Giấy khám sức khỏe A3 là một trong những giấy tờ quan trọng khi hoàn thiện hồ sơ xin việc. Và trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp tới bạn các thông tin cơ bản và những lưu ý cần thiết khi khám sức khỏe xin việc.
Bạn đang đọc: Thông tin bạn cần biết về giấy khám sức khỏe A3
1. Tìm hiểu về giấy khám sức khỏe A3 và vấn đề liên quan
1.1. Giấy khám sức khỏe A3 là gì?
Khám sức khỏe xin việc là hình thức khám tổng quát, xét nghiệm cơ bản nhằm đảm bảo cơ thể người lao động đủ khỏe mạnh và đáp ứng được yêu cầu làm việc, không mắc các bệnh truyền nhiễm hay bệnh nguy hiểm. Sau khi khám sức khỏe, người lao động sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe nếu kết quả các danh mục khám đều cho kết quả tốt.
Giấy chứng nhận sức khỏe này được sử dụng để hoàn thiện hồ sơ xin việc theo quy định của Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế. Nội dung giấy khám sức khỏe thường được in trên khổ giấy A3, do đó giấy chứng nhận sức khỏe được nhiều người gọi là giấy khám sức khỏe A3.
Tuy thường được trình bày theo khổ A3, nhưng tại một số cơ sở y tế, giấy khám sức khỏe cũng có thể được in trên khổ giấy A4. Nếu bạn thực hiện khám tại cơ sở đủ thẩm quyền và trên giấy chứng nhận có đầy đủ các nội dung khám cùng xác nhận của bác sĩ thì giá trị của giấy khám sức khỏe vẫn được công nhận.
1.2. Nội dung giấy khám sức khỏe A3
Dù bạn thực hiện khám tại cơ sở y tế nào hay giấy chứng nhận sức khỏe được trình bày ở bất kỳ hình thức nào thì các danh mục khám phải có đầy đủ những danh mục cơ bản dưới đây:
– Thông tin cá nhân của người khám (bao gồm ảnh, họ tên, ngày sinh, địa chỉ, thông tin liên lạc)
– Thông tin bệnh sử
– Kết quả khám sức khỏe lâm sàng: đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra răng hàm mặt, tai mũi họng…
– Kết quả khám sức khỏe thông qua các chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang)
– Kết quả khám sức khỏe thông qua các xét nghiệm (máu, nước tiểu)
– Kết quả khám sức khỏe kết luận tổng thể
Bạn cần thực hiện thăm khám đầy đủ các bước theo yêu cầu
2. Quy trình khám sức khỏe xin việc
Cũng tương tự như mẫu giấy chứng nhận sức khỏe, quy trình khám sức khỏe ở hầu hết các cơ sở y tế là như nhau. Theo đó, người khám sức khỏe sẽ trải nghiệm quy trình như sau:
– Xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm (nếu có) tại quầy đón tiếp và trình bày mục đích khám sức khỏe;
– Nộp phí khám sức khỏe, nhận phiếu thu và đến các khoa/phòng khác nhau theo chỉ định, chờ đến lượt để khám đáp ứng đủ các danh mục khám như:khám nội chung,răng – hàm – mặt, tai – mũi – họng, da liễu…
– Chờ nhận kết quả tại phòng khám nội ban đầu;
– Trở về quầy tiếp đón để hoàn tất thủ tục, thanh toán phí phát sinh (nếu có), nhận lại giấy tờ.
