3 giai đoạn bệnh sốt xuất huyết bạn cần lưu ý

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng, khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Nắm được diễn tiến của bệnh giúp bạn kịp thời ứng phó với các triệu chứng, ngăn nguy cơ bệnh trở nặng.

Bạn đang đọc: 3 giai đoạn bệnh sốt xuất huyết bạn cần lưu ý

1. Hiểu về bệnh sốt xuất huyết

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa các tháng 7,8,9,10. Bệnh do virus Dengue gây ra và được phát tán do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh, sau đó truyền cho người lành thông qua vết đốt.

3 giai đoạn bệnh sốt xuất huyết bạn cần lưu ý

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua trung gian là muỗi vằn.

Virus Dengue gây sốt xuất huyết có 4 type: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Do đó, một người dù được hình thành miễn dịch sau lần mắc bệnh đầu tiên, vẫn có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần nếu mắc các type khác.

Trong thời gian dịch bùng phát, dựa theo phân cấp điều trị bệnh nhân, phần lớn các ca bệnh sốt xuất huyết (không cần truyền dịch tĩnh mạch, không có chảy máu quan trọng) có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu người bệnh và người thân chủ quan, lơ là trong theo dõi, điều trị có thể khiến bệnh trở nặng và gây nguy hiểm.

2. Cảnh giác với diễn tiến bệnh

Thông thường, người bệnh sốt xuất huyết sẽ phải trải qua 3 giai đoạn bệnh bao gồm: Giai đoạn sốt – giai đoạn nguy hiểm – giai đoạn hồi phục.

2.1. Giai đoạn sốt

Sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt từ 4-10 ngày, người bệnh bước vào giai đoạn sốt. Đây cũng là khoảng thời gian sốt xuất huyết gây ra các triệu chứng giống như cúm khiến người bệnh dễ nhầm lẫn, chủ quan trong thăm khám ban đầu.

Bệnh biểu hiện qua triệu chứng điển hình là sốt cao (39-40 độ C) và thường kèm theo ít nhất 2 triệu chứng: đau đầu, đau hốc mắt, buồn nôn và/ hoặc nôn mửa, nổi hạch, đau cơ, xương hoặc khớp, phát ban…

Tìm hiểu thêm: Cẩn thận với biến chứng quai bị ở nam giới

3 giai đoạn bệnh sốt xuất huyết bạn cần lưu ý

Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng sốt cao nhiều lần dù đã uống thuốc hạ sôt.

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có phác đồ điều trị kịp thời.

2.2 Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn này thường diễn ra khoảng 3-7 ngày sau khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Thân nhiệt người bệnh có thể đã giảm hoặc còn sốt, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc người bệnh đang hồi phục.

Vào giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng như:

– Đau bụng dữ dội

– Nôn liên tục

– Chảy máu lợi, chân răng

– Nôn ra máu

– Thở nhanh

– Mệt mỏi/ bồn chồn

Ngay cả khi được phân cấp điều trị tại nhà, bệnh nhân cần lập tức quay trở lại cơ sở ý tế khi phát hiện các dấu hiệu trên vì tình trạng này có thể gây: thoát huyết tương dẫn đến sốc sốt xuất huyết và/ hoặc tích tụ dịch gây suy hô hấp. Ngoài ra có thể gây chảy máu và tổn thương tạng nặng.

Giai đoạn bệnh nguy hiểm đòi hỏi người bệnh cần được theo dõi sát sao và chăm sóc kỹ càng. Nếu có dấu hiệu bệnh trở nặng cần thông tin ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

2.3 Bệnh sốt xuất huyết – giai đoạn hồi phục

Lúc này, các triệu chứng bệnh dần thuyên giảm, người bệnh hết sốt, cơ thể bớt đau mỏi, tiểu nhiều hơn và thèm ăn. Các chỉ số cơ thể dần quay trở lại mức bình thường.

Tuy nhiên ngay khi ở giai đoạn phục hồi, người bệnh và gia đình không nên lơ là trong chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh. Vẫn có trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng phù phổi, phù tim ở giai đoạn phục hồi.

4. Điều trị sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phần lớn các loại thuốc sử dụng trong quá trình điều trị chỉ có tác dụng làm thuyên giảm triệu chứng.

Người bệnh sau khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ có thể được phân luồng điều trị ngoại trú tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, tránh tình trạng mua nhầm thuốc hoặc sử dụng chồng chéo gây quá liều.

Một số loại thuốc có thể dùng trong quá trình điều trị bao gồm:

– Thuốc hạ sốt: Paracetamol được chỉ định trong sốt xuất huyết khá an toàn.Thuốc nên được dùng cách nhau từ 4-6h và không nên dùng quá 4 lần/ ngày. Người bệnh tuyệt đối không dùng giảm sốt bằng aspirin và ibuprofen vì có thể khiến chảy máu xuất huyết không cầm được.

– Nước và điện giải: Bệnh nhân có thể bù nước bằng đường uống (ít nhất 2-3 lít nước oresol hoặc/và nước hoa quả mỗi ngày)

Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý mua kháng sinh sử dụng vì bản chất kháng sinh không thể tiêu diệt được virus sốt xuất huyết. Chỉ khi được chẩn đoán bội nhiễm vi khuẩn và có chỉ định bác sĩ, người bệnh mới có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, người nhà và bản thân người bệnh cũng cần lưu ý kỹ càng chế độ chăm sóc. Người bệnh nên được nghỉ ngơi nhiều nhất tại giường, ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước, hạn chế các thực phẩm có màu đỏ, cam vì có thể nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hoá…

5. Hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết

Bên cạnh nắm được các giai đoạn diễn biến của bệnh để kịp thời điều trị, phòng chống sốt xuất huyết vẫn là giải pháp hàng đầu.

3 giai đoạn bệnh sốt xuất huyết bạn cần lưu ý

>>>>>Xem thêm: Hỏi đáp về các bệnh truyền nhiễm

Diệt muỗi là trọng tâm trong phòng chống sốt xuất huyết.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện theo các biện pháp sau:

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách thay rửa các dụng cụ chứa nước sinh hoạt thường xuyên, đậy kín các bể và vật dụng chứa nước, thả cá để diệt lăng quăng/ bọ gậy.

Thay nước của các lọ hoa hàng ngày, thêm muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cá cảnh, hòn non bộ, khay chứa nước phía sau tủ lạnh…

Phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật liệu phế thải, lấp các hốc nước tự nhiên, đóng nắp, lật úp các dụng cụ có khoang chứa không sử dụng, không cho muỗi có môi trường đẻ trứng.

Ngủ trong màn chống muỗi, kể cả vào ban ngày, ưu tiên mặc quần áo dài tay, dùng sản phẩm diệt, đuổi muỗi để phòng muỗi đốt.

Phối hợp cùng ngành y tế địa phương trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

Người bệnh có dấu hiệu bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn điều trị, tuyệt đối không chủ quan điều trị tại nhà.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh phổ biến và có khả năng biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Để đảm bảo cho sức khỏe bản thân và gia đình, mỗi người cần có hiểu biết về căn bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả.

 

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *