3 điều cần biết về bệnh RSV ở trẻ

Bệnh RSV ở trẻ là bệnh đường hô hấp do virus hợp bào hô hấp RSV gây ra. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu loại virus này, do đó việc phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Bạn đang đọc: 3 điều cần biết về bệnh RSV ở trẻ

1. Tổng quan về bệnh RSV ở trẻ

Bệnh RSV ở trẻ là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus hợp bào hô hấp RSV gây ra. Bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè.

1.1. Tìm hiểu virus RSV

Virus hợp bào hô hấp RSV (Respiratory Syncytial Virus) là một loại virus RNA thuộc giống Orthopneumovirus, họ Pneumoviridae, bộ Mononegavirales, có khả năng lây lan rất mạnh. Đây là căn nguyên phổ biến hàng đầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Thống kê cho thấy, hầu hết trẻ em đều nhiễm RSV trước 2 tuổi.

Virus RSV xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi, gây viêm niêm mạc mũi và khiến mũi tiết dịch đặc dính, làm bít/tắc đường thở, dẫn đến suy hô hấp. Virus xâm nhập tiểu phế quản và các phế nang, làm tổn thương phế nang, gây ứ khí, thậm chí dẫn tới hoại tử tế bào đường hô hấp.

Trên toàn cầu, viêm đường hô hấp do virus RSV là nguyên nhân đứng thứ hai gây ra tử vong trong năm đầu đời của trẻ, chỉ sau bệnh sốt rét. Ước tính có khoảng từ 100.000-200.000 trẻ tử vong mỗi năm do virus RSV.

3 điều cần biết về bệnh RSV ở trẻ

Virus RSV là nguyên nhân đứng thứ hai gây ra tử vong trong năm đầu đời của trẻ

1.2. Đối tượng có nguy cơ nhiễm RSV cao

RSV có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên các đối tượng sau thường có nguy cơ nhiễm bệnh cũng như nguy cơ bệnh tiến triển cao hơn:

– Trẻ sinh non, sinh sớm dưới 37 tuần

– Trẻ nhỏ, đặc biệt là từ 6 tháng tuổi trở xuống.

– Trẻ em mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh

– Trẻ em có hệ miễn dịch yếu hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch

– Trẻ em bị rối loạn thần kinh cơ, trong đó bao gồm cả trẻ khó nuốt hay khó tiết dịch nhầy

Ngoài trẻ em, người già trên 65 tuổi hoặc người lớn bị bệnh tim/ phổi mạn tính, có hệ thống miễn dịch suy yếu cũng là những trường hợp dễ nhiễm RSV.

1.3. Con đường lây nhiễm của RSV

Cũng giống như các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác, virus RSV lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua dịch tiết hô hấp của người bệnh. Theo đó, bệnh có thể lây lan trong các trường hợp:

– Người bệnh ho, hắt hơi làm các giọt tiết bắn vào mắt, mũi, miệng của những người xung quanh, khiến người xung quanh bị nhiễm bệnh.

– Người khỏe mạnh chạm vào các bề mặt có dịch tiết hô hấp của người bệnh như: tay nắm cửa, quần áo, đồ đạc cá nhân của người bệnh, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng của bản thân trước khi rửa tay

– Tiếp xúc trực tiếp với virus qua các hành động thơm, hôn người bệnh. Với trẻ có thể còn qua hành động mớm thức ăn cho trẻ.

2. Triệu chứng bệnh RSV ở trẻ

Khi trẻ bị nhiễm virus RSV, trẻ sẽ có một số triệu chứng giống như bị cảm lạnh trong 1-3 ngày đầu, ví dụ như:

– Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi và bị nghẹt mũi

– Ho có đờm, đau họng nhẹ, đau tai

– Bú kém, bỏ bú, hoặc biếng ăn

– Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao)

– Khó thở, thở khò khè

– Hay quấy khóc, khó chịu, mệt mỏi, không muốn vận động

Tìm hiểu thêm: Giải đáp: Cách phòng chống lây quai bị trong nhà

3 điều cần biết về bệnh RSV ở trẻ

Ho có đờm là một trong những triệu chứng đặc trưng khi nhiễm virus RSV

Tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng mà triệu chứng bệnh RSV ở trẻ sẽ khác nhau. Đối với những trẻ khỏe mạnh, bệnh có thể không có biểu hiện nghiêm trọng và trẻ có thể tự khỏi. Đối với trẻ sinh non, biểu hiện nhiễm bệnh có thể là bú kém, quấy khóc, ngưng thở khoảng 15-20 giây….

Thông thường, biểu hiện lâm sàng nhiễm RSV sẽ dày đặc vào khoảng ngày thứ 5 của bệnh và thường cải thiện sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, trẻ có thể ho kéo dài khoảng 4 tuần do các tế bào có lông mao phục hồi chậm.

Theo các chuyên gia, ho đờm cũng là một trong những triệu chứng dễ nhận biết trẻ bị nhiễm virus RSV nhất. Do họng có nhiều đờm nên đường hô hấp có thể bị bít tắc và gây ra hiện tượng khó thở cho trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ ho nhiều hơn. Với những trẻ có bệnh lý nền như bị tim bẩm sinh hay trẻ sinh non, suy dinh dưỡng,… thì bệnh sẽ có xu hướng tiến triển nặng hơn. Trẻ sẽ có nguy cơ cao bị viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi với các triệu chứng như:

– Thở nhanh, thở gấp, thở khò khè, khó thở.

– Ho ngày càng nhiều và nặng, ho dữ dội. Trẻ có bị nghẹt thở hoặc nôn ói do ho.

– Mệt mỏi, chán ăn, bỏ ăn, thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh

Cũng bởi vậy, bố mẹ cần chăm sóc và để ý con kỹ lưỡng, đặc biệt là các trẻ có bệnh lý nền. Ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời cho con.

3. Cách điều trị bệnh RSV ở trẻ

Để chẩn đoán bệnh cho trẻ, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định trẻ thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm dịch hầu họng; chụp X-quang kiểm tra phổi. Khi xác định chính xác bệnh và tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nhiễm trùng do virus RSV, do đó các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và điều trị các biến chứng nếu có.

3 điều cần biết về bệnh RSV ở trẻ

>>>>>Xem thêm: Viêm amidan cấp ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết

Điều trị viêm phế quản do virus RSV tại Thu Cúc TCI

Thông thường, đa số các trường hợp nhiễm virus RSV không có biến chứng đều có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Trong trường hợp cần thiết, bố mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Khi bị nhiễm virus RSV, trẻ thường bị keo dính đường hô hấp dẫn đến nghẹt thở. Do đó, bố mẹ cần hút rửa mũi thường xuyên cho con, giúp đường thở của con được thông thoáng.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi hay khói thuốc lá vì các tác nhân này có thể làm bệnh trở nặng hơn. Bố mẹ cũng có thể sử dụng máy tạo ẩm trong phòng để giữ không khí luôn ẩm và sạch.

Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ đỡ bị nôn ói do ho. Đồng thời cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm. Trong trường hợp người bệnh không thể nạp đủ lượng nước cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Cùng với các biện pháp trên, tùy theo tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc để giúp giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng bệnh. Nếu bệnh diễn tiến nặng và nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ thở oxy hoặc đặt nội khí quản để thở máy.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *