Thời tiết thay đổi là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bệnh hô hấp lây nhiễm mạnh thời gian gần đây. Bệnh ít khi diễn biến nghiêm trọng song ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số bệnh đường hô hấp dễ mắc khi giao mùa và cách điều trị.
Bạn đang đọc: 6 Bệnh đường hô hấp dễ mắc khi giao mùa
1. Các bệnh đường hô hấp dễ mắc khi giao mùa
Giao mùa, khoảng thời gian mà nhiệt độ, độ ẩm không khí thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Bệnh có thể xảy ra với bất cứ ai, thường thấy nhất ở người già, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém.
Các bệnh hô hấp phổ biến trong thời điểm giao mùa có thể kể đến:
1.1 Bệnh cảm cúm
Là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus cúm (Influenza virus) gây ra. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc gián tiếp qua tiếp xúc tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng cao khi bạn tiếp xúc gần với người mang bệnh, nhất là ở môi trường đông người như trường học.
Cảm cúm thông thường diễn biến nhẹ, người bệnh có thể tự hồi phục trong 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với các đối tượng nguy cơ cao, bệnh có thể diễn biến nặng hơn gồm viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí viêm não và tử vong.
Các triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh cảm cúm có thể kể đến: đau họng, sổ mũi, ho kéo dài, đau đầu, sốt, đau cơ. Bệnh cũng có thể kèm theo các biểu hiện liên quan đến tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, nhất là với đối tượng trẻ em.
Cảm cúm (cúm mùa) là bệnh đường hô hấp dễ mắc khi giao mùa.
1.2 Viêm xoang
Là bệnh lý nhiễm trùng tại các xoang, gây phù nề, thu hẹp đường kính lỗ xoang, ứ đọng dịch, mủ bên trong lòng xoang. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường khó được phát hiện vì các dấu hiệu đặc trưng chỉ xuất hiện khi ở giai đoạn nặng.
Một số triệu chứng nhận biết như: sốt, đau nhức, nghẹt mũi, điếc mũi. Ngoài ra người bị viêm xoang cũng có thể xuất hiện các cơn đau đầu, choáng váng, đau nhức vùng hốc mắt. Viêm xoang nặng dẫn đến viêm thần kinh mắt, khiến mắt người bệnh bị mờ.
1.3 Viêm thanh quản
Là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản do tác nhân vi khuẩn, virus, nấm… Người bệnh viêm thanh quản cấp tính thường có các biểu hiện khàn tiếng, mất tiếng, mệt mỏi, ớn lạnh. Một số triệu chứng khác như đau họng, ho, nuốt vướng, sốt nhẹ…
Viêm thanh quản gặp ở nam nhiều hơn nữ, nhất là các đối với những người có thói quen hút thuốc, uống rượu bia, người sinh sống và làm việc trong môi trường lạnh, ô nhiễm.
Tìm hiểu thêm: Hình ảnh mụn rộp sinh dục ở nữ giới và dấu hiệu nhận biết
Người bệnh bị khàn giọng kéo dài hơn 2 tuần không thuyên giảm cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.
1.4 Bệnh đường hô hấp dễ mắc khi giao mùa – viêm phế quản
Là tình trạng viêm nhiễm tại niêm mạc ống phế quản, đặc trưng bởi các cơn ho có đờm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể có những biểu hiện như: sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao), thở khò khè… Tuy nhiên lưu ý thở khò khè ở viêm phế quản khác với hen phế quản, khi thử với thuốc khí dung thì người bệnh viêm phế quản không đáp ứng hoặc đáp ứng kém hơn hen phế quản.
Người bệnh mắc viêm phế quản phần lớn do các tác nhân đến từ bụi bẩn, ô nhiễm, khói thuốc… Ngoài ra còn có thể do sức đề kháng kém, ảnh hưởng từ công việc phải tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây tổn thương ống phế quản…
1.5 Viêm tiểu phế quản
Xảy ra khi virus xâm nhập vào tiểu phế quản gây nhiễm trùng, sưng viêm, tăng chất nhầy, khiến không khí tại phổi khó lưu thông. Bệnh thường gặp nhiều ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, không có các dấu hiệu đặc trưng do các triệu chứng tương tự các bệnh hô hấp khác. Tuy nhiên bác sĩ có kinh nghiệm có thể nhận biết bệnh qua các triệu chứng lâm sàng khi thăm khám.
>>>>>Xem thêm: Ho có đờm kéo dài là biểu hiện của bệnh gì?
Hầu hết các trường hợp nguyên nhân viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào (RSV) gây ra.
1.6 Bệnh đường hô hấp dễ mắc khi giao mùa- viêm phổi
Là tình trạng phế nang phổi bị viêm do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm… Ngoài ra môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất, thói quen sinh hoạt không lành mạnh… cũng là điều kiện lý tưởng để viêm phổi có nguy cơ xâm nhập tấn công người bệnh.
Người mắc viêm phổi cấp tính thường biểu hiện các triệu chứng rõ ràng ngay ngày đầu nhiễm virus như: tức ngực, khó thở, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, sốt cao, tiết nhiều mồ hôi… Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy, nôn ói khó kiểm soát.
Viêm phổi có thể gây nguy hiểm với người già, trẻ nhỏ, do đó các đối tượng này cần hết sức cần trọng, nên đi khám ngay khi nghi ngờ các triệu chứng bệnh.
2. Cách điều trị bệnh hô hấp
Tùy vào từng bệnh lý cụ thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp. Tuy nhiên, nhìn chung, mục tiêu trong điều trị bệnh đường hô hấp thường hướng đến điều trị các triệu chứng bệnh.
Ở giai đoạn đầu, hầu hết các trường hợp mắc bệnh có thể tự điều trị tại nhà, chưa cần thăm khám và sử dụng thuốc. Lúc này, người bệnh cần ưu tiên thời gian nghỉ ngơi, không hoạt động, làm việc quá sức giúp cơ thể tự miễn dịch và phục hồi. Bên cạnh đó nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi do sốt, chảy nước mũi, ăn uống kém… Xây dựng chế độ dinh dưỡng đủ chất, cân bằng cũng có tác dụng trong việc cung cấp năng lượng, tăng sức đề kháng giúp người bệnh hạn chế bớt những ảnh hưởng của bệnh.
Trường hợp các triệu chứng có dấu hiệu diễn biến nặng hơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn về các loại thuốc cần thiết để điều trị. Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh đường hô hấp như: thuốc giảm đau, hạ số; thuốc trị ho, thuốc chống sưng, chống phù nề, thuốc giảm nghẹt mũi…
Các bệnh đường hô hấp dễ mắc khi giao mùa thường diễn biến ở mức độ nhẹ và có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên một số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời có thể biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh không nên chủ quan mà cần theo dõi sát sao và có kế hoạch thăm khám để tránh bệnh biến chứng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.