Gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến ở tất cả các độ tuổi. Giai đoạn đầu, bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, người bệnh có nguy cơ cao bị viêm gan, xơ gan. Tìm hiểu 3 cách chữa bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống qua bài viết sau.
Bạn đang đọc: 3 cách chữa bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả
1. Gan nhiễm mỡ do đâu?
Theo nghiên cứu, tỉ lệ người Việt Nam mắc gan nhiễm mỡ là 20 – 30%, tức là trong 10 người thì có tới 2 – 3 người mắc căn bệnh này. Vậy nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân chính của gan nhiễm mỡ là do lạm dụng rượu bia hoặc lối sống không lành mạnh.
Thừa cân, béo phì và chế độ ăn không lành mạnh là những yếu tố tiềm ẩn gây tích tụ mỡ trong gan. Sự mất cân bằng giữa quá trình oxy hóa và kháng oxy hóa trong cơ thể cũng có thể làm tổn thương tế bào gan và dẫn đến tích tụ mỡ.
Ngoài ra, một số yếu tố như đái tháo đường, tăng lipid máu, dùng thuốc có thể tác động xấu đến gan cũng có thể đẩy nhanh sự tiến triển của gan nhiễm mỡ. Trong đó, đái tháo đường làm tăng mức đường trong máu, khiến gan phải làm việc “chăm chỉ” hơn, khiến tình trạng tổn thương gan trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ đòi hỏi sự đánh giá từ bác sĩ chuyên khoa và các xét nghiệm đi kèm.
Thừa cân, béo phì và chế độ ăn không lành mạnh là những yếu tố tiềm ẩn gây tích tụ mỡ trong gan
2. 3 cách điều trị bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả
2.1. Hạn chế sử dụng cồn là tiên quyết để chữa bệnh gan nhiễm mỡ
Hạn chế sử dụng cồn là điều rất quan trọng trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ. Cồn có thể gây tổn thương cho gan và thúc đẩy quá trình tích tụ mỡ trong gan. Do đó, hạn chế hoặc không uống các đồ uống chứa cồn sẽ giúp bảo vệ gan và cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nếu bạn bị nhiễm mỡ gan và không thể kiêng rượu bia (do tính chất công việc), nên hỏi ý kiến bác sĩ về mức độ sử dụng cồn an toàn. Một số khuyến nghị về sử dụng cồn mà bạn nên lưu tâm:
– Nữ giới chỉ nên sử dụng 1 đơn vị cồn/ngày. Một đơn vị cồn tương đương với khoảng 14 gram cồn, 1 ly rượu (150ml), 1 lon bia (355ml) hoặc 1 chén rượu mạnh (45ml).
– Nam giới nên giảm lượng cồn xuống 2 đơn vị/ngày với mỗi đơn vị cồn tương đương như trên.
Mỗi người có cơ địa khác nhau, nên thăm khám bác sĩ để biết được mức độ sử dụng cồn phù hợp và an toàn trong trường hợp cụ thể. Ở một số trường hợp gan nhiễm mỡ nặng, người bệnh cần bỏ rượu hoàn toàn.
Tìm hiểu thêm: Viêm gan B cấp có chữa được không và cách điều trị cụ thể
Hạn chế sử dụng cồn là điều rất quan trọng trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ
2.2. Thay đổi lối sống giúp hỗ trợ chữa bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả
– Tập thể dục và vận động phù hợp với sức khỏe: Việc này nên được thực hiện đều đặn. Mục tiêu là thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động mạnh hoặc 300 phút hoạt động nhẹ mỗi tuần. Chọn các hoạt động mà bạn thích như đi bộ, chạy, bơi, đạp xe hoặc tham gia các lớp học như yoga, gym hoặc nhảy.
– Giảm cân: Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân là điều cần làm để giảm mỡ trong gan. Theo nghiên cứu, giảm 5 – 10% cân nặng có thể cải thiện rõ rệt tình trạng gan nhiễm mỡ. Nên giảm cân theo các biện pháp khoa học, không giảm cân quá nhanh bằng các biện pháp tiêu cực, tránh gây hại cho gan. Để đảm bảo an toàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn phương pháp giảm cân phù hợp và an toàn.
– Kiểm soát stress: Stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Hãy tìm các phương pháp giảm stress như yoga, thiền, tập thể dục nhẹ nhàng, đi du lịch,… Đồng thời sắp xếp thời gian nghỉ ngơi đầy đủ. Hạn chế thức khuya hoặc làm việc căng thẳng.
2.3. Điều chỉnh thực đơn ăn uống hàng ngày
Các thực phẩm nên ăn để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ gồm:
– Rau và quả tươi: Tăng cường tiêu thụ rau và quả tươi, đặc biệt là những loại giàu chất xơ như rau xanh, cà chua, cà rốt, cải xoăn, hành tây, bắp cải, quả mọng, táo và cam.
– Ngũ cốc nguyên hạt: Ưu tiên lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mạch, hạt lanh, hạt chia và gạo lứt.
– Protein: Lựa chọn nguồn protein lành mạnh như thịt gà không da, cá, trứng, đậu, hạt và các sản phẩm từ sữa không béo.
– Chất béo lành mạnh: Hạn chế chất béo bão hòa bằng cách giảm ăn đồ chiên rán, thay thế các món xào bằng cách luộc hoặc hấp. Sử dụng dầu oliu, dầu lạc, dầu mè,…thay cho mỡ động vật. Theo dõi lượng calo tiêu thụ hàng ngày để duy trì hoặc giảm cân nếu cần thiết.
– Hạn chế đường và chất béo có hại trong bánh ngọt, bánh mì trắng, mì sợi và nước ngọt.
– Hạn chế muối: Hạn chế tiêu thụ muối giúp ngăn nguy cơ tăng huyết áp và tổn thương gan.
– Bổ sung chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa có trong trà xanh, cà phê, trái cây,…giúp bảo vệ tế bào gan.
Bên cạnh đó, người bị gan nhiễm mỡ nên xét nghiệm để kiểm tra và tiêm phòng virus viêm gan A, B, C để phòng ngừa các bệnh viêm gan virus kết hợp.
>>>>>Xem thêm: Bảo vệ lá gan cho người dùng bia rượu
Người bị gan nhiễm mỡ nên tăng cường bổ sung chất xơ từ rau và quả tươi
4. Chữa bệnh gan nhiễm mỡ có khó không?
Chữa bệnh gan nhiễm mỡ đòi hỏi sự kiên trì thay đổi lối sống trong khoảng thời gian dài. Bên cạnh các biện pháp trên, nếu bạn có các bệnh nền như đái tháo đường, tăng lipid máu hoặc huyết áp cao, cần điều trị và kiểm soát để bảo vệ gan khỏi tổn thương và ngăn chặn sự tiến triển của gan nhiễm mỡ.
Nên điều trị gan nhiễm mỡ với sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Thời gian điều trị có thể khác nhau, phụ thuộc và nguyên nhân và tình trạng bệnh nhân. Việc phát hiện sớm và có phương pháp xử lý đúng sẽ giúp rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Nếu bạn có nguy cơ cao hoặc từng bị gan nhiễm mỡ thì việc khám sức khỏe thường xuyên là vô cùng cần thiết. Bác sĩ sẽ theo dõi tiến trình của bạn, chỉ định các xét nghiệm cần thiết và đưa ra lời khuyên cụ thể về chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và các phương pháp điều trị khác.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.