4 Thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm gây ra tổn thương tế bào gan và dẫn đến nhiều biến chứng như viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Đặc biệt, bệnh càng nguy hiểm hơn với đối tượng mắc là trẻ sơ sinh, giai đoạn mà trẻ có hệ miễn dịch còn non nớt, yếu ớt. Vì vậy, việc tiêm phòng viêm gan B từ sớm cho trẻ sơ sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dưới đây là 4 thời điểm cần lưu ý để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần chú ý.

1. Giá trị vắc xin phòng ngừa viêm gan B mang lại cho trẻ sơ sinh

1.1. Vắc xin phòng viêm gan B là gì?

Vắc xin phòng viêm gan B giúp ngăn ngừa viêm gan B và các hậu quả như xơ gan, ung thư gan,… Hiện nay, có hai loại vắc xin phòng ngừa viêm gan B được áp dụng toàn dân.

– Vắc xin Engerix B (Bỉ) giúp phòng ngừa viêm gan B. Engerix B được chỉ định tiêm vùng bắp (vùng cơ delta). Ngoại lệ không tiêm với những bệnh nhân bị rối loạn chảy máu hay giảm tiểu cầu.

– Vắc xin Twinrix (Bỉ) giúp phòng ngừa viêm gan A, B ở trẻ em từ 1 tuổi và người lớn chưa có miễn dịch. Đường tiêm của vắc xin là tiêm bắp. Chống chỉ định với người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin hoặc có biểu hiện quá mẫn cảm với vắc xin phòng viêm gan B và viêm gan A đơn lẻ trước đây.

Cả hai loại vắc xin đều được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn nổi tiếng thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học Glaxosmithkline (GSK) của Bỉ.

4 Thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Vắc xin phòng viêm gan B giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc viêm gan B và các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan,…

1.2. Công dụng khi chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Viêm gan B là bệnh lý gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virus viêm gan B. Tại Việt Nam, tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B khá cao, đặc biệt tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10 đến 16% và ở trẻ em là 2 đến 6%.

Chính vì vậy, cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B và phòng ung thư gan là tiêm phòng vắc xin viêm gan B từ sớm cho trẻ. Tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là thời gian “vàng” để phòng chống lây nhiễm virus viêm gan B. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 đến 57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày. Sau mũi tiêm này, việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao.

Tiêm vắc xin viêm gan B từ sớm còn giúp trẻ sơ sinh phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác khi tiếp xúc trực tiếp với vết xước, vết thương hở chảy máu,…

2. Thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

2.1. Thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sinh ra bởi mẹ không mắc viêm gan B

Đối với trường hợp này, lịch tiêm của trẻ sẽ được thực hiện như sau:

– Tiêm mũi sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh hoặc vào thời điểm sớm nhất có thể.

– Mũi 2, 3, 4 có thể tiêm vắc xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B và bắt đầu tiêm khi trẻ tròn 2 tháng tuổi. Khoảng cách tối thiểu cần đảm bảo giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

4 Thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Cha mẹ nên tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho trẻ để đem lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất

2.2. Thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sinh ra bởi mẹ bị viêm gan B

Nếu mẹ bầu bị viêm gan B thì trong vòng 24 giờ sau khi sinh, tốt nhất là 12 giờ, trẻ sơ sinh cần được tiêm huyết thanh kháng viêm gan B và vắc xin viêm gan B để đảm bảo trẻ không bị lây bệnh từ mẹ. Thời điểm tiêm càng trễ thì hiệu lực của vắc xin càng bị giảm đi.

Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sinh ra từ mẹ bị viêm gan B có thể thực hiện theo 2 phác đồ: 0 – 1 – 2 – 12 tháng hoặc 0 – 1 – 6 – 18 tháng.

Có thể tiêm nhắc bằng vắc xin phối hợp có chứa thành phần của viêm gan B vào các mốc thời gian: 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi.

3. Theo dõi sức khỏe trẻ sau tiêm vắc xin viêm gan B

3.1. Lưu ý theo dõi sức khỏe sau khi tiêm vắc xin viêm gan B

Sau khi tiêm chủng vắc xin viêm gan B, trẻ có thể sẽ gặp phải một số phản ứng nhẹ. Chính vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút để theo dõi sức khỏe rồi mới đưa trẻ về nhà. Khi về nhà, cha mẹ vẫn cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, hãy báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.

4 Thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Việc theo dõi sức khỏe sau tiêm giúp quá trình tiêm chủng an toàn hơn cho trẻ

3.2. Những phản ứng phụ thường gặp sau tiêm và cách xử lý

Các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm chủ yếu bao gồm:

– Đỏ da hoặc sưng tấy nhẹ tại vị trí tiêm. Các triệu chứng này không quá nguy hiểm, có thể tự biến mất. Cha mẹ không nên tì đè vào vết tiêm và không chườm hay bôi bất kỳ loại thuốc nào.

– Bị sốt nhẹ, quấy khóc. Với các bé bị sốt nhẹ, cha mẹ có thể làm mát người cho con bằng cách cho bú thêm sữa, lau mát cơ thể, đắp ít chăn hoặc cởi bớt quần áo cho bé. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ cũng có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt dòng paracetamol với liều lượng thích hợp theo cân nặng của bé và theo chỉ định của bác sĩ.

Trong trường hợp đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không thuyên giảm, sốt kéo dài nhiều ngày, hay quấy khóc, li bì, bỏ bú, thở khó, tím tái hoặc có các phản ứng phụ kỳ lạ, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và xử trí kịp thời.

Trên đây là thông tin 4 thời điểm phù hợp để chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Cha mẹ có thể tham khảo để chuẩn bị cho trẻ quá trình tiêm phòng an toàn và hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc về việc tiêm chủng dành cho trẻ, cha mẹ liên hệ Thu Cúc TCI để được hỗ trợ giải đáp sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *