Thoát vị đĩa đệm không chỉ khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt mà còn có thể kéo theo nhiều biến chứng, rối loạn khác nhau.
Bạn đang đọc: Thoát vị đĩa đệm điều trị kịp thời sẽ tránh nguy hiểm
1. Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống. Hiện tượng này thường xảy ra sau các tác nhân sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách và trên lâm sàng biểu hiện đau về thần kinh.
2. Triệu chứng bệnh thế nào?
Các triệu chứng dễ nhận biết là:
– Đau nhức tay, chân: Những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, vai gáy, thắt lưng hoặc tay và chân là dấu hiệu thường thấy. Cơn đau có thể âm ỉ vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng. Ngược lại, cũng có trường hợp cơn đau xuất hiện bất ngờ, dữ dội và trở nặng khi người bệnh vận động.
Đau nhức xương khớp ở tay, chân, lưng là biểu hiện của thoát vị đĩa đệm
– Tê bì tay, chân: Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, tê bì ở vùng cổ, thắt lưng, sau đó lan dần dần xuống mông, đùi, chân, gót chân. Ngoài ra, rối loạn cảm giác hoặc cảm giác bị kiến bò trong người cũng là một biểu hiện rõ ràng của thoát vị đĩa đệm.
– Yếu cơ, bại liệt: Lúc này bệnh đã chuyển nặng, người bệnh khó vận động, đi lại như bình thường. Sau một thời gian, người bệnh sẽ bị teo hai chân, teo cơ hoặc liệt các chi.
– Són tiểu hoặc bí tiểu: Người bệnh có thể bị rò rỉ nước tiểu không tự chủ hoặc có cảm giác buồn tiểu nhưng không đi được.
– Mất cảm giác tại các vùng “yên ngựa” như: phía sau chân, bắp đùi trong, vùng quanh hậu môn.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng gì. Vì vậy, người bệnh cần kiểm tra và theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời.
3. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm như thế nào?
3.1. Kiểm tra lâm sàng
Để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nằm thẳng và di chuyển chân theo những vị trí khác nhau nhằm xác định nguyên nhân gây ra cơn đau. Ngoài ra người bệnh cũng có thể được yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra về thần kinh như:
– Kiểm tra phản xạ
– Sức mạnh cơ bắp
– Khả năng đi lại
– Khả năng cảm nhận được những tiếp xúc nhẹ hoặc rung
3.2. Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng
Trong hầu hết các trường hợp, chẩn đoán thoát vị đĩa đệm chủ yếu là thăm khám lâm sàng và tìm hiểu tiền sử bệnh. Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh khác hoặc cần phải kiểm tra các dây thần kinh bị ảnh hưởng, người bệnh có thể sẽ phải làm thêm một số xét nghiệm sau:
– Chụp X quang: chụp X quang không phát hiện được thoát vị đĩa đệm nhưng vẫn có thể được thực hiện để loại trừ ác nguyên nhân khác gây đau lưng, chẳng hạn như nhiễm trùng, khối u, các vấn đề liên quan đến cột sống hoặc xương bị gãy.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): cung cấp hình ảnh cắt ngang của cột sống và các cấu trúc xung quanh.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): được sử dụng để xác định vị trí của thoát vị đĩa đệm và xem dây thần kinh bị ảnh hưởng.
Tìm hiểu thêm: Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Chẩn đoán bệnh thông qua phương pháp chụp Cộng hưởng từ (MRI)
– Tủy đồ: một chất nhuộm màu được tiêm vào dịch não tủy sau đó chụp X quang. Xét nghiệm này có thể hiển thị áp lực trên dây thần kinh cột sống của người bệnh do thoát vị đĩa đệm hoặc do các bệnh khác.
4. Cách để điều trị thoát vị đĩa đệm
Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn kế hoạch điều trị phù hợp nhất với tình trạng của người bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị nội khoa (dùng thuốc), vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và phẫu thuật.
4.1. Điều trị nội khoa
Một số loại thuốc điều trị có thể sử dụng là:
– Giảm đau bằng Ibuprofen hoặc naproxen. Người bệnh cần sử dụng các loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ.
– Thuốc giãn cơ hoặc các thuốc điều trị có tác dụng giảm đau thần kinh như: Amitriptyline, duloxetine, gabapentin…
– Ngoài ra, các loại vitamin hỗ trợ thần kinh như vitamin B12, B6, B1 cũng được nhiều người sử dụng.
4.2. Vật lý trị liệu
Một số bài tập giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm có thể được áp dụng là:
– Kéo giãn cột sống nhằm dịch chuyển đĩa đệm trở về vị trí bình thường
– Mặc áo nẹp cột sống
– Căng cơ
– Tập aerobic hoặc đi bộ, đạp xe tại chỗ
>>>>>Xem thêm: Những nguyên nhân gây đau lưng ở nam giới ít người nghĩ đến
Tập luyện thường xuyên để giảm đau nhức xương khớp
– Mát xa, chườm nóng hoặc lạnh
– Sử dụng sóng siêu âm
– Kích thích điện cơ và điện phân
– Chiếu đèn hồng ngoại
– Sóng ngắn…
4.3. Tiêm ngoài màng cứng
Bác sĩ có thể chỉ định tiêm một loại thuốc steroid vào vị trí trống xung quanh dây thần kinh cột sống. Liệu pháp này có thể làm giảm sưng, giảm đau, giúp người bệnh di chuyển dễ dàng hơn.
Lưu ý, người bệnh phải thực hiện kỹ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng với đội ngũ chuyên gia hàng đầu về xương khớp.
4.4. Phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh không phải phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài và không thuyên giảm dù đã áp dụng các phương pháp điều trị trên, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Thoát vị đĩa đệm có thể dẫn đến đau đốt sống cổ, cột sống thắt lưng, đau chân tay… và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám và điều trị ngay khi phát hiện có các dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.