Đau mắt hột là bệnh về mắt khá thường gặp do vi khuẩn gây ra. Bệnh có khả năng lây lan và gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Vậy, câu hỏi đặt ra là đau mắt hột có tự khỏi được không? Và làm sao để bệnh nhanh khỏi? Hãy cùng Hệ thống y tế Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay thông qua bài viết này nhé!
Bạn đang đọc: Đau mắt hột có tự khỏi được không?
1. Bệnh đau mắt hột
Đau mắt hột là tình trạng viêm nhiễm quanh giác mạc và kết mạc của mắt. Bệnh xảy ra do có sự xâm nhập của vi khuẩn Chlamydia Trachomatis vào khu vực mí mắt. Gây ra sưng, đau và khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu.
Bệnh có thể lây lan nhanh khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Ngoài ra, việc dùng chung vật dụng cá nhân cũng có thể làm tăng nguy cơ lây bệnh.
Mắt hột là tình trạng viêm nhiễm quanh giác mạc và kết mạc của mắt
Khi bị bệnh mắt hột, người bệnh thường có nhiều biểu hiện như:
– Sưng và ngứa nhẹ vùng mí mắt
– Có dịch mủ, chất nhầy và nhiều gỉ mắt
– Đau mắt, mắt nhạy cảm hơn trước ánh sáng
– Mí mắt xuất hiện hột và nhú gai
– …..
Tổn thương của bệnh cơ bản là các hột ở mắt. Khi bệnh diễn biến nặng, các hột có thể to dần lên. Hột có khả năng bị vỡ và tạo thành sẹo kết mạc. Sẹo ở mức độ nặng có thể làm sụn mi ngắn lại, bờ mi lộn vào trong gây phát triển lông quặm.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh mắt hột là do vi khuẩn xâm nhập vào mắt gây ra. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ này như:
– Sống trong môi trường ô nhiễm, mắt phải tiếp xúc nhiều với khói bụi
– Vệ sinh mắt không đúng cách
– Hay đưa tay lên dụi mắt
– Tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân
– Đặc biệt, trẻ nhỏ từ 4 – 6 tuổi là độ tuổi dễ mắc bệnh nhất
2. Đau mắt hột có tự khỏi được không?
Vậy đau mắt hột có tự khỏi được không? Đây có lẽ là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là khi mắc bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh mắt hột là do vi khuẩn xâm nhập vào vùng mi mắt
Thông thường, đối với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể tự chữa tại nhà. Hột mụn sẽ xẹp dần và khỏi nếu mắt được chăm sóc, nghỉ ngơi đúng cách:
– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho mắt (đặt biệt là vị trí nổi mụn). Tuyệt đối không nên dùng tay bẩn để dụi mắt. Nếu cảm thấy ngứa, hãy sử dụng khăn mềm để lau nhẹ.
– Uống thuốc kháng sinh (lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì). Dùng theo đúng liều lượng và không nên lạm dụng.
– Sử dụng thuốc nhỏ mắt để vệ sinh sát khuẩn cho mắt
– Chườm nóng để giảm đau và tiêu viêm
Bên cạnh đó, với những trường hợp nặng hơn thì cần có sự can thiệp của bác sĩ. VD: Bệnh kéo dài không giảm, hột mụn đã thành sẹo, lông mi mọc ngược,… Lúc này, bác sĩ sẽ kiểm tra và có phương pháp điều trị kịp thời. Tránh để lâu gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
3. Điều trị mắt hột như thế nào?
Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Bao gồm điều trị nội khoa và cả ngoại khoa.
3.1 Điều trị nội khoa
Bệnh do vi khuẩn gây ra nên cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Các điều trị kháng sinh được khuyến nghị bao gồm:
– Dùng thuốc kháng sinh Azithromycin (dùng 1 liều trong vòng 1 năm). Ưu điểm của phương pháp này là tác dụng tốt, dễ uống. Đồng thời chỉ có một liều nên không bị quên. Tuy nhiên, thuốc không dùng được cho: Phụ nữ mang thai/cho con bú; trẻ dưới 1 tuổi,…
– Uống thuốc kháng sinh Erythromycin: Sử dụng 3 ngày một lần trong vòng 3 tuần liên tiếp.
– Tra thuốc mỡ tetracyclin 1%: Sử dụng 2 lần mỗi ngày liên tục trong vòng 6 tháng
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý:
– Vệ sinh mắt cẩn thận bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý
– Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân với bất kỳ ai
– Tra nước mắt nhân tạo để chống khô và bổ sung đầy đủ vitamin cho mắt
Tìm hiểu thêm: Sụp mí bẩm sinh ở trẻ em và những điều cần lưu ý!
Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau
3.2 Điều trị ngoại khoa
Khi bệnh mắt hột ở giai đoạn nặng (xuất hiện lông quặm) thì cần kết hợp phẫu thuật mổ quặm. Phương pháp này giúp hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng nặng hơn do lông quặm gây ra. Để điều trị bằng phương pháp này, người bệnh cần có sự thăm khám và tư vấn từ bác sĩ.
4. Hỏi đáp cùng bác sĩ
CÂU HỎI 1: Đau mắt hột có nguy hiểm không?
Trong những trường hợp nhẹ, người bị mắt hột có thể tự điều trị mà không cần đến bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và xử lý đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng:
– Viêm kết mạc
– Sẹo mí mắt
– Biến dạng mí mắt, lông mi mọc ngược
– Sẹo hoặc viêm loét giác mạc
– Khô mắt
– Xuất hiện lông quặm, lông xiêu
– …..
CÂU HỎI 2: Bệnh tiến triển như thế nào?
Người ta chia quy trình tiến triển của bệnh mắt hột thành 5 giai đoạn:
– Giai đoạn 1 (viêm nang): Giai đoạn này, vi khuẩn mới bắt đầu xâm nhập. Mắt bắt đầu ngứa và đỏ. Việc dụi mắt thường xuyên chỉ khiến người bệnh đau nhiều hơn.
– Giai đoạn 2 (viêm cường độ cao): Sau 5 – 12 ngày bệnh, mí mắt sẽ sưng đỏ và mưng mủ. Ở giai đoạn này, khả năng lây nhiễm là cực kỳ cao.
– Giai đoạn 3 (thành sẹo): Thường xảy ra nếu người bệnh chủ quan và không chăm sóc mắt đúng cách. Có nhiều trường hợp sẹo bị biến dạng và gây ra mất thẩm mỹ.
– Giai đoạn 4 (lông mi mọc ngược): Khi sẹo xuất hiện, mi mắt cũng bị biến dạng theo. Điều này khiến cho lông mi có thể mọc ngược vào trong làm trầy xước giác mạc.
– Giai đoạn 5 (mờ giác mạc): Lông mi cọ xát vào giác mạc lâu ngày sẽ gây ra tổn thương. Dần dần dẫn tới mờ giác mạc, thậm chí mù lòa nếu không điều trị kịp thời.
CÂU HỎI 3: Đặc điểm của vi khuẩn gây đau mắt hột là gì?
Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis là vi khuẩn chính gây ra bệnh mắt hột. Nó mang một số đặc điểm nổi bật như:
– Ngoài gây bệnh ở mắt, vi khuẩn này còn có thể gây ra bệnh ở đường tiết niệu sinh dục. Chúng có đến 15 tuýp huyết thanh khác nhau.
– Bên ngoài cơ thể người, vi khuẩn này không tồn tại được quá 24 giờ. Chúng sẽ chết ở trong nhiệt độ 50 độ C chỉ sau 15 phút. Tuy nhiên, trong môi trường lạnh, chúng có thể sống lâu đến hàng tuần.
>>>>>Xem thêm: Cách điều trị đau mắt đỏ: Thuốc và các phương pháp hỗ trợ khác
Trong môi trường lạnh, vi khuẩn gây đau mắt hột có thể sống lâu đến hàng tuần
CÂU HỎI 4: Đau mắt hột nên kiêng ăn gì?
Khi bị đau mắt, người bệnh nên tránh sử dụng các loại thực phẩm sau:
– Thực phẩm cay, nóng
– Mỡ động vật
– Chất kích thích
– Hải sản
Các loại thực phẩm này sẽ làm cho mắt tiến triển theo chiều hướng xấu và khó cải thiện hơn.
CÂU HỎI 5: Phòng ngừa bệnh mắt hột như thế nào?
Bệnh mắt hột có thể tái nhiễm và lây lan sang cho người khác thông qua đường dịch tiết. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức phòng ngừa cho bản thân và cho cả những người xung quanh.
– Cải thiện môi trường sống và nguồn nước sử dụng. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, diệt ruồi, muỗi, vứt rác đúng nơi quy định,…
– Tham gia tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Luôn rửa mặt bằng nước sạch và không dùng chung khăn, chậu,…
– Chủ động cách ly với người bị mắt hột. Đặc biệt không tiếp xúc với dịch tiết hay dùng chung đồ với người bệnh.
Như vậy, trên đây là chia sẻ về bệnh đau mắt hột và cách điều trị mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc giải đáp được những thắc mắc của bản thân. Nếu cảm thấy tình trạng mắt chuyển biến xấu hơn, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.