3 đối tượng dễ mắc bệnh lý mạch vành cần cẩn trọng

Bệnh lý mạch vành sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Liên quan đến sự thu hẹp của động mạch vành (mạch máu duy nhất cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ tim),  bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính nhưng phổ biến nhất là những đối tượng dưới đây.

Bạn đang đọc: 3 đối tượng dễ mắc bệnh lý mạch vành cần cẩn trọng

1. Những người cao tuổi – Đối tượng chủ yếu mắc bệnh lý mạch vành

Nguyên nhân chính gây ra bệnh mạch vành là do sự phát triển của các mảng bám trên thành mạch, làm giảm thiết diện lòng mạch. Các mảng bám này có thể hình thành từ khi bệnh nhân còn trẻ, phát triển về kích thước và dần xơ cứng theo thời gian. Vì vậy, càng lớn tuổi, người bệnh càng có nguy cơ cao mắc bệnh này. 

Hơn nữa, khi lớn tuổi, thành mạch sẽ trở nên kém đàn hồi hơn nên những cơn co thắt hoặc đau ngực ngay cả khi nghỉ ngơi cũng dễ xảy ra hơn. Nhưng người bệnh lại thường ít cảm nhận được do đã có thời gian dài làm quen với cơn đau này. 

Theo các thống kê, những người dễ mắc bệnh lý mạch vành thường là nam giới trên 50 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi. Thông thường nam giới là có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới. Nhưng sau khi mãn kinh, phụ nữ lại có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam.

Ngoài ra những người có bố mẹ hoặc ông bà mắc bệnh mạch vành cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn, đặc biệt là khi khi người thân của họ mắc bệnh trước 55 tuổi đối với nam giới và trước 65 tuổi đối với nữ giới. 

3 đối tượng dễ mắc bệnh lý mạch vành cần cẩn trọng

Người cao tuổi là đối tượng mắc bệnh mạch vành chủ yếu

2. Những người có tiền sử bệnh mạn tính dễ mắc bệnh mạch vành

Tăng huyết áp, rối loạn lipid và đái tháo đường là bộ 3 bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tim mạch, là những yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra bệnh mạch vành. 

2.1 Tăng huyết áp gây bệnh lý mạch vành

Thực tế, bệnh mạch vành và tăng huyết áp có mối quan hệ qua lại mật thiết. Bệnh mạch vành có thể khiến huyết áp tăng cao bởi tim phải co bóp nhiều hơn để bơm đủ lượng máu cần thiết. Tuy nhiên, tăng huyết áp cũng có thể là nguy cơ gây bệnh mạch vành. Huyết áp thường xuyên tăng cao, áp lực của máu lên thành động mạch vành lớn sẽ dễ bị tổn thương mạch vành, tạo điều kiện cho mảng bám dễ hình thành và gây thu hẹp lòng mạch hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch.

2.2 Rối loạn lipid 

Sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa chất béo khiến nồng độ cholesterol trong máu trở nên bất thường. Cholesterol có 2 loại chính là loại “tốt” (LDL-Cholesterol) và loại “xấu” (HDL-Cholesterol). Khi lượng cholesterol xấu tăng nhiều trong máu sẽ dẫn đến lắng đọng ở thành mạch máu và gây nên các mảng xơ vữa động mạch, phổ biến nhất là ở tim và ở não. Mảng xơ vữa này có thể gây hẹp tắc mạch máu hoặc vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu. Hậu quả là những biến cố nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, đột tử. Bởi vậy, LDL-Cholesterol là chỉ số quan trọng cần theo dõi để phòng ngừa bệnh và kiểm soát bệnh trong quá trình điều trị.

2.3 Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý mạch vành

Bệnh lý đái tháo đường làm tổn thương sớm ở tế bào nội mạc – nơi tiếp xúc trực tiếp giữa thành mạch và các thành phần của máu – làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Đây là điều kiện thuận lợi để các phân tử cholesterol chui qua lớp nội mạc vào trong một cách dễ dàng. Các phân tử cholesterol này sẽ kết hợp với bạch cầu, hình thành nên mảng xơ vữa động mạch hoặc làm các mảng xơ vữa có sẵn phát triển nhanh dẫn đến hẹp dần lòng mạch. 

Ngoài ra môt số bệnh tự miễn, bệnh tim bẩm sinh, bệnh tim mạch khác cũng có thể gây thiểu năng vành. 

Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân nhồi máu cơ tim và các yếu tố nguy cơ

3 đối tượng dễ mắc bệnh lý mạch vành cần cẩn trọng

Bệnh lý mạch vành dễ gặp phải ở những người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, tiểu đường…

3. Những người có lối sống thiếu lành mạnh có nguy cơ cao bị tắc hẹp mạch vành

Lối sống có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nói chung và bệnh mạch vành nói riêng. Nguy cơ mắc bệnh mạch vành thường cao hơn ở những người có các thói quen thiếu lành mạnh sau đây:

3.1 Thường xuyên hút thuốc lá

Trong thuốc lá có hàng nghìn chất độc khác nhau. Các chất này khi đi vào máu có thể làm tổn thương các mạch máu, gây tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá chủ động có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 – 4 lần và tỷ lệ tử vong tăng khoảng 70% so với người bình thường. Ngay cả những người chỉ hút thuốc thụ động thì nguy cơ mắc bệnh này cũng rất cao. 

3.2 Ăn nhiều chất béo

Các chất béo có thể sinh ra do quá trình chuyển hóa trong cơ thể, cũng có thể được nạp vào qua con đường ăn uống. Nếu tiêu thụ quá mức các thực phẩm nhiều dầu mỡ, tinh bột,…thì bạn cũng dễ mắc bệnh mạch vành hơn do chất béo không được chuyển hóa hết sẽ tích tụ gây xơ vữa.

3.3 Ăn mặn

Thói quen này không hề tốt vì dễ khiến huyết áp tăng cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

3.4 Lười vận động 

Ở những người có lối sống thụ động, tĩnh tại, chất dinh dưỡng thường không chuyển hóa hết thành năng lượng. Khi đó, các chất này sẽ tích tụ lại dưới dạng chất béo. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở những người trẻ tuổi.  

3 đối tượng dễ mắc bệnh lý mạch vành cần cẩn trọng

>>>>>Xem thêm: Đau tức ngực – Cảnh báo nguy cơ bệnh tim mạch cho tim

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tắc hẹp mạch vành.

3.5 Thường xuyên lo lắng, căng thẳng

Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực khiến cho nhiều người luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Tùy từng trường hơp, lo lắng, căng thẳng có thể gây ra tắc mạch cấp tính, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu căng thẳng, lo kéo dài, người bệnh có thể bị tăng huyết áp. Các loại lo lắng do tâm lý, tình cảm có thể làm mất tính ổn định điện của tim, gây ra rối loạn nhịp tim và ngừng tim. 

Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý mạch vành. Với mỗi nguyên nhân sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau nhằm cải thiện bệnh một cách tối ưu. Người bệnh, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao nên đi khám thường xuyên để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.  

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *