Giao mùa là thời thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp khởi phát và bùng phát thành dịch. Bài viết sau sẽ chia sẻ 8 bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa, cách chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bạn đang đọc: 8 Bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa
1. Các bệnh đường hô hấp thường gặp lúc giao mùa
1.1 Cảm cúm
Cảm cúm là căn bệnh thường gặp, có thể xảy ra quanh năm nhưng phổ biến nhất là vào các thời điểm giao mùa trong năm như Xuân – Hè, Hè – Thu, Thu – Đông, Đông – Xuân.
Bệnh do virus Influenza gây ra. Khi virus xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi họng của người sẽ gây bệnh cúm. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 1 tới 4 ngày, có thể kéo dài tới 7 ngày ở người lớn. Nếu người bệnh bị suy giảm miễn dịch, bệnh có thể kéo dài nhiều tháng.
Bệnh cảm cúm lây lan nhanh trong không khí, qua các giọt bắn của bệnh nhân khi họ ho, hắt hơi. Các triệu chứng cảm cúm thường gặp gồm:
– Sốt
– Mệt mỏi
– Đau đầu
– Đau cơ
– Đau họng
– Ho thường nặng và kéo dài
– Sổ mũi
– Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là ở trẻ em.
Cảm cúm là một bệnh đường hô hấp thường xảy ra vào thời điểm giao mùa
1.2 Bệnh viêm xoang
Hệ thống xoang của con người chia gồm xoang trán, xoang sàng, xoang bướm và xoang hàm. Viêm xoang là một bệnh lý nhiễm trùng xảy ra ở một trong các xoang hoặc ở nhiều xoang cùng lúc.
Triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy theo loại xoang bị viêm nhiễm, mức độ bệnh và thể trạng của mỗi bệnh nhân, bao gồm:
– Đau nhức xoang và các vùng lân cận.
– Chảy dịch mũi, tùy từng trường hợp dịch có thể có màu trắng, đục, vàng nhạt hay màu xanh
– Tắc nghẹt xảy ra ở 1 hay cả 2 bên mũi
– Giảm hoặc mất khả năng khứu giác, không cảm nhận được mùi
– Khó thở, mệt mỏi, khó chịu trong người
– Đau đầu
– Sốt nhẹ hay sốt cao
– Chóng mặt hay choáng váng, đặc biệt khi nghiêng người
– Đau quanh mắt theo từng cơn và nhịp mạch đập.
1.3 Viêm mũi dị ứng – Bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm tại chỗ (niêm mạc mũi) do người bệnh tiếp xúc một hay nhiều tác nhân gây bệnh (dị nguyên). Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa và nhưng cũng có thể viêm quanh năm, nặng hơn vào các thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi thất thường.
Các triệu chứng chính của viêm mũi dị ứng gồm:
– Chảy nước mũi trong và nhiều
– Nghẹt mũi
– Ngứa mũi, có thể kèm theo ngứa mắt
– Hắt hơi nhiều
Tìm hiểu thêm: Cúm A/H5N1: Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa
Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng
1.4 Viêm họng – Bệnh đường hô hấp thường gặp xảy ra lúc giao mùa
Viêm họng là một căn bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở lứa tuổi đi học (khoảng 3-15 tuổi), ít khi gặp ở trẻ dưới 3 tuổi.
80% các trường hợp mắc bệnh do virus, điển hình là rhinovirus, coxsackie. Một số vi khuẩn như liên cầu khuẩn có thể là tác nhân gây bệnh.
Các triệu chứng điển hình của bệnh nhân trong trường hợp này:
– Sốt, uể oải
– Sổ mũi, nghẹt mũi
– Ho rát họng, đau khi nuốt, đau lan lên tai
– Đau cơ, khớp
1.5 Viêm phế quản
Tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở niêm mạc ống phế quản và được gọi là viêm phế quản. Vi khuẩn, virus, nấm, bụi bẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc… là những tác nhân phổ biến gây bệnh này. Đặc biệt, virus hợp bào rất dễ phát tán trong không khí, lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, qua dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bát, chén, bàn chải… với người mắc bệnh.
Các triệu chứng của bệnh thường ít biểu hiện ở giai đoạn cấp tính do niêm mạc phế quản chưa bị tổn thương nhiều. Ngược lại, khi bước vào giai đoạn mạn tính, ống phế quản bị kích thích liên tục, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng và các biến chứng bệnh nguy hiểm.
Các triệu chứng viêm phế quản điển hình gồm:
– Ho khan hoặc ho có đờm, người bệnh thường thành từng tiếng
– Tiết đờm nhiều, đờm có thể màu xanh, vàng hoặc trắng
– Sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy trường hợp, sốt liên tục kéo dài hoặc thành từng cơn
– Thở khò khè, khó nhọc do lòng phế quản bị thu hẹp, không khí khó lưu thông
1.6 Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là một bệnh đường hô hấp do virus gây ra, thường gặp trong những tháng mùa đông ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khi virus xâm nhập vào tiểu phế quản, cơ quan này sưng lên và bị viêm. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là virus hợp bào (RSV). Bệnh lây lan trong không khí qua các giọt bắn khi bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, hoặc tiếp xúc với các đồ vật sử dụng chung khăn hoặc đồ chơi của người bệnh.
Tình trạng sưng viêm khiến chất nhầy trong lòng phế quản tăng lên, khiến không khí khó lưu thông qua phổi.
Các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản:
– Ho nhiều, có thể có đờm hoặc không đờm
– Nếu có thì đờm có thể có màu xanh, vàng hay trắng
– Sốt hoặc không
– Sổ mũi, tắc nghẹt mũi
– Chán ăn, đặc biệt ở trẻ nhỏ
1.7 Viêm phổi
Sự tấn công của vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất có thể gây viêm nhu mô phổi, gây viêm phổi.
Tình trạng viêm phổi có thể gây ra các triệu chứng như:
– Ho
– Sốt
– Xuất hiện dịch mủ tại vị trí viêm
– Khó thở nhiều, tức ngực
– Suy nhược, mệt mỏi kéo dài
– Vã mồ hôi
– Tiêu chảy, nôn mửa hoặc buồn nôn
Triệu chứng ở trẻ: sốt, bỏ bú, ho, khó thở, nôn mửa, mệt mỏi…
Cũng như các bệnh lý đường hô hấp khác, bệnh viêm phổi có khả năng lây truyền nhanh, đặc biệt ở đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền. Các đối tượng này cần tránh xa những người đang mắc bệnh và nên chú ý khi thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng giống với bệnh viêm phổi.
1.8 Hen phế quản
Là tình trạng viêm mạn tính đường thở, kích thích tăng tính đáp ứng đường thở, gây ra các cơn khó thở dữ dội.
Cơn khó thở thường xảy ra đột ngột, có thể kéo dài 5 – 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày, thường xuất hiện về đêm, theo mùa hoặc sau một số kích thích. Ngoài ra bệnh nhân có thể có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ… trong cơn hen. Khi đi khám, thấy có tiếng ran rít, ran ngáy lan toả 2 phổi.
2. Cách chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường hô hấp
2.1 Chẩn đoán
Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ bệnh hô hấp, bạn không nên “tự chẩn bệnh” mà cần đến cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh.
Sau quá trình hỏi bệnh và khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm như:
– Xét nghiệm máu
– Đo chức năng hô hấp
– Chụp X-quang, CT phổi
– Nội soi tai mũi họng
– Siêu âm tim
>>>>>Xem thêm: Người bệnh lên cơn hen suyễn phải làm sao?
Chụp X-quang ngực thẳng xác định bệnh lý đường hô hấp
Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh hô hấp, đồng thời phân biệt với một số bệnh khác.
2.2 Điều trị
Tùy vào loại bệnh hô hấp, nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương án phù hợp để điều trị. Ví dụ nếu bị hen phế quản, bệnh nhân có thể được dùng các loại thuốc cắt cơn hen hoặc điều trị lâu dài. Trong trường hợp viêm xoang, các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc làm giảm triệu chứng hoặc phẫu thuật nếu tình trạng viêm nặng, gây biến chứng…
Trên đây là các thông tin về bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa, tóm lại, khi thấy các dấu hiệu của bệnh lý đường hô hấp thường gặp trong thời điểm giao mùa, hãy chủ động thăm khám để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh tăng nặng, gây nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.