Khám sức khỏe định kỳ không chỉ cần thiết với người lớn mà trẻ nhỏ cũng cần được chú trọng. Nếu là người luôn nâng cao quan điểm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các bậc phụ huynh đừng xem thường bỏ qua việc tìm hiểu về vấn đề khám sức khỏe trẻ em này nhé!
Bạn đang đọc: Khám sức khỏe trẻ em – bậc làm cha mẹ hiểu sao cho đúng?
1. Tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em
1.1. Đặt vấn đề
Ngày nay, những ảnh hưởng tiêu cực từ các vấn đề thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường sống, thực phẩm nhiễm độc, thói quen sinh hoạt… khiến tỷ lệ nhiễm bệnh ở người lớn và trẻ nhỏ ngày càng tăng cao. Việc phát hiện muộn các bệnh lý ở trẻ, truyền nhiễm các mầm bệnh từ cha mẹ sang con sẽ để lại hệ quả xấu cho sức khỏe của bé. Vì vậy, khám sức khỏe định kỳ cho bé ngay từ khi còn nhỏ giúp cha mẹ có được cái nhìn tổng quát và xuyên suốt tình hình thể trạng của con, có kế hoạch nuôi dạy con phát triển toàn diện hơn.
-
Khám sức khỏe trẻ em ngay từ khi còn nhỏ giúp cha mẹ có cái nhìn tổng quát và xuyên suốt tình hình thể trạng của con mình
1.2. Vì sao cần đi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ?
Theo đánh giá khách quan từ các chuyên gia, phần đông các bậc cha mẹ chỉ đưa con đi khám khi nhận thấy các biểu hiện bệnh bất thường ở trẻ, hoặc khi triệu chứng đã nặng hơn do áp dụng các phương pháp tự điều trị tại nhà theo kinh nghiệm của bản thân, mà quên đi việc theo dõi thường xuyên sức khỏe của bé. Không chỉ là lợi ích ở khía cạnh kiểm soát bệnh tật, việc này còn là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực trong quá trình nuôi dạy con của các bậc phụ huynh.
03 lý do trả lời cho câu hỏi “Vì sao cần đi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ” được diễn giải như sau:
- Theo sát quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ: Trong giai đoạn đầu đời, mỗi một độ tuổi trẻ có những tiêu chuẩn phát triển khác nhau. Việc khám tổng quát sức khỏe cho bé giúp ba mẹ có kết quả đánh giá toàn diện tình trạng thể lực chung, các chỉ số cơ thể, mức độ hoàn thiện chức năng của các cơ quan trong cơ thể bé. Đây cũng là cơ sở để bác sĩ tư vấn cho ba mẹ lời khuyên nuôi dạy trẻ, làm sao thay đổi chế độ dinh dưỡng tốt hơn, cách phát triển tối đa tinh thần, tư duy, ngôn ngữ, phản xạ cho trẻ,…
- Kiểm soát và chẩn đoán rủi ro sức khỏe: Việc khám sức khỏe tổng quát giúp bác sĩ phát hiện được các dấu hiệu bất thường trong cơ thể trẻ, chẩn đoán và nhận biết sớm bệnh lý, từ đó đưa ra cho ba mẹ những tư vấn và giải pháp điều trị bệnh kịp thời cho trẻ.
- Phòng ngừa bệnh tật: Kết quả thăm khám tổng quát là cơ sở để đưa ra kế hoạch tiêm phòng cho trẻ theo đúng độ tuổi và giai đoạn phát triển. Trẻ được tiêm phòng đúng, đủ sẽ phòng ngừa được những bệnh nguy hiểm đáng lo ngại.
Tìm hiểu thêm: Khám sức khỏe cho lao động nước ngoài ở đâu?
- Trẻ dưới 2 tuổi đi khám sức khỏe trẻ em cần tuân theo chỉ dẫn thời điểm của bác sĩ
2. Nội dung khám sức khỏe tổng quát cho trẻ
2.1. Thời điểm vàng để ba mẹ đưa con đi khám sức khỏe trẻ em
Không phải cứ đưa con đi khám sức khỏe liên tục đã là đúng đắn. Ba mẹ cần hiểu rõ các giai đoạn nào thì cần đưa bé đi khám tổng quát. Có thể chia các giai đoạn khám tổng quát nhi thành các mốc cụ thể gồm: Giai đoạn 2 năm đầu (0-18 tháng), bé khám theo lịch định kỳ được bác sĩ chỉ định; Giai đoạn sau 2 tuổi và giai đoạn sau 12 tuổi, bé có thể khám 1 năm/lần kèm theo tiêm phòng.
>>>>>Xem thêm: Vì sao thoát vị bẹn ở nam giới cao hơn ở nữ giới?
- Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ giúp ba mẹ theo sát quá trình phát triển, kiểm soát và phòng ngừa bệnh cho bé
2.2. Khám sức khỏe trẻ em gồm những gì?
Các gói khám tổng quát nhi hiện nay dành cho trẻ dưới 18 tuổi, gồm đầy đủ các danh mục thăm khám với 3 mục chính:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ tiến hành thăm khám nhi khoa, lấy số đo chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI của trẻ, khám tổng quát răng hàm mặt, tai mũi họng, phổi, mắt,… nhằm đánh giá sơ bộ thể lực trẻ, đồng thời tầm soát các bệnh lý tuần hoàn, hô hấp, tiết niệu,…
- Xét nghiệm: Bé được hỗ trợ để hoàn tất các xét nghiệm máu, nước tiểu. Kết quả nhận được là cơ sở để bác sĩ kiểm tra chức năng các hệ cơ quan nội như gan, thận, chẩn đoán tình trạng thiếu máu hoặc các bệnh lý về máu,…
- Chẩn đoán hình ảnh: Các bệnh lý tim phổi nói riêng, các bệnh lý liên quan cơ quan nội tạng nói chung sẽ được chẩn đoán qua bước này thông qua hình ảnh thực hiện bởi phương pháp siêu âm, chụp X-quang,..
Ngoài những bước khám trong gói, bác sĩ cũng trao đổi với ba mẹ chi tiết hơn về các thông tin như: tình trạng dinh dưỡng, cách nuôi dạy con trẻ, các biểu hiện thông thường và bất thường của trẻ, từ đó có chẩn đoán chính xác hơn với tình trạng sức khỏe của bé.
3. Ba mẹ cần chuẩn bị gì trước khi cho trẻ đi khám sức khỏe tổng quát
Không giống như người trưởng thành có thể chủ động chuẩn bị cho bản thân trước khi khám sức khỏe, cơ thể trẻ em nhạy cảm với các tác động trong và ngoài hơn rất nhiều. Do vậy, ba mẹ cần để tâm hơn tới các biểu hiện và phản ứng của trẻ, đồng thời có những lưu ý một số điểm sau:
- Dành thời gian lựa chọn cơ sở y tế thăm khám chất lượng, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao cùng cơ sở vật chất đầy đủ
- Nên đặt lịch thăm khám trước để tiết kiệm thời gian, bé không chán nản khi phải chờ đợi
- Trước buổi khám, không cho bé ăn sáng và uống nước ngọt có gas, nước đường, ảnh hưởng tới kết quả khám
- Tạo cho bé không khí thoải mái, dễ chịu khi tới khám
- Chuẩn bị thông tin về tiền sử bệnh lý ba mẹ, người thân gia đình, thông tin sức khỏe của bé, các vấn đề thắc mắc khi nuôi dạy con để trao đổi cùng bác sĩ
4. Khám sức khỏe tổng quát cho trẻ nhanh gọn thời 4.0, cha mẹ thử ngay nhé!
Cha mẹ bận rộn công việc, bé lại hiếu động chẳng chịu chờ đợi lâu, làm sao để khám sức khỏe tổng quát cho bé nhanh chóng mà vẫn chính xác? Bỏ qua cách thức khám kiểu truyền thống, ba mẹ hãy tham khảo cách sau nhé:
Bước 1: Lựa chọn cơ sở y tế uy tín
Bước 2: Gọi điện đặt lịch trước với cơ sở y tế đã chọn, trao đổi trước về thủ tục cần chuẩn bị và các lưu ý cần thiết
Bước 3: Đưa bé tới khám theo các danh mục của gói
Bước 4: Nhận kết quả và tư vấn từ bác sĩ
Hy vọng qua bài viết, cha mẹ đã có câu trả lời cho vấn đề “Nên đi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ hay không?” và có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng trẻ phát triển toàn diện, an toàn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.