Quy trình khám sức khỏe xin việc nhìn chung khá đơn giản. Tuy nhiên, với một số nghề nghiệp đặc thù, doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động thực hiện một số loại kiểm tra chuyên sâu: chụp X-quang, xét nghiệm chất gây nghiện… Do đó, người khám sức khỏe phải làm rõ những danh mục khám sức khỏe đặc thù theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Tìm hiểu thêm: 4 điều cần lưu ý trước khi khám sức khỏe hôn nhân
Quy trình khám sức khỏe xin việc khá đơn giản, nhanh gọn
3. Những lưu ý khi khám sức khỏe
Tuy khám sức khỏe là hoạt động khá đơn giản nhưng vẫn có khá nhiều người không nắm được những lưu ý quan trọng, có thể ảnh hưởng tới kết quả chẩn đoán. Dưới đây là các lưu ý bạn cần nắm rõ trước khi tham gia khám sức khỏe xin việc:
– Thời hạn hiệu lực của giấy khám sức khỏe được quy định cụ thể tại Điều 8, Thông tư 14/2013/TT-BYT và có giá trị là 12 tháng. Dù vậy, nhiều đơn vị yêu cầu người lao động phải có giấy khám sức khỏe được cấp mới trong vòng 6 tháng. Vì thế, bạn cần kiểm tra kỹ yêu cầu từ phía doanh nghiệp.
– Ghi đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân trong giấy khám sức khỏe.
– Chuẩn bị ảnh kích thước 04x06cm. Giấy khám sức khỏe có thể có ảnh cá nhân của người khám hoặc không, tuy nhiên nhiều đơn vị doanh nghiệp lại không chấp nhận giấy khám sức khỏe không có ảnh cá nhân và thiếu dấu giáp lai ảnh.
– Nên tìm hiểu trước về tiền sử bệnh của các thành viên trong gia đình như bố, mẹ, anh, chị em ruột. Điều này sẽ là cơ sở để các bác sĩ có những kết luận chẩn xác về sức khỏe của bạn.
– Nếu đang phải điều trị bệnh, bạn cần mang theo thuốc và đơn thuốc.
– Trước khi đi khám không nên uống rượu bia, dùng chất kích thích trong 5 ngày gần nhất vì có thể ảnh hưởng đến kết quả khám.
– Vì nhu cầu khám sức khỏe xin việc tương đối cao, bạn cần có mặt sớm tại các cơ sở y tế để có thể hoàn thiện quy trình và nhận kết quả nhanh chóng.
– Nếu trong gói khám sức khỏe xin việc có danh mục xét nghiệm hoặc nội soi, người tham gia cần phải nhịn ăn tối thiểu 4 – 6 tiếng trước khi tiến hành xét nghiệm.
– Kiểm tra chữ ký và xác nhận của từng hạng mục khám sức khỏe. Tại mục kết luận, phải có thông tin phân loại sức khỏe và ký – ghi rõ họ tên – đóng dấu. Thiếu xác nhận tại bất kỳ mục nào, giấy chứng nhận sức khỏe sẽ không có giá trị.
>>>>>Xem thêm: Đọc kỹ trước khi đi khám sức khỏe tổng quát
Cần tìm hiểu kỹ những lưu ý trước khi đi khám sức khoẻ xin việc
4. Địa chỉ khám sức khỏe xin việc
Theo quy định, tất cả bệnh viện công lập tuyến huyện trở lên đều thuộc danh mục được chỉ định khám và cấp giấy khám sức khỏe cho cá nhân. Với những bệnh viện/cơ sở y tế tư nhân thì phải được được Bộ Y tế cấp phép mới có đủ thẩm quyền cấp giấy khám sức khỏe xin việc cho cá nhân. Do đó, bạn cần lưu ý lựa chọn những cơ sở y tế có đủ các điều kiện:
– Địa chỉ uy tín, đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực y tế;
– Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm;
– Hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị tân tiến, dịch vụ y tế tốt.
Trên đây là toàn bộ các thông tin bạn đọc cần biết về dịch vụ khám sức khỏe. Hiện nay, lợi dụng tâm lý của nhiều người ngại quá trình thăm khám kéo dài, dịch vụ làm giấy khám sức khỏe xuất hiện ngày càng phổ biến. Nhưng về bản chất đây là một hành vi trái pháp luật và tham gia thăm khám cũng là một cơ hội để bạn đánh giá về tình hình sức khỏe của bản thân, vì vậy hy vọng bạn sẽ nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy trình khám sức khỏe theo quy định.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.