Nhiệt miệng là một chứng bệnh thường gặp và có hơn 20% dân số thế giới thường xuyên gặp phải tình trạng này. Vậy nguyên nhân gây bệnh từ đâu và làm thế nào để nhanh chóng trị nhiệt miệng? Với bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ các thông tin về bệnh và gợi ý một số cách trị nhiệt miệng tại nhà để giúp bạn đọc có thể dễ dàng áp dụng.
Bạn đang đọc: Bỏ túi một số cách trị nhiệt miệng tại nhà
1. Bệnh nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng hay còn được gọi là loét miệng, là một trong những bệnh lành tính phổ biến mà ai cũng trải qua một vài lần trong đời. Theo thống kê, 40% dân số Việt Nam bị nhiệt miệng thường xuyên. Mặc dù bệnh nhiệt miệng không gây nguy hiểm nhưng sẽ người bệnh gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, giao tiếp.
Có 3 giai đoạn nhiệt miệng:
– Xuất hiện các điểm tổn thương màu trắng, xung quanh có viền đỏ
– Dịch phồng lên gây khó chịu
– Các mụn nước vỡ, hình thành vết xám vàng
Các vết nhiệt miệng thường xuất hiện ở khu vực các mô mềm như bên trong môi, má, phía dưới lưỡi hoặc trên nướu. Vết loét thường khá nông và có kích thước nhỏ dưới 1cm. Tuy vậy, khi có sự cọ xát, tổn thương do nhiệt miệng sẽ gây ra đau đớn cho người bệnh, nhất là khi ăn các loại thực phẩm có vị mặn, chua và cay.
Nhiệt miệng là bệnh lý mà ai cũng dễ gặp phải
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng nhiệt miệng
Theo quan niệm dân gian, nhiệt miệng là do nóng trong người, nguyên nhân có thể do ăn nhiều đồ có tính nóng. Còn theo quan điểm y học hiện đại, dù là một bệnh lý đơn giản nhưng hiện nay nguyên nhân chính xác của tình trạng nhiệt miệng chưa được biết rõ. Dưới đây là một số phỏng đoán của các nhà nghiên cứu về nguyên nhân khiến chúng ta bị nhiệt miệng.
– Virus, vi khuẩn: Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt miệng thực chất là tình trạng viêm miệng do một số virus, vi khuẩn gây ra, ví dụ như liên cầu khuẩn (Streptococcus). Các dạng virus, vi khuẩn này có thể kí sinh tự nhiên trong miệng hoặc cơ thể tiếp xúc qua đường ăn uống. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn và virus sẽ nhân lên, gây tổn thương khoang miệng.
– Suy giảm chức năng gan: Đây là bộ máy thanh lọc các chất độc trong cơ thể nên khi chức năng gan suy yếu, các chất độc sẽ tích tụ dần. Lâu ngày, các chất độc có thể đọng lại ở vùng miệng, gây ra bọng nước rồi tạo thành các vết loét.
– Thiếu các chất dinh dưỡng: Nhiều nghiên cứu cho thấy việc thiếu hụt các vitamin B9, B12, vitamin C, các chất khoáng như kẽm, sắt… có thể là yếu tố dẫn đến nhiệt miệng.
Ngoài ra, có một số điều kiện tác động khiến nhiệt miệng dễ khởi phát. Nếu như niêm mạc miệng bị tổn thương khi đánh răng, ăn uống, niềng răng cũng có thể khiến bạn bị nhiệt miệng. Tình trạng stress, suy giảm miễn dịch cũng dễ khiến nhiệt miệng xuất hiện. Ở phụ nữ, nhiệt miệng thường xuất hiện trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt.
Có khá nhiều nguyên nhân gây nhiệt miệng
3. Các cách trị nhiệt miệng tại nhà
Nhiệt miệng không phải là bệnh nghiêm trọng, thường sẽ khỏi sau 1 – 2 tuần mà không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, để có thể giảm bớt khó chịu và giúp bệnh lành nhanh hơn, bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây.
3.1. Cách trị nhiệt miệng tại nhà thông qua điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Nguyên tắc của phương pháp này là hạn chế tối đa các nguyên nhân gây bệnh như chúng ta đã đề cập phía trên. Nhờ vào việc ngăn chặn nguồn gây bệnh, các triệu chứng bệnh có thể nhẹ dần và tự khỏi nhanh chóng.
– Bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B để tăng sức đề kháng của cơ thể. Bạn cũng nên tăng cường nạp Vitamin A để hỗ trợ tái tạo niêm mạc nhanh hơn. Các loại vitamin này có nhiều trong hoa quả, rau xanh hoặc bạn có thể sử dụng thêm viên bổ sung vitamin.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Điều này sẽ hạn chế tình trạng viêm nhiễm lan rộng trong khoang miệng. Người bệnh nên sử dụng thêm nước muối để súc miệng nhằm sát khuẩn vết nhiệt, tránh nhiễm trùng.
– Cung cấp nhiều nước cho cơ thể, hạn chế các loại đồ ăn cay nóng. Bổ sung thêm sữa chua trong khẩu phần ăn. Lợi khuẩn trong sữa chua sẽ hỗ trợ chữa lành các vết loét, đồng thời, vị thanh mát của sữa chua cũng sẽ giúp giảm cảm giác khó chịu.
Tìm hiểu thêm: Thực hư những cách làm tiêu xương cá mắc hóc trong lời đồn
Hạn chế ăn đồ cay nóng giúp giúp tình trạng nhiệt miệng mau khỏi
3.2. Cách trị nhiệt miệng tại nhà với các mẹo dân gian
Bên cạnh những chú ý trong cách sinh hoạt, nhiều người vẫn thường áp dụng một số phương pháp trị nhiệt miệng theo kinh nghiệm dân gian như sau:
– Sử dụng rau diếp cá: Trong đông y, lá diếp cá có tính thanh nhiệt, có tác dụng làm mát cơ thể. Bạn chỉ cần đem lá diếp cá xay nhuyễn cùng một chút muối rồi uống 2 – 3 lần/ngày là đã có thể sớm làm vết nhiệt miệng nhanh khỏi.
– Sử dụng mật ong: Đây là một chất sát khuẩn tự nhiên, có thể giúp bề mặt tổn thương nhanh liền. Để làm giảm nhiệt miệng, bạn hãy lấy một chút mật ong rồi thấm nhẹ chỗ loét mỗi ngày 3 – 4 lần.
– Sử dụng bột sắn dây: Bột sắn dây là một trong những sản phẩm có thể chữa nhiệt miệng nhanh chóng mà rất an toàn cho người dùng. Để chữa nhiệt miệng, bạn nên pha bột sắn dây uống 2 lần/ngày. Lưu ý, khi pha sắn dây nên sử dụng nước sôi để đảm bảo bột chín đều.
>>>>>Xem thêm: 4 điều cần biết về căn bệnh viêm họng cấp ở trẻ
Mật ong có tác dụng làm giảm nhiệt miệng
4. Lưu ý quan trọng khi tình trạng nhiệt miệng kéo dài
Dù được nhận định là không nguy hiểm nhưng nhiệt miệng vẫn gây ra 1 số ảnh hưởng nhất định cho cơ thể. Trong trường hợp vết loét lan rộng và tổn thương sâu hoặc bệnh kéo dài hơn 2 tuần không khỏi, bạn nên tới gặp bác sĩ để được khám và can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân bị ung thư lưỡi bị phát hiện muộn, một phần nguyên nhân do bị nhầm lẫn với nhiệt miệng. Khi được phát hiện thì tế bào ung thư đã lan tràn và phá hủy nhiều cơ quan trong cơ thể, khiến sức khỏe của người bệnh suy kiệt và rất khó điều trị. Vì vậy, điều quan trọng là mọi người không nên chủ quan trước các bệnh lý có tính chất kéo dài, lặp lại thường xuyên. Bạn nên chủ động đi khám khi có bệnh nhiệt miệng kéo dài quá 2 tuần. Đặc biệt, hãy đi khám nha khoa và tầm soát ung thư định kỳ để có thể kiểm tra sức khỏe toàn diện.
Với những thông tin trên đây, chúng tôi hy vọng đã giúp các bạn hiểu hơn về bệnh nhiệt miệng và biết được một số phương pháp điều trị bệnh đơn giản, hiệu quả. Nên nhớ rằng, nhiệt miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh ác tính, do đó bạn không nên chủ quan nếu gặp tình trạng loét miệng kéo dài. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải những triệu chứng bất thường đã nói trên.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.