Tầm soát ung thư vòm họng là quá trình kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng như nội soi tai mũi họng, sinh thiết,…nhằm phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn chưa gây ra các triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Việc này giúp kịp thời can thiệp điều trị, tăng tỉ lệ chữa khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Bạn đang đọc: 3 phương pháp tầm soát ung thư vòm họng
1. Ung thư vòm họng và những điểm cần biết
1.1. Các giai đoạn bệnh
Dựa vào thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, ung thư vòm họng được chia thành 4 giai đoạn gồm:
– Giai đoạn 1: Ủ bệnh với triệu chứng âm thầm.
– Giai đoạn 2: Khối u phát triển kích thước.
– Giai đoạn 3: Khối u có kích thước lớn và cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng rõ ràng.
– Giai đoạn 4: Khối u có kích thước lớn, di căn sang các cơ quan và tạng khác.
Thời gian ủ bệnh của ung thư vòm họng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên thường rơi vào 3-6 tháng, có trường hợp lên đến 1 năm hoặc hơn. Diễn tiến bệnh phức tạp, theo đó ung thư vòm họng thường phát triển âm thầm trong thời gian dài. Do đó bản thân người bệnh thường không nhận ra bản thân có bệnh và chỉ phát hiện khi bệnh đã nặng, điều trị khó khăn, tiên lượng xấu kèm nhiều rủi ro sức khỏe.
Ung thư vòm họng thường phát triển âm thầm trong thời gian dài.
1.2. Tỉ lệ sống 5 năm
Tỉ lệ sống của ung thư vòm họng có thể hiểu một cách đơn giản là phần trăm một người mắc ung thư vòm họng còn có thể sống trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 5 năm) sau khi được chẩn đoán và nhận điều trị. Tỉ lệ này không cho biết cụ thể người bệnh sẽ sống được bao lâu nhưng có thể giúp hiểu rõ hơn về khả năng thành công của quá trình điều trị.
Thực tế cho thấy phát hiện bệnh sớm là yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng. Bệnh nhân mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường có kết quả điều trị khá tốt, tỉ lệ sống 5 năm lên đến 75%. Đối với bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn 4, tỉ lệ này giảm xuống dưới 40%.
2. Các biện pháp tầm soát ung thư vòm họng hiện nay
Khi một người xuất hiện các triệu chứng với tính chất đặc trưng của ung thư vòm họng như khản tiếng, ngạt mũi, nổi hạch, ho có đờm, đau họng ở một bên, tăng dần và các triệu chứng dù dùng thuốc vẫn không thấy đỡ thì nên gặp bác sĩ để tiến hành thăm khám tầm soát ung thư vòm họng. Theo đó, 3 phương pháp sàng lọc phổ biến nhất gồm:
3.1. Khám lâm sàng trong tầm soát ung thư vòm họng
Đầu tiên bác sĩ tiến hành quan sát, dùng tay kiểm tra từ đầu tới cổ để xem các hạch. Tiếp đó người bệnh được đề nghị há miệng to để khám và tìm kiếm dấu hiệu bất thường tại các cơ quan như lưỡi, vòm họng.
Ngoài ra người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi các thông tin sơ lược về bệnh sử bản thân và gia đình, khai thác các dấu hiệu bệnh.
3.2. Nội soi họng
Khu vực vòm họng khá khó để quan sát bằng mắt thường trong khám lâm sàng, do đó kĩ thuật nội soi được sử dụng để hỗ trợ bác sĩ tìm kiếm những bất thường ở đây.
Kĩ thuật này sử dụng ống nội soi gắn camera và kính chuyên dụng để kiểm tra lớp niêm mạc bên trong khu vực tai mũi họng, từ đó giúp bác sĩ quan sát rõ các tổn thương hoặc bất thường nếu có. Thông thường khối u tại vòm họng có thể được phát hiện dễ dàng trên nội soi kể cả ở giai đoạn sớm. Kĩ thuật nội soi tai mũi họng đồng thời cho phép bác sĩ đánh giá mức độ lan rộng của khối u cũng như các nguy cơ chảy máu, vỡ u.
