Mắt là một trong các giác quan quan trọng của con người. Để có thể thực hiện chức năng nhìn, mắt có cấu tạo khá tinh vi. Trong đó, bao gồm cả những bộ phận cơ bản như: Võng mạc, thủy tinh thể, hay giác mạc,… Vậy cụ thể giác mạc là gì? Vị trí, cấu tạo và chức năng của giác mạc như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Hệ thống y tế Thu Cúc TCI nhé!
Bạn đang đọc: Giác mạc là gì? Vị trí, cấu tạo và chức năng của giác mạc
1. Giác mạc là gì?
1.1 Khái niệm & Vị trí
Giác mạc (Cornea) hay còn được gọi là lòng đen của mắt. Đây là một lớp màng trong suốt hình chỏm cầu, chiếm khoảng 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Tại đây, giác mạc có cấu tạo 5 lớp và thực hiện chức năng bảo vệ nhãn cầu. Đồng thời kiểm soát và giúp hội tụ ánh sáng đi vào mắt.
Giác mạc là lớp màng trong suốt hình chỏm cầu
1.2 Cấu tạo
Cấu tạo của giác mạc là một màng trong suốt rất dai hình chỏm cầu. Đường kính rơi vào khoảng 11mm, bán kính độ cong là 7,7mm. Ở vùng trung tâm, chiều dày giác mạc trung bình khoảng 520µm, mỏng hơn vùng rìa trung bình khoảng 700µm.
Về cấu tạo giải phẫu, giác mạc có 5 lớp. Các lớp lần lượt từ ngoài vào trong bao gồm:
1.2.1 Biểu mô
Biểu mô gồm khoảng 5 đến 7 lớp biểu mô lát tầng xếp rất trật tự, không sừng hóa.
Lớp trên cùng có hai hàng tế bào mỏng dẹt. Hai hàng tế bào này liên kết chặt chẽ bằng các vòng dính để tạo nên hàng rào thẩm thấu. Bào tương có các vi nhung mao và các nếp gấp siêu vi làm nhiệm vụ trao đổi chất. Đồng thời là nơi bám dính của màng nước mắt.
Lớp trung gian có khoảng 2 đến 3 tế bào đa diện dạng xòe ngón tay hoặc có nhánh. Các tế bào đáy có hình trụ gắn chặt với màng đáy nhằm hoạt động chuyển hóa mạng.
1.2.2 Màng Bowmans
Màng Bowmans dày khoảng 10 đến 13 micromet, mỏng và trong suốt. Màng có cấu tạo dạng sợi tương đối chặt chẽ, áp sát vào lớp nhu mô. Tại đây, màng Bowmans có chức năng kháng khuẩn và chống đỡ các tác nhân chấn thương cơ học.
Khi một phần của vùng bị tổn thương, tổ chức xơ mới sẽ thay thế. Đồng thời cũng làm cho vùng đó bị mất đi tính trong suốt.
1.2.3 Nhu mô
Cấu tạo giác mạc bao gồm 5 lớp
Nhu mô chiếm khoảng 9/10 chiều dày của giác mạc. Nó là một tổ chức liên kết, bao gồm:
– Các sợi liên kết:
Các sợi liên kết thực chất là các sợi collagen, tập hợp thành từng bó, từng lớp. Có khoảng 200 đến 250 lớp sợi collagen xếp chồng chất lên nhau. Mỗi lớp đều song song với nhau, đồng thời song song với bề mặt giác mạc.
Ngoài ra, còn có các sợi đàn hồi rất nhỏ tập trung ở ngay trước Descemet.
– Tế bào (bao gồm cả tế bào cố định và tế bào di động):
Tế bào cố định là các tế bào sợi nằm rải rác khắp giác mạc. Đồng thời xen kẽ giữa các sợi collagen.
Khi giác mạc bị tổn thương, chúng sẽ biến thành những nguyên bào sợi. Lúc này, chúng có khả năng phân chia và tổng hợp nên chất căn bản của tổ chức liên kết. Đồng thời có thể thực bào những mảng vụn của sợi collagen bị hư hại hoặc tế bào bị viêm.
Tế bào di động gồm tế bào bạch cầu tới từ các khe kẽ giữa những lớp sợi và tế bào giác mạc vùng rìa. Khi giác mạc bị viêm, số lượng tế bào di động này sẽ tăng lên. Kéo theo đó là tình trạng thâm nhiễm bạch cầu ở vùng viêm.
– Chất căn bản:
Chất căn bản chiếm khoảng 18% trọng lượng của giác mạc. Gồm có 3 yếu tố là nước, mucopolysaccharit và các muối hữu cơ.
Cấu trúc đặc biệt này của lớp nhu mô góp phần tạo nên độ trong suốt cho giác mạc. Vì vậy, những tổn thương đến từ lớp nhu mô thường để lại sẹo đục vĩnh viễn ở giác mạc.
1.2.4 Màng đáy Descemet
Màng đáy Descemet (hay còn gọi là màng chun sau của Bowman) là một màng trong suốt rất dai. Ở người trưởng thành, trung tâm màng dày khoảng 5-7 micromet và tăng dần độ dày về phía ngoại vi. Sát rìa của màng có độ dày khoảng chừng 8-10 micromet.
