạng bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Tổn thương thần kinh không thể phục hồi
- Mù lòa
- Biến chứng về da
- Bệnh thận
- Hoại tử và phải cắt cụt chân
- Nhồi máu cơ tim
- Tử vong
Nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi là bệnh tiểu đường thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu, gồm có xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên, xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói và xét nghiệm A1C để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường gồm có bổ sung insulin, thuốc đường uống, tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Tóm tắt bài viết
Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường đôi khi không rõ rệt và khó phát hiện. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì tốt nhất hãy đi khám.
Có thể xác nhận hoặc loại trừ bệnh lý này bằng xét nghiệm máu đơn giản. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì cũng không cần quá lo lắng vì nếu điều trị đúng cách thì hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh và sống khỏe mạnh bình thường.