Điểm hạn chế duy nhất của nội soi tai mũi họng là chỉ đánh giá được hình ảnh bề mặt bên trong mà không đánh giá được sự xâm lấn, có khả năng bỏ sót các tổn thương ở dưới niêm mạc. Nếu trong trường hợp nghi ngờ có tổn thương dưới lớp niêm mạc, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính.
Nếu nội soi phát hiện khối u, bác sĩ có thể thao tác lấy một mảnh nhỏ để gửi xét nghiệm mô bệnh học hay còn gọi là sinh thiết để phân tích, chẩn đoán xem đây có phải ung thư không. Trường hợp không phát hiện bất thường trong quá trình khám nhưng bác sĩ vẫn nghi ngờ ung thư vòm họng dựa trên các biểu hiện lâm sàng của người bệnh thì có thể tiến hành sinh thiết ngẫu nhiên để tránh bỏ sót tổn thương.
Tìm hiểu thêm: Khám phát hiện ung thư phổi ở đâu?
Kĩ thuật nội soi giúp bác sĩ quan sát rõ các tổn thương hoặc bất thường nếu có.
3.3. Chẩn đoán hình ảnh trong tầm soát ung thư vòm họng
Từ kết quả của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể xác định và đánh giá những đặc điểm của khối u, từ đó định hướng được phương pháp điều trị tối ưu nhất. Theo đó, một số đặc điểm của khối u có thể nhận biết thông qua những kĩ thuật trên gồm:
– Vị trí.
– Kích thước.
– Hình dạng.
– Tính chất xâm lấn.
– Mức độ tác động các mô mềm.
– Di căn hạch.
– Di căn xa.
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định trong sàng lọc ung thư vòm họng là chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) và chụp MRI (chụp cộng hưởng từ), Trong đó MRI đặc biệt nhạy trong các ca phát hiện u ác vòm họng so với chụp CT thông thường.
3. Những đối tượng nguy cơ cao nên thực hiện sàng lọc ung thư vòm họng
Theo thống kê, khu vực Đông Nam Á có tỉ lệ bệnh nhân ung thư vòm họng là 25/100.000 người, thuộc nhóm trung bình cao. Số ca ung thư vòm họng ở nam cao gấp 2-3 lần nữ. Tại Việt Nam, ung thư vòm họng thuộc top 10 nguyên nhân gây tử vong. Độ tuổi ghi nhận mắc ung thư vòm họng dao động khoảng 30-35 tuổi và có xu hướng trẻ hóa do nhiều yếu tố.
Việc định kỳ thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư vòm họng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị hạn chế di chứng, rủi ro. Trong đó, những nhóm đối tượng nguy cơ cao dưới đây cần đặc biệt lưu ý tầm soát định kỳ dù không có các triệu chứng bệnh:
– Người nhiễm virus EBV.
– Người trong độ tuổi 30-55.
– Người lao động trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hoặc khí thải độc.
– Người sinh hoạt không lành mạnh, thói quen ăn uống nhiều muối.
– Người ăn nhiều đồ lên men như cá muối, dưa muối, thịt muối.
– Người có bệnh sử gia đình liên quan đến ung thư vòm họng.
Bên cạnh đó, bạn nên lưu ý một vài điểm sau đây khi thực hiện sàng lọc ung thư vòm họng:
– Nhịn ăn sáng để làm các xét nghiệm sàng lọc.
– Mặc trang phục thuận tiện để quá trình khám dễ dàng hơn.
– Không uống đồ chứa chất kích thích như cà phê, trà hoặc nước ngọt, nước ép. Chỉ nên uống nước lọc trong vòng 24 giờ trước khi khám tại viện.
– Không uống bia, rượu, không hút thuốc lá.
>>>>>Xem thêm: Cách chữa ung thư phổi theo phác đồ trúng đích
Độ tuổi ghi nhận mắc ung thư vòm họng dao động khoảng 30-35 tuổi và có xu hướng trẻ hóa do nhiều yếu tố.
Ung thư vòm họng có triệu chứng mờ nhạt trong giai đoạn đầu, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường khiến nhiều người mất cảnh giác, chỉ phát hiện khi bệnh đã trở nặng. Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm, gia tăng tỉ lệ sống và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm, đảm bảo quá trình điều trị ít xâm lấn và tiết kiệm chi phí hơn. Trong trường hợp bạn có thắc mắc về danh mục tầm soát ung thư vòm họng, hãy liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.