Tầm soát ung thư CEA là gì? Đối tượng nào cần thực hiện xét nghiệm này? Đặc điểm của phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư với chất chỉ điểm CEA là gì?… Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp tất cả các thắc mắc nói trên.
Bạn đang đọc: Điều bạn cần biết về xét nghiệm tầm soát ung thư CEA
1. “Giải phẫu” về chất chỉ điểm CEA
CEA là tên viết tắt của kháng nguyên Carcinoembryonic antigen. Hợp chất này xuất hiện ở tế bào ruột, dạ dày của thai nhi và có nồng độ thấp ở người trưởng thành. Thông thường, người trưởng thành sẽ có nồng độ CEA khoảng 0 – 2.5 ng/mL, với những người hút thuốc chỉ số này sẽ dao động khoảng 0 – 5 ng/mL.
Khi cơ thể mắc ung thư, đặc biệt là các dạng ung thư tế bào biểu mô, nồng độ CEA sẽ tăng lên. Do đó, CEA có giá trị trong chẩn đoán một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư vú… Tỷ lệ bệnh nhân ung thư có nồng độ CEA trên 5 ng/ml động từ 50 – 70%, tùy theo từng cơ quan, bộ phận khác nhau.
Bên cạnh đó, khi mắc một số bệnh lý không phải ung thư cũng có thể khiến nồng độ CEA tăng lên. Ví dụ như polyp dạ dày, viêm ruột loét, bệnh Crohn, bệnh về phổi (khí phế thũng, viêm phế quản mạn), viêm tuyến vú mạn tính, viêm tụy mạn, bệnh gan (viêm đường mật, viêm gan mạn tiến triển, xơ gan do rượu)…
Nồng độ CEA là chất chỉ điểm để tầm soát nhiều loại ung thư
2. Hiểu đúng về bản chất xét nghiệm tầm soát ung thư CEA
CEA là kháng nguyên thường xuất hiện cùng với bệnh lý ung thư do đó hoạt chất này có thể sử dụng như một chất chỉ điểm ung thư. Xét nghiệm tầm soát ung thư với chất chỉ điểm CEA (một số người thường gọi tắt là xét nghiệm tầm soát ung thư CEA) thực chất là việc đo nồng độ CEA để sàng lọc nguy cơ ung thư.
2.1. Giá trị y học của xét nghiệm tầm soát ung thư CEA
Như đã đề cập ở trên, nồng độ CEA tăng cao không đồng nghĩa là bệnh nhân mắc ung thư. Vì có rất nhiều bệnh lý khác có thể khiến nồng độ CEA tăng… Ngược lại, cũng có trường hợp nồng độ CEA bình thường nhưng người bệnh vẫn có khả năng mắc ung thư. Và trong thực tế, có tới 30 – 50% bệnh nhân ung thư đại tràng, dạ dày, ruột, vú, phổi… nhưng nồng độ CEA vẫn ổn định ở mức an toàn.
Tới đây, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc rằng với tỷ lệ chính xác không cao, tại sao xét nghiệm sàng lọc ung thư với chất chỉ điểm CEA vẫn được sử dụng đúng không nào? Thực tế, đây là đặc điểm của các xét nghiệm tầm soát ung thư thông qua chất chỉ điểm nói chung. Tuy không đảm bảo tỷ lệ chính xác cao nhưng chúng ta không thể phủ nhận lợi ích lớn của các xét nghiệm này là rất dễ thực hiện, nhanh gọn và hầu như không gây khó chịu đối với người bệnh.
Xét nghiệm máu là phương pháp tầm soát ung thư phổ biến
Việc thực hiện xét nghiệm này có thể kết hợp cùng với xét nghiệm máu trong khám sức khỏe tổng quát thông thường. Sau đó, quy trình xét nghiệm sẽ được thực hiện tự động với hệ thống máy móc hiện đại. Đặc biệt, với 1 mẫu máu, bạn có thể cùng lúc xét nghiệm tầm soát nhiều loại ung thư. Kết hợp kết quả từ xét nghiệm máu với các biểu hiện lâm sàng, khai thác thông tin bệnh sử của người bệnh, các bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ và chỉ định thực hiện các phương pháp tầm soát ung thư chuyên sâu hơn.
