Hiện nay, ung thư phổi đứng đầu về tỉ lệ tử vong và đứng thứ hai về số ca mắc mới trong số các bệnh ung thư thường gặp ở cả nam và nữ. Trước thực trạng này, việc nhận biết sớm các triệu chứng ung thư phổi có thể tăng tỉ lệ thành công khi điều trị cho người bệnh.
Bạn đang đọc: 5 triệu chứng ung thư phổi bạn không nên bỏ qua
1. 5 triệu chứng ung thư phổi bạn không nên bỏ qua
Triệu chứng của bệnh ung thư phổi không biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chúng sẽ xuất hiện ngẫu nhiên tùy theo vị trí, kích thước khối u và giai đoạn tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên, khi đã nhận thấy được các dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bạn cần nâng cao cảnh giác và đi khám càng sớm càng tốt. Dưới đây là 5 triệu chứng ung thư phổi mà bạn tuyệt đối không được bỏ qua:
1.1. Ho nhiều
Ho có thể coi là triệu chứng phổ biến nhất khi một người mắc ung thư phổi. Ước tính có khoảng 70% người bệnh xuất hiện triệu chứng này.
Ho do ung thư phổi có thể kèm theo ho ra máu, khó thở, đau ngực, khản tiếng, viêm phổi tái diễn. Nguyên nhân là vì khối u có thể lan ra xung quanh và gây ảnh hưởng lên chức năng hoạt động của các bộ phận này.
Bệnh nhân ung thư phổi thường ho nhiều và liên tục, thậm chí ho ra máu
1.2. Đau ngón tay, cánh tay và vai
Khối u phát triển đến đỉnh phổi sẽ làm cho thành ngực và mạng thần kinh cánh tay bị xâm lấn, khiến cho các vị trí như ngón tay, cánh tay và vai có cảm giác đau.
1.3. Sút cân
Những trường hợp sút cân đột ngột, không rõ nguyên nhân, cũng không phải do ăn kiêng hay rèn luyện thể lực đều liên quan đến yếu tố bệnh lý. Một trong những bệnh lý đó chính là ung thư phổi.
Đặc biệt, nếu tình trạng sút cân đi kèm cảm giác chán ăn thì càng có căn cứ để kết luận rằng nguyên nhân sâu xa đến từ một khối u đang tồn tại ở đâu đó trong cơ thể.
1.4. Thường xuyên bị nhiễm trùng
Khi mắc ung thư phổi, các tế bào ung thư sẽ tấn công hệ thống miễn dịch của người bệnh, khiến cơ thể không kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan thuộc đường hô hấp, dẫn đến một số bệnh như viêm phế quản hoặc các bệnh nhiễm trùng mãn tính khác. Vì vậy, nếu bạn có tiền sử nhiễm trùng phổi mãn tính, đừng chủ quan mà hãy đi chụp X quang để tầm soát ung thư phổi.
1.5. Mô vú có dấu hiệu bất thường cũng có thể là triệu chứng ung thư phổi
Đây là một triệu chứng thường gặp ở nam giới mắc ung thư phổi. Trong trường hợp này, vùng ngực của nam giới sẽ to lên bất thường do nội tiết tố bị khối u kích thích và tiết ra nhiều hơn.
2. Chẩn đoán ung thư phổi như thế nào?
Khi có dấu hiệu nghi ngờ và đi khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác khả năng mắc ung thư phổi thông qua các phương pháp sau:
Thăm hỏi tiền sử và khám lâm sàng
Bác sĩ chuyên khoa hỏi về tiền sử cá nhân và gia đình, đồng thời khám tổng quát qua quan sát và nghe tim phổi.
Chụp X quang phổi
Phát hiện các bất thường trong phổi bằng cách chụp lại hình ảnh của phổi khi cho các tia năng lượng cao đi qua cơ thể. Tuy nhiên, những tổn thương có kích thước nhỏ có thể bị bỏ sót.
Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT)
Chụp CT lồng ngực có cơ chế tương tự như chụp X quang phổi. Tuy nhiên, phương pháp này cho phép phát hiện tổn thương với kích thước rất nhỏ ngay cả ở những mô mềm. Nhờ vậy, bác sĩ có thể xác định đặc điểm của khối u và tình trạng hạch trung thất để đánh giá giai đoạn bệnh.
Tìm hiểu thêm: Đẻ thường lần 2 có đau không?
Chụp CT phổi còn được dùng để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị ung thư phổi
Nội soi phế quản
Phương pháp này được chỉ định cho hầu hết các trường hợp mắc ung thư phổi. Thông qua một chiếc camera siêu nhỏ được gắn ở đầu ống nội soi, bác sĩ có thể quan sát hình dạng và kích thước khối u. Đặc biệt, nội soi phế quản cũng cho phép sinh thiết khối u nếu cần thiết.
Xét nghiệm mô bệnh học
Mô bệnh học có thể được lấy bằng sinh thiết khi nội soi phế quản với khối u trung tâm hoặc sinh thiết xuyên thành ngực với u khối ngoại vi để đưa đi xét nghiệm. Đây chính là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác ung thư phổi.
Xét nghiệm chỉ điểm ung thư
Các chất chỉ điểm ung thư như định lượng CEA, Cyfa 21-1, NSE, SCC không chỉ giúp chẩn đoán ung thư phổi mà còn được dùng để theo dõi và đánh giá quá trình điều trị cho bệnh nhân.
3. Một số biện pháp giúp phòng ngừa ung thư phổi
3.1. Bỏ thuốc lá
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư phổi. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi thì điều đầu tiên bạn có thể làm là tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá.
3.2. Tập thể dục đều đặn
Vận động cơ thể một cách thường xuyên và đều đặn với mức độ hợp lý là cách làm vô cùng hiệu quả để phòng ngừa ung thư phổi.
>>>>>Xem thêm: Khi nào nên thực hiện siêu âm tầm soát dị tật thai nhi?
Rất nhiều bệnh lý đều có thể được ngăn chặn nếu bạn tập thể dục thường xuyên
3.3. Ăn nhiều rau xanh, ăn nhiều hoa quả tươi
Bổ sung đa dạng các loại rau xanh và hoa quả tươi sẽ giúp bạn ngăn chặn rất nhiều bệnh lý như ung thư, bệnh tim mạch, cao huyết áp,…
3.4. Hạn chế tiếp xúc với kim loại nặng và chất phóng xạ
Hãy tránh xa kim loại nặng và chất phóng xạ, chúng có thể là tác nhân gây nên hàng loạt bệnh nguy hiểm. Nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường có chứa những chất này, bạn cần đảm bảo những biện pháp bảo hộ được áp dụng đầy đủ.
3.5. Khám và tầm soát ung thư phổi định kỳ
Biện pháp cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là hãy thường xuyên đi khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất có thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.