Ung thư vòm họng là một căn bệnh nguy hiểm và tiến triển ở mức độ nhanh. Bệnh rất khó phát hiện sớm do người bệnh dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Vì vậy, người có nguy cơ mắc bệnh cao nên tiến hành tầm soát ung thư vòm họng sớm để kịp thời nhận diện và tăng khả năng điều trị bệnh thành công.
Bạn đang đọc: 5 phương pháp thường gặp trong tầm soát ung thư vòm họng
1. Tầm quan trọng và đối tượng cần tầm soát (sàng lọc) ung thư vòm họng
1.1. Tại sao chúng ta cần tầm soát ung thư vòm họng?
Ung thư vòm họng là căn bệnh ung thư xảy ra ở vùng vòm họng của cơ thể con người. Khi bệnh ở giai đoạn đầu sẽ khó phát hiện vì triệu chứng của ung thư vòm họng giống một số bệnh lý thông thường khác. Tế bào ung thư có thể di căn nhanh chóng đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua mô và hệ thống bạch huyết máu, phổ biến nhất là tình trạng di căn vào xương, phổi và gan.
Tầm soát ung thư vòm họng là việc thực hiện các phương pháp đặc biệt nhằm phát hiện sớm các bất thường ở tai, mũi, họng, từ đó giúp chẩn đoán ung thư để tăng cơ hội điều trị thành công cho người bệnh. Việc thực hiện sàng lọc ung thư vòm họng có thể giúp bác sĩ phát hiện sớm các bất thường kể cả khi cơ thể bạn vẫn đang mạnh khỏe. Chính vì vậy, đây được xem là cách ngăn ngừa bệnh ung thư tốt nhất hiện nay trên thế giới.
1.2. Đối tượng cần tầm soát ung thư vòm họng
– Người nhiễm phải virus Epstein-Barr: Virus Epstein-Barr thuộc nhóm virus Herpes. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện được gen (ADN) của Epstein-Barr trong tế bào ung thư tại vòm họng.
– Người mắc phải các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng mạn tính.
– Những người làm nghề cao su, nhựa tổng hợp, người tiếp xúc nhiều với khói, bụi, hơi carbon, hóa chất, tia phóng xạ…
– Người thường xuyên ăn các thức ăn bị lên men chua như cá muối, thịt hun khói, đồ muối… Các thực phẩm này chứa nhiều Nitrosamine – là một chất gây ung thư cho con người.
– Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều và sử dụng các chất kích thích.
– Trong gia đình, nếu có người bị ung thư thì các thành viên khác cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc ung thư vòm họng nên được tầm soát định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần. Khi bạn hoặc người thân có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, hãy đi tầm soát ung thư để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, tránh để bệnh bước vào giai đoạn muộn và di căn.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc ung thư vòm họng nên được tầm soát định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần
2. Dấu hiệu cảnh báo nên tầm soát ung thư vòm họng
Các dấu hiệu của căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn sớm bao gồm:
2.1. Dấu hiệu thần kinh
Tình trạng đau đầu xuất hiện sớm, ở nửa cùng bên với nơi có khối u, đau âm ỉ. Ở giai đoạn sớm, cơn đau này có thể thuyên giảm dưới tác dụng của thuốc giảm đau. Nhưng ở giai đoạn muộn, người bệnh sẽ có các cơn đau dữ dội, ít chịu tác dụng khi dùng thuốc giảm đau.
2.2. Xuất hiện hạch ở cổ
Hạch nổi ở góc hàm, kích thước lớn dần, thường xuất hiện cùng bên với vị trí khối u. Hạch cổ xuất hiện từ sớm, trước cả khi xuất hiện các dấu hiệu về tai, mũi. Ở giai đoạn sớm, hạch thường không gây đau. Đến giai đoạn muộn, hạch sẽ trở nên to ra gây lở loét và có cảm giác đau khi người bệnh chạm vào.
2.3 Tình trạng ngạt mũi
Người bệnh thấy ngạt mũi ở một bên, tính chất nặng và tăng dần theo thời gian. Đến giai đoạn muộn, có thể thấy có máu trong chất nhầy hoặc xuất hiện chảy máu cam thường xuyên.
2.4. Ù tai
Người bệnh thấy tai ù một bên liên tục, tính chất tăng lên. Lâu dần, họ có thể cảm thấy nghe kém, viêm tai thanh dịch và chảy mủ ở tai.
Bạn cần lưu ý rằng các triệu chứng nhức đầu, ù tai, nghẹt mũi,… rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường, hay các bệnh nội khoa về thần kinh mạch máu, các bệnh tai mũi họng. Vì vậy, chúng ta cần tiến hành tầm soát ung thư định kỳ để kịp thời nhận diện sớm bệnh nếu có.
Tìm hiểu thêm: Những dấu hiệu ung thư dương vật nam giới nhất định không được chủ quan
Bạn cần lưu ý rằng các triệu chứng nhức đầu, ù tai, nghẹt mũi,… rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường
3. 5 phương pháp giúp chẩn đoán ung thư vòm họng thường gặp
Các phương pháp thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư vòm họng bao gồm:
– Phương pháp nội soi NBI: Đây là phương pháp có thể giúp phát hiện tình trạng tăng sinh mạch máu đối với những trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn sớm. Lúc này, khối u còn khu trú, chưa có hạch di căn. Từ đó, giúp kết quả điều trị đạt kết quả tốt hơn và tăng tỷ lệ chữa bệnh thành công.
– Sinh thiết: Sinh thiết vòm họng được tiến hành qua thiết bị nội soi, đặc biệt nội soi NBI sẽ cho kết quả chính xác hơn. Vì phương pháp nội soi NBI sẽ giúp khối u được quan sát rõ nét. Người thực hiện thủ thuật cần có khả năng lấy được mô tế bào ở vị trí tế bào ung thư đang phát triển mạnh.
– Chọc hút hạch làm FNA: Là phương pháp chọc hút hạch cổ để gửi sinh thiết và chẩn đoán mô bệnh học nhằm giúp bác sĩ xác định và đánh giá chính xác mức độ ung thư.
– Chụp CT đa dãy hoặc chụp cộng hưởng từ MRI: Đây là những phương pháp phổ biến khi tầm soát ung thư vòm họng. Phương pháp này giúp đánh giá mức độ xâm lấn của khối u thông qua hình ảnh chụp.
– Xét nghiệm sinh hoá: Là phương pháp thử các phản ứng huyết thanh IgA/VCA; IgA/EA; IgA/EBNA trước, trong và sau điều trị để giúp bác sĩ đánh giá chính xác tiên lượng bệnh.
>>>>>Xem thêm: Ung thư tuyến giáp giai đoạn II
Hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tiến hành tầm soát ung thư định kỳ
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.