Các dấu hiệu nhận biết người đột quỵ và cách xử trí

Các thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong do đột quỵ (tai biến mạch máu não) đứng thứ 3 trên thế giới. Số người đột quỵ mỗi năm trên toàn cầu là khoảng 13 triệu, trong đó có đến 5,5 triệu trường hợp tử vong. Người bị đột quỵ có thể không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào nhưng cũng có thể có những dấu hiệu nhận diện đáng chú ý.

Bạn đang đọc: Các dấu hiệu nhận biết người đột quỵ và cách xử trí

1. Những dấu hiệu ở người bị đột quỵ

Các triệu chứng của đột quỵ có thể xuất hiện hoặc không, nếu có thường không kéo dài. Sau đây là những dấu hiệu có thể giúp phát hiện sớm chứng đột quỵ mà bản thân người bệnh và những người xung quanh cần nắm được để có thể cấp cứu kịp thời.

1.1 Dấu hiệu suy giảm thị lực ở người đột quỵ

Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ . Tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng và chỉ người bệnh mới cảm nhận được, còn những người xung quanh rất khó nhận ra. Bởi vậy, nếu nhận thấy dấu hiệu này, người bệnh cần báo ngay với người nhà hoặc những người bên cạnh để được cấp cứu sớm.

1.2 Dấu hiệu biến đổi khuôn mặt của người đột quỵ

Khuôn mặt của người bị đột quỵ thường đột ngột thiếu cân xứng, cụ thể miệng méo, nhân trung lệch về một bên so với bình thường, mặt bên yếu hơn bị rũ xuống. Điều này đặc biệt thấy rõ khi người bệnh nói hoặc cười.

Các dấu hiệu nhận biết người đột quỵ và cách xử trí

Biến đổi khuôn mặt, đột ngột méo miệng, lệch mặt là dấu hiệu đột quỵ.

1.3 Dấu hiệu bất thường ở tay hoặc chân

Khi bị đột quỵ, người bệnh có thể cảm thấy tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thực hiện các thao tác. Ngoài ra, đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được, dáng đi bất thường cũng là những dấu hiệu đột quỵ cần chú ý.

1.4 Nhận diện người đột quỵ qua dấu hiệu về giọng nói

Tình trạng thiếu máu não hoặc xuất huyết não có thể gây ảnh hưởng đến các vùng não hoặc dây thần kinh điều khiển ngôn ngữ của người bệnh. Họ có thể nói ngọng bất thường, tê cứng môi lưỡi, khó mở miệng hay phát âm, phải gắng sức thì mới nói được.

1.5 Dấu hiệu suy giảm nhận thức

Các biểu hiện suy giảm nhận thức ở bệnh nhân đột quỵ gồm rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù…

1.6 Dấu hiệu về thần kinh

Đau nhức đầu dữ dội là triệu chứng khá phổ biến của bệnh nhân đột quỵ nặng. Dấu hiệu này thường gặp ở những người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Tùy vào vị trí và mức độ não bị tổn thương mà những triệu chứng này có thể biểu hiện khác nhau. Người bệnh không nên chủ quan hay xem nhẹ bất cứ triệu chứng nào. Khi cảm nhận các bất thường, cần chủ động gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời.

Những cơn đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí giữa đêm, trong khi đang ngủ. Các trường hợp này chiếm khoảng 14% tổng số ca đột quỵ. Đột quỵ khi đang ngủ là tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi lúc này người bệnh hay người thân không thể phát hiện được những dấu hiệu đột quỵ để có thể sớm can thiệp và cứu sống bệnh nhân trong “thời gian vàng”. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong hoặc gặp các biến chứng nghiêm trọng của những người đột quỵ.

2. Nguy cơ bị đột quỵ và những đối tượng dễ mắc

Hiện nay, mỗi năm có hơn 13 triệu người trên thế giới bị đột quỵ. Con số tử vong do căn bệnh này lên đến 5,5 triệu người.

Số người bị tai biến tại Hoa kỳ hàng năm là khoảng 795 000 người. Trong đó 87% trường hợp là đột quỵ thiếu máu não. Khoảng 185 000 người bị tái phát hàng năm.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200 000 bệnh nhân tai biến. Một nửa trong số đó sống sót nhưng đối mặt với các di chứng về thần kinh, vận động.

Bất cứ ai, dù ở độ tuổi hay làm nghề nghiệp nào cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ trở thành người đột quỵ cao hơn bao gồm:
– Nam giới
– Người cao tuổi, thường trên 50 tuổi
– Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ trước 40 tuổi
– Người đã từng đã từng bị đột quỵ
– Người bị các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rung nhĩ, tiểu đường…
– Người hút thuốc lá/tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên
– Người ăn uống kém lành mạnh, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ và giàu chất béo
– Người nghiện rượu, thường xuyên sử dụng các thức uống có cồn
– Người lười vận động, ít rèn luyện sức khỏe
– Người béo phì

Tìm hiểu thêm: Bệnh động mạch vành: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 

Các dấu hiệu nhận biết người đột quỵ và cách xử trí

Uống nhiều bia rượu có thể làm tăng nguy cơ đột quy.

3. Sơ cứu người đột quỵ

Khi phát hiện có người bị đột quỵ, bạn cần gọi ngay cấp cứu 115, sau đó tiến hành sơ cứu bằng cách:

– Để phần đầu và lưng của bệnh nhân nằm nghiêng một góc 45 độ so với cơ thể. Điều này sẽ giúp ngăn tình trạng sặc đường thở.
– Mặc quần áo rộng, thoáng, mở phần cổ áo của người bệnh để kiểm tra hô hấp
– Nếu người bệnh ngừng tim thì tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo
– Lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh để tránh sặc vào đường thở
– Nếu người bệnh bị co giật thì lấy vải sạch quấn quanh 1 chiếc đũa rồi ngáng ngang miệng để ngăn người bệnh cắn vào lưỡi
– Ghi chép thời điểm người bệnh đột quỵ và các triệu chứng từ khi đột quỵ khởi phát, những loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc mang theo người.
– Không cho bệnh nhân dùng thuốc hay ăn uống bất cứ thứ gì khi chưa có chỉ định
– Không dùng các mẹo dân gian như dùng kim chích 10 đầu ngón tay chân hay cạo gió

4. Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh đột quỵ

Để ngăn đột quỵ xảy ra, cách tốt nhất là duy trì cuộc sống lành mạnh, kiểm soát sức khỏe để quản lý bệnh nền và dự phòng các yếu tố nguy cơ. Cụ thể bằng các biện pháp:

– Ổn định huyết áp, đặc biệt ở những người mắc bệnh huyết áp cao
– Ổn định đường huyết bởi bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu, gây mảng xơ vữa lớn, dẫn đến thiếu máu não
– Kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu bằng cách thăm khám định kỳ
– Bỏ hoặc hạn chế thuốc lá tối đa
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, ít cholesterol và muối
– Vận động phù hợp, rèn luyện thể chất thường xuyên
– Ổn định trọng lượng cơ thể, có biện pháp giảm cân nếu cần
– Tầm soát các nguy cơ đột quỵ sớm thông qua đánh giá tình trạng sức khỏe và các bệnh lý nền, đặc biệt là mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, xơ vữa động mạch, phình mạch máu não, bệnh lý mạch vành… Hiện nay đã có phương pháp tầm soát sớm các nguy cơ dẫn đến đột quỵ thông qua thăm khám các bệnh lý này.

Các dấu hiệu nhận biết người đột quỵ và cách xử trí

>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân gây đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường

Đột quỵ tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh bằng cách thay đổi lối sống và thăm khám thường xuyên.

Tóm lại, khả năng sống sót và phục hồi của người đột quỵ phụ thuộc rất lớn vào việc cấp cứu kịp thời. Đừng bỏ qua bất cứ một dấu hiệu nào để phát hiện bệnh và xử trí sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *