Việc nhận biết triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng ở giai đoạn sớm khá khó khăn do không có dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng phổ biến mà mọi người có thể nắm được. Các thông tin được đề cập trong bài viết sẽ giúp ích rất nhiều cho mọi người trong việc điều trị và phòng bệnh.
Bạn đang đọc: 5 triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng bạn cần biết
1. Định nghĩa viêm loét dạ dày đại tràng là gì ?
Trước khi tìm hiểu về các triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng hãy tìm hiểu về khái niệm của bệnh lý này. Viêm loét dạ dày đại tràng là khi xuất hiện các tổn thương và viêm loét trên niêm mạc dạ dày hoặc đại tràng. Lớp niêm mạc trong cùng của dạ dày và đại tràng bị bào mòn và làm lộ lớp mô bên dưới.
Viêm loét dạ dày đại tràng là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa
2. Triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng không thể bỏ qua
Bệnh ở giai đoạn mới khởi phát thường có triệu chứng chưa rõ ràng và có thể gây nhầm lẫn sang đau bụng thông thường. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp sẽ có một số dấu hiệu dưới đây:
2.1 Đau và co thắt vùng bụng
Tùy vào tình trạng người bệnh mà cơn đau có thể xuất hiện âm ỉ hoặc dữ dội. Người bệnh thường cảm thấy đau nhiều hơn khi đói hoặc sau khi ăn thức ăn có tính kích thích dạ dày.
2.2 Rối loạn tiêu hóa do các triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng
Người bị viêm loét dạ dày đại tràng đều sẽ thường gặp cảm giác đột ngột muốn đi đại tiện khó kiểm soát. Những cơn hối thúc có thể diễn ra nhiều lần trong ngày và đôi khi cả ban đêm. Trong phân có thể kèm chất nhầy, mủ hoặc máu.
Bệnh cũng có thể gây ra táo bón nhưng sẽ ít gặp hơn tiêu chảy. Người bệnh có cảm giác đi ngoài không hết, mót rặn, buồn đi tiếp ngay sau khi vừa đi xong.
2.3 Chảy dịch đại – trực tràng
Chất nhầy hoặc máu từ trực tràng thường lẫn theo phân. Người bệnh có cảm giác đau ở khu vực đại tràng, trực tràng.
2.4 Suy nhược cơ thể, thiếu máu
Với các trường hợp viêm loét nặng có thể dẫn tới chảy máu đường tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài nếu không được can thiệp sẽ dẫn tới mất máu. Người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt, đau đầu, suy nhược cơ thể.
2.5 Đau khớp là triệu chứng của viêm loét dạ dày đại tràng
Có thể bạn chưa biết, viêm loét dạ dày đại tràng cũng có thể dẫn tới đau nhức xương khớp. Người bệnh sẽ thấy đau ở vùng lưng, hông, đầu gối. Khi dạ dày và đại tràng gặp vấn đề cũng sẽ gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác như: Mắt, da, gan, phổi,…
Triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng là đau bụng vùng thượng vị
3. Nguyên nhân nào gây viêm loét dạ dày đại tràng
Viêm loét dạ dày đại tràng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào sở hữu yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Mọi người cần tìm hiểu nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh để từ đó có cách điều trị và phòng bệnh phù hợp.
3.1 Nhiễm vi khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter pylori sau khi xâm nhập vào cơ thể thường sống trong khu vực dạ dày. Khi chúng tiếp xúc với dạ dày sẽ làm mất chức năng chống lại acid của niêm mạc ruột non. Lâu dần sẽ gây hình thành các ổ viêm loét.
3.2 Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thường xuyên
Thói quen sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Các thành phần trong thuốc có thể gây ngưng tổng hợp prostaglandin. Prostaglandin là hợp chất quan trọng giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn có hại trong dạ dày.
