Ung thư phổi là căn bệnh ác tính nguy hiểm hàng đầu trên thế giới với hơn 2 triệu ca mắc mới và hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam trong số những bệnh nhân nhập viện, có đến 62.5% không còn khả năng thực hiện phẫu thuật. Tầm soát ung thư phổi là quá trình sử dụng các biện pháp lâm sàng, cận lâm sàng để kiểm tra sàng lọc bệnh ở những người không có triệu chứng, từ đó phát hiện sớm bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị. Có thể nói, việc tầm soát phát hiện bệnh sớm đóng vai trò quyết định đến tiên lượng sống của bệnh nhân.
Bạn đang đọc: 4 Biện pháp tầm soát ung thư phổi hiện nay
1. Tầm quan trọng của tầm soát sàng lọc ung thư phổi
1.1. Vì sao nên tầm soát ung thư phổi?
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính có diễn tiến âm thầm. Ở giai đoạn sớm bệnh hầu như không xuất hiện triệu chứng lâm sàng mà chỉ khi khối u có kích thước đủ lớn, xâm lấn vào các tổ chức lân cận thì mới có những biểu hiện rõ ràng. Đa số trường hợp phát hiện sớm ung thư phổi là nhờ tình cờ thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khám các bệnh khác lý khác.
Mục tiêu của tầm soát sàng lọc ung thư phổi là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm khi bệnh có tiên lượng điều trị tốt. Ngược lại khi khối u đã phát triển và cơ thể xuất hiện dấu hiệu rõ rệt thì ung thư thường đã ở giai đoạn muộn, quá trình điều trị rất phức tạp và tỉ lệ sống thấp.
Các nghiên cứu cũng cho thấy sàng lọc ung thư phổi giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh. Có thể nói, việc tầm soát phát hiện bệnh sớm đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị và tiên lượng sống của bệnh nhân.
1.2. Ai nên tầm soát ung thư phổi?
Tầm soát sàng lọc ung thư phổi giúp phát hiện bệnh ở những người khỏe mạnh có nguy cơ cao. Theo đó, khám tầm soát được khuyến nghị cho những đối tượng như:
– Người trên 50 tuổi đã hoặc đang hút thuốc.
– Người nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài: Có thể xem xét tầm soát nếu đối tượng có tiền sử hút 1 gói thuốc mỗi ngày trong 20 năm, 2 gói mỗi ngày trong 10 năm hay nửa gói mỗi ngày trong 40 năm.
– Người có lịch sử nghiện thuốc: Đối tượng nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài dù đã bỏ thuốc 15 năm vẫn nên thực hiện sàng lọc ung thư phổi.
– Người có những yếu tố nguy cơ khác gồm: Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh sử gia đình liên quan đến ung thư phổi, tiếp xúc với chất có hại trong thời gian dài (crom, niken, amiăng, cadimi, thạch tín,…).
Thuốc lá là một trong những yếu tố chính làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi.
2. Các biện pháp tầm soát ung thư phổi hiện nay
4 biện pháp tầm soát sàng lọc ung thư phổi hiện nay là:
2.1. Chụp X-quang phổi
Hầu hết các khối u ở phổi xuất hiện trên tia X dưới dạng khối xám trắng. Tuy nhiên kĩ thuật chụp X-quang không thể đưa ra chẩn đoán chính xác ung thư phổi bởi thường khó có thể phân biệt giữa ung thư và các tình trạng khác trên ảnh chụp, ví dụ như áp xe phổi.
2.2. Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) lồng ngực liều thấp
Chụp CT lồng ngực liều thấp là kĩ thuật được khuyến nghị trong sàng lọc ung thư phổi. Kĩ thuật này sử dụng bức xạ liều thấp, cho ra ảnh chụp chi tiết phổi và quá trình chụp ngắn, không gây đau đớn, không xâm lấn.
Nếu trên ảnh chụp CT liều thấp phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ có các chỉ định kiểm tra phù hợp. Ví dụ nếu thấy nốt nghi ngờ, các nghiên cứu bổ sung như chụp PET/CT hoặc sinh thiết có thể được thực hiện để xác định đó có phải ung thư không.
Tìm hiểu thêm: Tổng hợp những dấu hiệu thai đã vào tử cung, bạn cần lưu ý
Chụp CT lồng ngực liều thấp là kĩ thuật được khuyến nghị trong sàng lọc ung thư phổi.
2.3. Nội soi phế quản
Đây là một thủ thuật nhằm quan sát bên trong phổi. Kĩ thuật này được thực hiện với ống nội soi phế quản gắn đèn và một thấu kính/máy ghi hình nhỏ. Ống nội soi được đưa vào qua đường mũi hoặc miệng, xuống họng, vào khí quản và đường dẫn khí của phổi.
Nội soi phế quản được sử dụng để đánh giá vị trí bất thường phát hiện thông qua ảnh chụp X-quang hoặc CT. Bất kì dấu vết bất thường nào trong đường dẫn khí qua soi phế quản đều có thể tiến hành sinh thiết để kiểm tra xem có phải ung thư không.
Dù tiện lợi, nội soi phế quản vẫn là một phương pháp xâm lấn và chỉ nên tiến hành nếu phát hiện bất thường qua phim chụp phổi của bệnh nhân. Đây không phải biện pháp có thể tiến hành thường quy trong kiểm tra sức khỏe.
2.4. Sinh thiết phổi
Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một loại kim sinh thiết thường dùng trong phẫu thuật để lấy mô phổi. Kĩ thuật này có thể thực hiện theo biện pháp mổ kín hoặc mổ mở. Sinh thiết kín thực hiện qua da hoặc khí quản, trong khi sinh thiết mở thực hiện trong phòng phẫu thuật và bệnh nhân được gây mê toàn thân.
Tương tự như nội soi phế quản, sinh thiết chỉ được thực hiện nếu bác sĩ phát hiện tổn thương bất thường và không thể xác định được bản chất thông qua các biện pháp cận lâm sàng khác.
3. Lưu ý
Hầu hết mọi người không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện tầm soát sàng lọc ung thư phổi. Nhìn chung vào hôm trước đi khám, người bệnh nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, giữ tâm trạng thoải mái. Trong trường hợp có thêm lưu ý nhịn ăn hay dặn dò đặc biệt nào từ bác sĩ, phía cơ sở y tế cho bạn biết trước.
Nếu bạn đang bị ốm hay mắc bất kì bệnh nhiễm trùng phổi nào, hãy báo cho bác sĩ hoặc nhân viên tại cơ sở y tế bạn lựa chọn. Có thể bạn sẽ được yêu cầu dời lịch tầm soát để đảm bảo kết quả chính xác.
Đối với chụp CT, ngay trước khi chụp bạn sẽ được yêu cầu:
– Thay áo choàng.
– Tháo vòng cổ, khuyên tai, nhẫn, đồng hồ hay bất kì vật kim loại nào đang đeo.
– Nằm đúng tư thế trên bàn chụp CT.
>>>>>Xem thêm: Ung thư vòm họng di căn phổi
Hầu hết mọi người không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện tầm soát sàng lọc ung thư phổi.
Nhìn chung việc nhận biết triệu chứng ung thư phổi qua các biện pháp lâm sàng rất khó khăn bởi phần lớn trường hợp ung thư phổi giai đoạn đầu có dấu hiệu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với tình trạng nhiễm trùng hoặc phản ứng do hút thuốc lá lâu ngày. Do đó mỗi người dân đều nên chủ động tầm soát ung thư phổi để phát hiện sớm nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này. Để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch khám cùng đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, bạn hãy liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.