Màng có cấu tạo gồm các sợi rất nhỏ kết chặt lại với nhau nhờ các chất căn bản. Do đó, rất dai và đàn hồi. Các sợi của màng kéo dài liên tục đến góc tiền phòng.
1.2.5 Nội mô
Nội mô chỉ gồm có một lớp tế bào. Tại đây, các tế bào hình lục giác có đường kính 18 đến 20 micromet. Chúng được xếp sát nhau và trải đều trên mặt sau của màng Descemet.
Điểm đặc biệt là số lượng tế bào được hằng định từ khi mới sinh ra. Hầu như không xuất hiện sự tái tạo. Khi một vùng của nội mô tổn thương, các tế bào lân cận sẽ trải rộng để che phủ lại. Điều này khiến cho mật độ tế bào bị giảm xuống.
Bằng phương pháp đếm số tế bào nội mô, có thể chẩn đoán được một số bệnh lý về mắt.
Tìm hiểu thêm: Mắt nhìn mờ, đi khám phát hiện đã đục thủy tinh thể độ 3
Bằng phương pháp đếm số tế bào nội mô có thể chẩn đoán được một số bệnh lý về mắt
1.2.6 Bộ phận khác
– Phim nước mắt:
Phim nước mắt là màng hỗn hợp nước dạng gel phủ đều ở mặt trước giác mạc. Phim có thể lấp đầy khe hở giữa các nhung mao và có vai trò khúc xạ quan trọng.
Phim giúp giữ sự kết dính với mắt, kháng lại trọng lực và duy trì độ ẩm cần thiết. Chuyển hóa, duy trì lượng nước và oxy ở giác mạc. Đồng thời, phim cũng có chức năng ổn định biểu mô giác mạc, tránh làm méo hình ảnh khi nhìn.
Dựa vào chức năng kháng khuẩn của các enzyme, phim nước mắt cũng có vai trò bảo vệ nhãn cầu. Ngoài ra, nó còn được ví như phương tiện loại bỏ các chất phân rã, giúp làm sạch mắt. Từ đó loại bỏ tác dụng của lực ma sát từ mi mắt lên bề mặt của nhãn cầu.
– Thần kinh cảm giác giác mạc:
Thần kinh cảm giác giác mạc được phân nhánh từ dây thần kinh sinh ba (V1). Đây là nơi có mật độ phân bổ thần kinh cao và nhạy cảm nhất trên cơ thể.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra cảm giác đau ở giác mạc nhiều hơn 300 đến 600 lần so với da. Đồng thời nhiều hơn khoảng 20 đến 40 lần so với ở tủy răng. Do đó, một khi tổn thương cấu trúc của giác mạc, bệnh nhân sẽ đau rất nhiều.
1.3 Chức năng
Vậy chức năng của giác mạc là gì?
Thứ nhất, giác mạc cùng với hốc mắt, mi mắt và củng mạc bảo vệ bề mặt nhãn cầu. Chống lại các tác nhân như bụi, vi trùng,… xâm nhập vào nhãn cầu.
Thứ hai, giác mạc có chức năng như một thấu kính kiểm soát và hội tụ các tia sáng vào mắt. Nó chiếm đến 2/3 công suất khúc xạ của nhãn cầu. Các tia sáng khi chiếu đến bề mặt nhãn cầu phải được hội tụ bởi giác mạc và thể thủy tinh để rơi vào đúng võng mạc. Sau đó mới được truyền đến não.
Thứ ba, giác mạc cũng giống như bộ lọc tia cực tím (tia UV). Nếu không, võng mạc và thủy tinh thể sẽ rất dễ bị tổn thương bởi tác hại của tia UV.
2. Các bệnh thường gặp ở giác mạc
>>>>>Xem thêm: Phân biệt hai tật khúc xạ cận thị và lão thị
Đâu là các bệnh lý thường gặp ở giác mạc?
Thông thường, giác mạc có thể đáp ứng được tốt với các tổn thương hoặc những vết xước nhỏ. Các tế bào biểu mô khỏe mạnh sẽ trượt đến nhanh chóng trước khi tổn thương bị nhiễm trùng gây ảnh hưởng thị lực. Những tổn thương nông có thể phục hồi hoàn toàn hoặc chỉ để lại sẹo mỏng.
Nếu tổn thương thâm nhập sâu vào giác mạc, quá trình lành sẹo sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bệnh nhân có thể xuất hiện nhiều các triệu chứng bất thường ở mắt. Ví dụ như đau, mờ mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng,…
Một số bệnh lý thường gặp liên quan đến giác mạc có thể kể đến như:
– Viêm giác mạc: Bao gồm viêm loét giác mạc (viêm nông); Viêm giác mạc nhu mô (viêm giác mạc mắt sâu)
– Xước giác mạc: Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.
– Rách giác mạc: Đây là một trong những tổn thương nặng nề ở mắt. Nếu không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Như vậy, trên đây là những chia sẻ về giác mạc và câu trả lời cho câu hỏi “giác mạc là gì?”. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích mà mình đang tìm kiếm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ sớm với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.