Ngoài ra, các xét nghiệm tầm soát ung thư nói chung và xét nghiệm tìm chất chỉ điểm CEA nói riêng còn có giá trị để theo dõi hiệu quả điều trị ung thư. Định lượng nồng độ CEA thường được khuyến cáo chỉ định trước và trong vòng 2 năm đầu sau điều trị ung thư.
2.2. Phương pháp hỗ trợ cho kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư CEA
Vì độ chính xác của xét nghiệm tầm soát ung thư không cao, do đó bác sĩ cần có thêm kết quả từ một số phương pháp chuyên sâu để củng cố kết luận về khả năng mắc ung thư của người bệnh. Một số phương pháp tầm soát ung thư có độ chính xác cao bao gồm:
-
Nội soi và sinh thiết
- Thực chất đây là hai phương pháp độc lập nhưng thường được thực hiện đồng thời để sàng lọc nguy cơ ung thư. Nội soi là một chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh bên trong các bộ phận đường tiêu hóa nói chung. Khi phát hiện tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để quan sát, kiểm tra xem đó có phải là tế bào ung thư hay không.
-
Chụp cắt lớp vi tính CT
- Phương pháp này sử dụng tia X quét lên một khu vực nào đó của cơ thể và cho ra hình ảnh 2D hoặc 3D của bộ phận cần chụp. Nhiều bệnh nhân không đủ sức khỏe để thực hiện nội soi thường được chỉ định chụp CT. Với ưu điểm không xâm lấn nhưng vẫn có thể cho ra hình ảnh bên trong cơ thể nên chụp CT còn được gọi là phương pháp nội soi ảo.
-
Chụp cộng hưởng từ MRI
- Chụp MRI sử dụng sóng từ trường và sóng radio để cho ra kết quả hình ảnh do đó nó được đánh giá cao về độ an toàn với người bệnh. Bên cạnh đó, hình ảnh chụp MRI có độ tương phản cao, sắc nét, hiển thị rõ chi tiết và có khả năng tái tạo 3D. Điều này hỗ trợ tốt cho các bác sĩ trong chẩn đoán bệnh lý cho bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm: TVTT: Chuẩn bị làm mẹ và những điều cần biết
Chụp cộng hưởng từ MRI cho kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao
3. Đối tượng nên thực hiện xét nghiệm CEA để tầm soát ung thư
Hoạt chất CEA có thể giúp phát hiện nhiều dạng ung thư, tuy nhiên kháng nguyên này vẫn thường được sử dụng chủ yếu để tầm soát các ung thư đường tiêu hóa như đại tràng, trực tràng, dạ dày… Những đối tượng cần thực hiện xét nghiệm định lượng nồng độ CEA để tầm soát ung thư đường ruột bao gồm:
- Người có người thân trong gia đình đã mắc ung thư.
- Người mắc các bệnh đường ruột, đặc biệt là có xuất hiện polyp vì 90% ung thư đường ruột phát triển từ polyp hệ tiêu hóa.
- Người trên 40 và có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như sử dụng nhiều đồ uống có cồn, sử dụng thực phẩm có gia vị mạnh thường xuyên, hay ăn đồ chế biến sẵn…
>>>>>Xem thêm: Những giai đoạn mẹ cần được chăm sóc chuyển dạ đẻ thường
Người trên 40 thuộc nhóm có nguy cơ mắc ung thư đường ruột
Ung thư là bệnh lý nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới tính mạng của bệnh nhân. Điểm mấu chốt để chúng ta có thể chiến thắng căn bệnh này chính là chủ động tầm soát để phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn ban đầu. Hy vọng với thông tin trong bài viết bạn đã có thêm hiểu biết để chủ động tầm soát ung thư, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.