Tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim trong những năm gần đây tăng từ 15-20% và bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp với độ tuổi mắc ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ tử vong ở những cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể lên đến 90% khiến bệnh trở thành án tử của những người không may mắc phải. Vậy nguyên nhân nào gây nên tình trạng này và xử trí ra sao?
1. Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim cấp là do vữa xơ động mạch vành. Những mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch, làm cho máu không đến để nuôi cơ tim được, có thể dẫn đến hoại tử vùng cơ tim đó nếu không được can thiệp kịp thời.
Tuy nhiên, mảng xơ vữa có thể không phát triển từ từ mà nó có thể bị nứt, vỡ ra đột ngột. Khi mảng xơ vữa bị vỡ ra, quá trình hình thành cục huyết khối được khởi động. Quá trình này được bắt đầu với các tế bào máu đặc hiệu, gọi là tiểu cầu, tập trung tại vị trí mảng xơ vữa bị nứt. Cục máu đông có thể được hình thành ngay trên mảng xơ vữa bị nứt ra đó và gây tắc đột ngột động mạch vành
2. Xử trí khi phát hiện cơn nhồi máu cơ tim cấp
Khi phát hiện người bệnh nhồi máu cơ tim cần nhanh chóng cấp cứu để hạn chế biến chứng nghiêm trọng
Khi thấy có một trong các dấu hiệu sau: đau vùng trước ngực; cảm giác chẹn ngực; khó thở; một số triệu chứng khác có thể đi kèm như: khó chịu; cơ thể mệt mỏi; toát mồ hôi lạnh; buồn nôn và nôn, cảm giác khó chịu vùng dưới mũi ức; choáng váng hay chóng mặt đột ngột; ở một số trường hợp đặc biệt khi lên cơn nhồi máu cơ tim sẽ không có cảm giác đau (còn gọi nhồi máu cơ tim thầm lặng), thì cần nhanh chóng gọi cấp cứu, không nên trì hoãn và nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 6 đến 8 giờ đầu để được điều trị tối ưu.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi tại nhà, người thân có thể tiến hành sơ cứu bằng cách: cho bệnh nhân nằm nơi yên tĩnh, tránh mọi vận động, nới rộng quần áo thông thoáng, quan sát xem bệnh nhân thở như thế nào, màu da như thế nào.
3. Điều hòa cholesterol – con đường an toàn tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim
Đối mặt với sự gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và tỷ lệ tái phát cao, đặc biệt là ở nữ giới, người bệnh cần chủ động điều hòa cholesterol trong máu, giữ các thành phần mỡ máu ở mức cần thiết cho cơ thể.
Thăm khám để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả những yếu tố nguy cơ bệnh nhồi máu cơ tim
Theo lời khuyên của các chuyên gia tim mạch, cần phòng ngừa sớm nhồi máu cơ tim và nguy cơ tái phát sau khi bệnh bằng cách điều hòa cholesterol và kiểm soát mỡ máu. Song song đó nên thực hiện lối sống lành mạnh, chú trọng chế độ ăn hợp lý, vận động thường xuyên và hạn chế hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, stress…
Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên ít nhất 1-2 lần 1 năm và 3-6 tháng 1 lần với những người có tỷ lệ mỡ máu cao.
Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn