Mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 17.000 ca mắc mới ung thư dạ dày, trong đó có trên 15.000 ca tử vong. Nguyên nhân phần lớn là do phát hiện bệnh quá muộn, tình trạng nặng và khó điều trị. Do đó, xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày sớm mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày và những điều cần biết
1. Hiểu đúng về các phương pháp xét nghiệm để tầm soát ung thư dạ dày
Xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày được áp dụng khá phổ biến nhưng không phải là phương pháp duy nhất để sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu nhầm rằng xét nghiệm tầm soát ung thư bao gồm tất cả các phương pháp đang được sử dụng để tầm soát ung thư. Điều này có thể gây tâm lý nghi ngại, lo lắng về vấn đề chi phí và khiến người bệnh chần chừ tiến hành tầm soát ung thư sớm.
Một số loại xét nghiệm để sàng lọc ung thư có thể kể đến như:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân
- Sinh thiết…
Xét nghiệm máu có thể tìm ra các dấu ấn ung thư
Xét nghiệm là hoạt động phân tích chức năng, tình trạng các cơ quan thông qua mẫu xét nghiệm (máu, nước tiểu, phân…). Những mẫu xét nghiệm này có thể dễ dàng thu thập nên chi phí thực hiện cũng phù hợp hơn với đại đa số khách hàng.
Mặt khác, một số phương pháp tầm soát chuyên sâu sẽ kèm theo tác dụng phụ hoặc đòi hỏi người bệnh phải đảm bảo đáp ứng một số yêu cầu riêng. Vì thế, để đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới sức khỏe của người bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm trước để làm cơ sở để chẩn đoán nguy cơ bệnh lý và tiến hành các phương pháp chuyên sâu nếu cần thiết.
2. Đặc điểm của các phương pháp xét nghiệm để tầm soát ung thư
Mỗi phương pháp xét nghiệm đều có ưu và nhược điểm riêng. Nắm rõ được đặc điểm của mỗi phương pháp sẽ giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng và có sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn khi tham gia thăm khám.
2.1. Xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày thông qua xét nghiệm máu
Về bản chất, tầm soát ung thư thông qua xét nghiệm máu là việc tìm ra dấu ấn ung thư (chất chỉ điểm ung thư) – các protein đặc biệt do tế bào ung thư sinh ra. Đối với ung thư dạ dày, chất chỉ điểm ung thư được sử dụng là CA 72-4. Phương pháp này thường được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa dành cho những người có nguy cơ mắc ung thư cao.
Quy trình thực hiện tầm soát ung thư qua xét nghiệm máu về cơ bản không khác so với việc lấy máu để thực hiện các xét nghiệm thông thường. Để đảm bảo kết quả chính xác thì người khám bệnh cần nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng trước khi lấy máu, không sử dụng chất kích thích. Ưu điểm của phương pháp tầm soát ung thư này là thực hiện nhanh chóng, không gây hại với sức khỏe của khách hàng tuy nhiên kết quả lại không chính xác hoàn toàn.
Quy trình xét nghiệm máu đơn giản và dễ thực hiện
2.2. Xét nghiệm máu ẩn trong phân để tầm soát ung thư dạ dày
Khi hệ tiêu hóa mắc một số bệnh lý có thể gây ra tổn thương và dẫn tới tình trạng chảy máu, lượng máu này sẽ theo phân đào thải ra bên ngoài. Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng thì bạn có thể quan sát thấy phân có màu đỏ như máu hoặc màu đen. Tuy nhiên, đa số bệnh ở giai đoạn đầu chỉ xuất hiện lượng máu rất nhỏ, không thể phát hiện bằng mắt thường. Do đó, chúng ta cần sử dụng kỹ thuật xét nghiệm máu ẩn trong phân để chẩn đoán.
Phương pháp này thực hiện rất đơn giản và cũng không có ảnh hưởng tiêu cực nào tới sức khỏe người bệnh. Nếu xét nghiệm có kết quả dương tính, điều này đồng nghĩa với việc bạn đang có hiện tượng chảy máu đường tiêu hóa nhưng chưa thể xác định chính xác vị trí tổn thương. Vì thế bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật chuyên sâu để tìm chính xác vị trí chảy máu.
2.3. Xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày thông qua sinh thiết
Trong các phương pháp xét nghiệm để tầm soát ung thư được liệt kê, sinh thiết là thủ thuật y tế có độ chính xác cao nhất, giúp chẩn đoán hầu hết các bệnh ung thư. Phương pháp này thường được thực hiện khi nội soi dạ dày. Do đó, bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi tiến hành kĩ thuật từ 6 – 12 tiếng. Bên cạnh đó, bệnh nhân chỉ được uống nước lọc trong quá trình chờ nội soi, tuyệt đối không sử dụng sữa hoặc các đồ uống có màu.
Sinh thiết được thực hiện bằng việc lấy mẫu của mô ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Đối với việc tầm soát ung thư dạ dày thì sinh thiết sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm ở lớp niêm mạc dạ dày. Mẫu bệnh phẩm sau đó sẽ được tiến hành quan sát, kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định tế bào ung thư. Tuy có tính chính xác cao về mặt chẩn đoán bệnh nhưng sinh thiết cũng đi kèm nguy cơ gây chảy máu tại cơ quan lấy mẫu, có chống chỉ định với một số đối tượng.
Tìm hiểu thêm: Niềng răng trước và sau có gì thay đổi?
Sinh thiết cho kết quả tầm soát ung thư chính xác
3. Một số phương pháp sàng lọc sau xét nghiệm tầm soát ung thư
Thực tế, các xét nghiệm để tầm soát ung thư thường không chính xác 100%. Do đó, các bác sĩ sẽ có chỉ định thêm các phương pháp tầm soát chuyên sâu hơn, cụ thể là:
- Nội soi dạ dày: Đây là phương pháp được dùng để kết hợp với xét nghiệm sinh thiết. Thông qua quan sát hình ảnh về vị trí tổn thương trong dạ dày, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu sinh thiết chính xác hơn. Với phương pháp này, bệnh nhân cần nhịn ăn từ 6 – 12 giờ và nhịn uống 2 – 3 giờ trước khi nội soi. Ngoài ra, bạn còn cần làm sạch dạ dày trước khi nội soi.
- Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT): Phương pháp này cho phép các bác sĩ quan sát được bên trong dạ dày mà không cần tới nội soi. Chụp CT là phương pháp thực hiện không xâm lấn, không gây khó chịu cho người bệnh. Tuy vậy, do sử dụng tia X nên chụp CT lại đi kèm nguy cơ nhiễm xạ cho người bệnh. Khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân lưu ý không mang theo các vật dụng kim loại và phải thông báo với bác sĩ nếu có tiền sử bệnh lý tiểu đường, suy thận, dị ứng…
>>>>>Xem thêm: Khám ung thư xương ngay nếu gặp 5 triệu chứng này
Chụp CT là phương pháp tầm soát ung thư thay thế nội soi trong một số trường hợp
Tùy thuộc vào độ phức tạp của mỗi phương pháp và quy định của cơ sở y tế, mức giá của danh mục xét nghiệm để tầm soát ung thư dạ dày sẽ có sự chênh lệch nhất định. Trung bình chi phí thực hiện các xét nghiệm này sẽ dao động từ 1.600.000 – 2.500.000 VNĐ. Để đảm bảo kết quả tầm soát ung thư chính xác và an toàn, bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện các danh mục kiểm tra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.