Hạ sốt khi bị sốt xuất huyết là yêu cầu quan trọng và cần thực hiện kịp thời. Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc đặc hiệu nào trong điều trị sốt xuất huyết. Hầu hết chỉ tập trung trung vào giải quyết triệu chứng, hỗ trợ giảm đau và hạ sốt đúng cách.
Bạn đang đọc: Cách hạ sốt khi bị sốt xuất huyết tại nhà và những điều cần lưu ý
1. Giai đoạn sốt và các biểu hiện
Giai đoạn sốt là diễn tiến đầu tiên của bệnh. Người bệnh sốt xuất huyết thường bị sốt kéo dài trong khoảng 3-7 ngày, tính từ ngày đầu tiên sau thời gian ủ bệnh kết thúc. Trong giai đoạn này, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như sau:
– Sốt cao từ 39-40 độ C;
– Người mệt mỏi, uể oải, đau nhức hệ cơ và xương khớp, đau nhức quanh vùng đầu và hốc mắt;
– Xuất huyết dưới da, mẩn đỏ, phát ban;
– Buồn nôn, nôn mửa rất nhiều;
– Ăn uống kém, chán ăn;
– Đường hô hấp trên có thể bị viêm nhiễm gây ho, đau rát họng,…
Ở giai đoạn sốt, người bệnh cần được theo dõi nhiệt độ liên tục và thực hiện các biện pháp hạ sốt kịp thời. Trường hợp không được hạ sốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thậm chí là có thể tử vong.
Người bệnh sốt xuất huyết có thể sốt cao liên tục từ 39-40 độ C.
2. Hạ sốt khi bị sốt xuất huyết đúng cách tại nhà
Người bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị hạ sốt tại nhà với các trường hợp nhẹ (sốt xuất huyết nhóm A). Người bệnh thực hiện thăm khám và thực hiện theo chỉ định thuốc cụ thể của bác sĩ. Việc điều trị tại nhà cần tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về sử dụng đúng loại thuốc hạ sốt, hướng dẫn chăm sóc người bệnh đúng cách, theo dõi sát sao tình trạng bệnh để kịp thời đưa người bệnh tới cơ sở y tế ngay khi bệnh có dấu hiệu trở nặng.
2.1. Thuốc dùng để hạ sốt khi bị sốt xuất huyết
Để hạ sốt cho người bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ thường hướng dẫn sử dụng thuốc Paracetamol (hay còn biết đến là Acetaminophen) ở dạng đơn chất. Thuốc có tác dụng hỗ trợ giảm sốt và giảm đau rất hiệu quả. Bên cạnh đó, thuốc Paracetamol có thể kiểm soát tốt các triệu chứng của sốt xuất huyết ở giai đoạn nhẹ khi sử dụng đúng cách và đúng liều lượng.
Thuốc có thể ở dạng viên nén, viên sủi, dạng bột, viên đạn (đặt hậu môn), dạng dung dịch (hỗn dịch),… phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Người bệnh cần tìm hiểu thông tin chi tiết và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Các chuyên gia khuyến cáo về việc hạ sốt bằng thuốc Paracetamol phù hợp cho người bệnh sốt xuất huyết:
– Liều dùng thích hợp là 10-15mg/kg/lần, uống tối đa 4-6 lần/ngày, không uống quá 60mg/kg/24 giờ, kết hợp với lau mát bằng nước ấm mỗi khi sốt cao;
– Nên uống duy trì từ 2-5 ngày tùy tình hình thân nhiệt theo dõi;
– Để đảm bảo thuốc có thể phát huy tối đa công dụng và hạn chế phản ứng phụ bất lợi xảy ra xuống mức tối thiểu, mỗi lần uống thuốc nên uống cách nhau từ 4-6 tiếng;
2.2. Hạ sốt khi bị sốt xuất huyết tại nhà cần lưu ý gì?
– Theo dõi thân nhiệt đều đặn liên tục. Chỉ thực hiện hạ sốt khi sốt cao (trên 38,5 độ C).
– Đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc Paracetamol cho trẻ em. Tốt nhất, khi trẻ bị sốt cần đưa ngay tới cơ sở y tế uy tín để được chăm sóc và điều trị đúng cách.
– Khi đang sử dụng Paracetamol, người bệnh không uống rượu bia, không sử dụng các loại chất kích thích vì sẽ làm gia tăng áp lực lên gan, rối loạn hoặc suy giảm chức năng gan.
– Bên cạnh việc hạ sốt bằng thuốc, người bệnh song song kết hợp thực hiện hạ sốt theo các phương pháp dân gian như chườm ấm, chườm mát, dùng nha đam, tía tô,… Tránh không sử dụng Paracetamol liên tục và quá liều vì có thể dẫn tới ngộ độc thuốc.
– Lưu ý, sau một khoảng thời gian tự dùng thuốc và theo dõi tại nhà mà các triệu chứng sốt không thuyên giảm, thậm chí là sốt cao hơn hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường nghiêm trọng thì cần đưa người bệnh tới ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Biểu hiện bệnh quai bị
Người bệnh uống thuốc hạ sốt đúng loại, đúng liều dùng và đúng hướng dẫn sử dụng.
3. Bù nước và bù điện giải kết hợp cùng hạ sốt
Sốt cao, ra nhiều mồ hôi, nôn nhiều sẽ khiến người bệnh bị mất nước và mất điện giải. Vì vậy việc bù nước và bù điện giải kịp thời là rất quan trọng và cần thực hiện kết hợp cùng hạ sốt.
Những cách bù nước, bù điện giải qua đường uống có thể áp dụng cho người bệnh sốt xuất huyết:
– Uống Oresol (ORS): ORS có tác dụng bù nước và điện giải nhanh chóng cho người bệnh đang sốt. Lưu ý quan trọng, bạn cần pha ORS theo đúng tỷ lệ được hướng dẫn, tuyệt đối không nên chia nhỏ pha nhiều lần hoặc pha ít nước vì sẽ làm giảm hiệu quả của ORS và tăng nguy cơ ngộ độc.
– Uống nước lọc: Đây là cách bù nước thông dụng và dễ dàng thực hiện. Bình thường mỗi người được khuyến cáo nên uống khoảng 2l/ngày. Với người bệnh sốt xuất huyết cần uống lượng nước lớn hơn từ 3-4l/ngày.
– Uống nước ép trái cây, sinh tố, sữa, nước gạo hoặc lúa mạch: Đây là nguồn cung cấp nước, điện giải và vitamin cho cơ thể. Người bệnh có thể lựa chọn nước ép cam, sinh tố bơ, chuối, kiwi, dâu,táo, nước dừa…
– Uống nước canh, súp: Người bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu nên ưu tiên thực đơn mềm, dễ tiêu hóa, uống nhiều canh, ăn súp vừa cấp nước và năng lượng cho cơ thể.
Lưu ý, trường hợp người bệnh suy kiệt không có sức uống hoặc nôn nhiều không thể bù nước qua đường uống thì cần đưa tới các cơ sở y tế để được thực hiện bù nước, bù dịch qua đường truyền.
>>>>>Xem thêm: Phát hiện các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Người bệnh sốt xuất huyết cần uống nhiều nước hơn bình thường.
4. Nhóm thuốc hạ sốt được chống chỉ định khi bị sốt xuất huyết
Cảnh báo không phải loại thuốc hạ sốt nào cũng được dùng cho người bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt lưu ý không sử dụng 2 nhóm hạ sốt dưới đây:
– Aspirin: Đây cũng là loại thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm thông dụng. Do aspirin có tác dụng trong ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho tình trạng chảy máu do sốt xuất huyết thêm trầm trọng hơn.
– Ibuprofen và các thuốc kháng viêm không chứa Steroid (NSAIDs): Mặc dù tác dụng trong ức chế kết tập tiểu cầu ở nhóm thuốc này không mạnh như aspirin, nhưng cũng có ảnh hưởng đến quá trình chảy máu do sốt xuất huyết, chảy máu liên tục không cầm lại được.
Người bệnh thực hiện hạ sốt khi bị sốt xuất huyết tại nhà cần đặc biệt lưu ý để tiến hành đúng cách và an toàn. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường cần tới ngay cơ sở y tế để nhanh chóng được xử lý kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.