Nhồi máu não là biến chứng khá thường gặp sau chấn thương động mạch cảnh. Cùng tìm hiểu những cập nhật điều trị nhồi máu não sau chấn thương động mạch cảnh trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Cập nhật điều trị nhồi máu não sau chấn thương động mạch cảnh
1. Chấn thương động mạch cảnh là gì?
Động mạch cảnh chính là một mạch máu lớn ở cổ (xuất phát từ động mạch chủ ngực đi dọc lên cổ và chia nhánh), có vai trò cung cấp máu cho não, mặt và cổ.
Chấn thương động mạch cảnh là một chấn thương khá nghiêm trọng, nếu xảy ra mà không có cách xử trí kịp thời thì người bệnh rất dễ bị tử vong hoặc đối mặt với nhiều di chứng nặng nề, trong đó có đột quỵ (nhồi máu não).
Theo thống kê, chấn thương động mạch cảnh chiếm khoảng 1-2% các trường hợp chấn thương chung và chiếm khoảng 9% các trường hợp chấn thương nặng ở đầu – cổ.
Chấn thương động mạch cảnh là loại chấn thương rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh trong tích tắc.
2. Biểu hiện của chấn thương động mạch cảnh
Khác với vết thương, trong chấn thương động mạch cảnh, thành động mạch bị đụng dập gây nhiều dạng tổn thương khác nhau, bao gồm: máu tụ trong thành dẫn tới hẹp lòng mạch, rách lớp nội mạc gây lóc động mạch, thành động mạch bị rách một phần tạo thành túi giả phình, đụng dập gây gián đoạn một phần mạch máu và đứt rời động mạch chảy máu ra tổ chức xung quanh.
Các hình thức tổn thương giải phẫu đó tương ứng với 5 mức độ trong phân loại của Denver, được gọi là 5 cấp độ chấn thương động mạch cảnh. Trong đó, chấn thương cấp độ IV (tắc hoàn toàn động mạch cảnh) được xem là cấp độ chấn thương động mạch cảnh nghiêm trọng, có tỷ lệ biến chứng nhồi máu não khá cao (chiếm khoảng 10 – 40%).
3. Nhồi máu não sau chấn thương động mạch cảnh là gì?
Nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ thiếu máu não dễ xảy ra sau chấn thương động mạch cảnh.
Có ba cơ chế gây nhồi máu não ở bệnh nhân bị chấn thương động mạch cảnh, bao gồm:
– Tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong một bên ở bệnh nhân có vòng nối đa giác Willis không đầy đủ.
– Huyết khối trồi lên gây tắc các động mạch não.
– Huyết khối từ động mạch cảnh bị đụng dập lan lên gây tắc các động mạch não.
Đó là lý do giải thích thực tế nhồi máu não có thể xuất hiện ngay sau vài phút hoặc xuất hiện muộn đến 72 giờ sau chấn thương. Chúng ta có thể tạm gọi ra thành 2 nhóm cơ chế nhồi máu não: cơ chế tiên phát (cơ chế đầu tiên) và nhóm cơ chế thứ phát (2 cơ chế sau do huyết khối lan lên hoặc trôi đi).
Theo nghiên cứu, nhồi máu não thường xuất hiện muộn trong vòng khoảng 72 giờ sau tai nạn (chấn thương). Do đó, việc dự phòng và điều trị nhồi máu não sau chấn thương động mạch cảnh là rất quan trọng và cần thiết. Sẽ giúp người bệnh giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế biến chứng nặng do nhồi máu não gây ra.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu nhồi máu cơ tim trên ECG là gì?
Động mạch cảnh bị tổn thương dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết mạch máu não.
4. Cập nhật điều trị nhồi máu não sau chấn thương động mạch cảnh
4.1 Cập nhật điều trị nhồi máu não bằng thuốc chống đông
Để phòng cơ chế nhồi máu não thứ phát, hầu hết hướng dẫn điều trị đều khuyến cáo sử dụng thuốc chống đông ngay khi xác định chẩn đoán và loại trừ nguy cơ chảy máu.
Ở những bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu não cao thì việc sử dụng thuốc chống đông là thực sự cần thiết, để phòng cơ chế nhồi máu não thứ phát. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở y tế đã không chỉ định thuốc chống đông, kết quả dẫn tới nhồi máu não ở bệnh nhân xuất hiện sau chấn thương khoảng vài giờ.
Chẳng hạn với chấn thương hoặc vết thương cổ vùng III, chấn thương động mạch cảnh độ IV thì có chỉ định phẫu thuật tái thông mạch trong tất cả các trường hợp, ngoại trừ: chấn thương động mạch cảnh trong đoạn trong xương đá (vỡ nền sọ kèm theo), thể trạng bệnh nhân rất yếu không chịu được cuộc phẫu thuật, hôn mê sâu do thiếu máu não muộn hoặc chấn thương sọ não nặng kèm theo…
Thuốc chống đông được sử dụng để làm tan cục máu đông, hạn chế sự hình cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não.
4.2 Cập nhật điều trị nhồi máu não bằng phẫu thuật
Phẫu thuật kết hợp với can thiệp nội mạch có thể có hiệu quả trong những trường hợp huyết khối lan vào động mạch trong sọ. Đặc biệt với những bệnh nhân khi xuất hiện biến cố thần kinh thì chỉ định phẫu thuật ngay là hợp lý.
Mặc dù vậy, phẫu thuật cắt nối động mạch cảnh như thường quy không thể lấy được huyết khối gây tắc các động mạch não – là nguyên nhân gây biểu hiện đột quỵ trên lâm sàng. Can thiệp nội mạch là phương pháp hiệu quả nhất trong việc lấy bỏ huyết khối ở động mạch cảnh trong đoạn xương đá và các động mạch não.
Một nhóm chuyên gia đã đưa ra đề xuấtđiều trị nhồi máu não sau chấn thương động mạch cảnh bằng phối hợp (hybrid), trong đó phẫu thuật được thực hiện trước để tái thông lại vị trí động mạch cảnh bị đụng dập; sau đó can thiệp nội mạch được thực hiện ngay với đường vào từ động mạch cảnh để lấy bỏ huyết khối gây tắc động mạch cảnh trong đoạn xương đá và các động mạch não.
5. Điều trị chấn thương động mạch cảnh độ IV
Mặc dù chưa có hướng dẫn điều trị trong trường hợp chấn thương động mạch cảnh độ IV, có huyết khối lan sâu vào động mạch cảnh trong đoạn trong xương đá. Bệnh nhân có đoạn đụng dập mạch nằm khu trú cách chỗ chia động mạch cảnh trong và cảnh ngoài 2cm. Tình trạng nguyên vẹn của xương nền sọ được xác định bằng phim chụp cắt lớp đa dẫy giúp khẳng định phần động mạch cảnh trong đoạn trong xương đá không ngấm thuốc trên phim chụp mạch là huyết khối thay vì ổ đụng dập do chấn thương. Trong những trường hợp này, phẫu thuật cần giải quyết 2 vấn đề: cắt bỏ đoạn mạch bị đụng dập và lấy được hết huyết khối ở động mạch cảnh trong đoạn trong sọ.
Thuốc chống đông đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa biến chứng nhồi máu não xuất hiện muộn ở bệnh nhân chấn thương động mạch cảnh. Sau đó bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.