3.3 Lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh
Công việc bận rộn khiến nhiều người bị cuốn theo mà không chú ý tới giờ giấc ăn uống. Khi cơ thể ở trạng thái đói bụng quá lâu có thể gây kích thích dạ dày khiến tạo ra viêm loét. Thói quen ăn quá no, ăn khuya, làm việc ngay sau khi ăn cũng có ảnh hưởng không tốt tới dạ dày. Sau khi ăn xong và đi ngủ ngay sẽ khiến dạ dày gặp áp lực tiêu hóa thức ăn. Dạ dày đại tràng phải hoạt động nhiều hơn bình thường dễ dẫn tới đau rát.
Tìm hiểu thêm: “Tất tần tật” về nội soi polyp đại tràng
Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh
4. Mức độ nguy hiểm của viêm loét dạ dày đại tràng
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày đại tràng nếu không được điều trị triệt để có thể gây ra nhiều biến chứng. Một số biến chứng có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh.
4.1 Hẹp môn vị
Các ổ loét xơ chai gây chít hẹp đường đi của thức ăn. Biểu hiện khi bị hẹp môn vị là người bệnh thường đau bụng, đầy hơi sau khi ăn. Người bệnh buồn nôn và nôn ra thức ăn của ngày hôm trước do không thể đi xuống ruột.
4.2 Chảy máu ổ loét dạ dày, đại tràng
Các ổ viêm loét ăn sâu vào thành của dạ dày và đại tràng làm thủng mạch máu gây xuất huyết. Triệu chứng thường gặp là người bệnh nôn ra máu, đi ngoài phân đen lẫn máu, chóng mặt. Nếu bị chảy máu nhiều có thể dẫn tới mất máu nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
4.3 Thủng ổ loét
Các ổ loét bào mòn vào thành của dạ dày đại tràng làm chảy dịch tiêu hóa vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Trường hợp này bệnh nhân cần được mổ gấp nếu không sẽ bị nhiễm trùng. Dấu hiệu nhận biết khi bị thủng dạ dày đại tràng là bệnh nhân đau dữ dội, bụng cứng đờ,…
4.4 Ung thư dạ dày đại tràng
Ung thư là biến chứng vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng. Nguyên nhân do bệnh được chẩn đoán muộn hoặc điều trị không tốt
Nếu bạn gặp phải một trong các biến chứng trên thì cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cấp cứu và đưa ra giải pháp tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân
5. Biện pháp chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh hiệu quả
Sau khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ ban đầu bạn nên tới bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Kết quả thu được sẽ giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá vị trí viêm loét, mức độ,…
5.1 Phương pháp chẩn đoán
Người bệnh cần thực hiện một số các xét nghiệm cần thiết sau:
– Xét nghiệm máu
– Xét nghiệm phân
– Nội soi dạ dày – đại tràng
– Nội soi đại tràng sigma
– Chụp X-quang
– Chụp cắt lớp
5.2 Điều trị viêm loét dạ dày đại tràng
Phương pháp chủ yếu dùng để điều trị viêm loét dạ dày đại tràng là sử dụng thuốc. Điều trị nội khoa mang lại hiệu quả nhanh chóng. Một số trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu để tránh suy nhược cơ thể.
Khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả cao hoặc bệnh nhân xảy ra biến chứng thì cần can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật là kỹ thuật xâm lấn mang tính rủi ro cao. Chính vì vậy phương pháp này chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.
5.3 Phòng ngừa viêm loét đại tràng dạ dày
– Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh để cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết
– Cân nhắc trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm
– Hạn chế ăn đồ chiên rán, đồ ăn có vị chua cay
– Tuyệt đối không nên sử dụng chất kích thích, rượu bia, cafe
– Tránh sử dụng chung các đồ dùng cá nhân: Bát đũa, bàn chải, khăn mặt,…để tránh lây nhiễm vi khuẩn
– Nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày
– Tập thể dục thể thao hàng ngày là cách giúp nâng cao sức đề kháng
>>>>>Xem thêm: Chẩn đoán rotavirus có biện pháp điều trị kịp thời
Bổ sung đầy đủ nhóm dinh dưỡng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Các triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng gây ra nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Bệnh có tỷ lệ tái nhiễm cao do liên quan trực tiếp tới chế độ sinh hoạt, ăn uống. Chính vì vậy người bệnh cần duy trì các thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học ngay cả khi đã chữa khỏi bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.