3 Lưu ý khi tiêm chủng phòng ngừa bệnh cúm mùa

Bệnh cúm mùa có thể chuyến biến từ nhẹ tới nặng và dễ truyền nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp. Do vậy, tiêm chủng vacxin phòng cúm mùa là biện pháp hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh này.

Bạn đang đọc: 3 Lưu ý khi tiêm chủng phòng ngừa bệnh cúm mùa

1. Đôi nét cần biết về bệnh lý cúm mùa

Bệnh cúm mùa là một loại bệnh lý truyền nhiễm qua đường hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh cúm sẽ gây ra một số biểu hiện tại cơ thể người bệnh như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh lý này có thể khiến bạn bị ốm đột ngột và thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày.

Đa số mọi đối tượng có thể tự khỏi bệnh trong thời gian ngắn mà không cần can thiệp điều trị y tế. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có kháng thể yếu bệnh cúm sẽ trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng do biến chứng.

3 Lưu ý khi tiêm chủng phòng ngừa bệnh cúm mùa

Cúm là tình trạng bị ốm đột ngột và thường kéo dài trong khoảng thời gian ngắn

2. Tìm hiểu thông tin về tiêm chủng vacxin phòng cúm

2.1. Tiêm chủng vacxin phòng cúm mùa là gì?

Vacxin cúm là một loại vacxin được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa bệnh cúm cho con người. Vacxin cúm mùa có chứa các thành phần của virus cúm mùa được sản xuất hoặc lấy từ virus đã được bất hoạt và không còn khả năng gây bệnh. Vacxin này sẽ phát huy tác dụng sau khi tiêm khoảng 3 tuần – đây là khoảng thời gian cần thiết để hệ miễn dịch trong cơ thể sản xuất đầy đủ kháng thể nhằm chống lại virus cúm.

Bệnh cúm mùa thường diễn ra quanh năm nhưng mùa cao điểm thường rơi vào giai đoạn mùa xuân và mùa đông. Do đó, thời điểm thích hợp để tiêm vacxin phòng cúm là từ 2 tuần tới 1 tháng trước khi vào mùa cao điểm. Mọi người thường được khuyến cáo tiêm vacxin vào giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 3.

Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về tình trạng tê tay sau tiêm vacxin

3 Lưu ý khi tiêm chủng phòng ngừa bệnh cúm mùa

Vacxin cúm giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả

2.2. Lợi ích của tiêm chủng vacxin cúm

Thực hiện tiêm chủng vacxin cúm mùa mang lại những lợi ích cho sức khỏe như:

– Ngăn ngừa bệnh cúm.

– Phòng ngừa và giảm tỷ lệ nhập viện ở những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc hội chứng suy giảm hệ miễn dịch, tắc nghẽn phổi mạn tính.

– Giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể và giảm bớt lo lắng của nữ giới trong thời gian thai kỳ.

– Giảm tối đa các nguy cơ mắc bệnh lý ở thai nhi và đảm bảo sức khỏe cho trẻ sơ sinh khi chưa được tiêm vacxin cúm.

– Vacxin góp phần bảo vệ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người dễ bị lây bệnh cúm.

Virus cúm có tính đột biến gen cao, dễ thay đổi cấu trúc và tạo nên những biến chủng mới. Ở mỗi mùa cúm, thường xuất hiện những biến chủng virus cúm mới nên để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn cần tiêm chủng hàng năm nhằm tạo kháng thể bảo vệ cơ thể.

2.3. Đối tượng nên tiêm phòng cúm

Tiêm vacxin phòng cúm là mũi tiêm định kỳ và cần được thực hiện ở tất cả mọi đối tượng. Những đối tượng cần lưu ý thực hiện tiêm chủng phòng cúm đầy đủ gồm:

– Trẻ nhỏ sau 6 tháng tuổi và người cao tuổi: Đối tượng có hệ miễn dịch tương đối yếu, dễ bị virus cúm tấn công nếu không tiêm phòng cúm định kỳ.

– Phụ nữ đang mang thai và có ý định mang thai: Giúp mẹ hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh và đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, giảm thiểu nguy cơ dị tật bẩm sinh.

– Người sinh sống trong viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn.

3. Một số lưu ý khi tiêm ngừa vacxin phòng cúm

3.1. Đối tượng không nên thực hiện tiêm vacxin phòng cúm

Nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm chủng phòng bệnh cúm:

– Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

– Người bị dị ứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin.

– Trẻ em từ 2 đến 17 tuổi đang điều trị aspirin hoặc các thuốc có thành phần chứa salicylate.

– Trẻ em từ 2 đến 4 tuổi mắc hen phế quản hoặc từng bị khò khè trong khoảng 12 tháng trước đó.

Nếu bạn thuộc một trong những tình trạng dưới đây cần tham khảo và nhận chỉ định tiêm từ bác sĩ:

– Trẻ em từ 5 tuổi trở lên mắc hen phế quản.

– Đối tượng có các bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nặng liên quan tới cúm.

– Người mắc hội chứng đa dây thần kinh cấp tính sau khi sử dụng vắc xin phòng cúm trước đó.

– Người mới tiêm các loại vacxin khác trong vòng 2 tuần.

3.2. Tác dụng phụ hay gặp sau khi tiêm vacxin cúm

Tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin cúm mùa thường rất nhẹ và tự khỏi. Sau khi tiêm, một số người có thể gặp những phản ứng như:

– Đau nhức, mẩn đỏ hoặc sưng tấy tại vị trí tiêm.

– Sốt nhẹ dưới 38 độ C.

– Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

– Đau các cơ, khớp.

– Nôn hoặc phát ban nhẹ.

Những phản ứng này thường không nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm sau một vài ngày. Để hạn chế những tác dụng phụ bạn nên thực hiện tiêm vacxin cúm tại cơ sở y tế đảm bảo chất lượng.

Nếu cơ thể có những phản ứng phụ nghiêm trọng như khó thở, sưng mặt hoặc vùng cổ, phát ban kéo dài, phù mạch hoặc cảm giác buồn nôn và chóng mặt thì nên tới cơ sở y tế để can thiệp điều trị kịp thời.

3 Lưu ý khi tiêm chủng phòng ngừa bệnh cúm mùa

>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về vắc xin cúm vaxigrip tetra

Tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin cúm mùa thường rất nhẹ và tự khỏi

3.3. Cách chủ động phòng ngừa cúm mùa bên cạnh việc thực hiện tiêm chủng

Ngoài việc thực hiện tiêm chủng vacxin định kỳ, bạn nên thực hiện một số biện pháp để tăng cường sức đề kháng như:

– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh.

– Giữ khoảng cách với người khác để hạn chế lây bệnh nếu bạn đang mắc bệnh.

– Giảm sự lây lan virus khi ho hoặc hắt hơi bằng cách che mũi và miệng.

Tiêm phòng cúm hàng năm là biện pháp hiệu quả để tạo “lá chắn” chống virus cúm mùa hiệu quả và vững chắc hơn. Ngoài ra, tiêm phòng cúm đúng lịch còn giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng nặng trong trường hợp mắc bệnh. Bài viết trên là những thông tin và một số lưu ý khi thực hiện tiêm chủng phòng ngừa cúm mùa. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp thêm, liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ tư vấn sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *