Đóng vai trò không thể thiếu trong y tế học đường, khám sức khỏe cho học sinh góp phần nuôi dưỡng và phát triển toàn diện nhất cho những mầm non tương lai của đất nước. Tuy nhiên, liệu các bậc phụ huynh đã hiểu rõ về hoạt động này hay chưa? Cùng tìm hiểu theo bài viết này nhé.
Bạn đang đọc: Khám sức khỏe cho học sinh và những vấn đề phụ huynh cần biết
1. Khám sức khỏe cho học sinh có bắt buộc không?
Những năm tháng đầu đời trước 18 tuổi là giai đoạn học sinh hoàn thiện mình cả về thể chất và tinh thần. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam, xem trường học là môi trường giúp học sinh nâng cao sức khỏe, nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện hành vi, lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước. Chưa kể tới tỉ lệ các bệnh lý học đường tại nước ta như cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân, béo phì,… đang tăng cao. Do vậy, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh chính là đảm bảo chất lượng sống, khả năng học hành, sáng tạo và tương lai sau này cho các em và của cả đất nước.
Trẻ vị thành niên cần được chăm sóc và giáo dục về sức khỏe
1.1. Khám sức khỏe cho học sinh trong nước
Tại Việt Nam, một học sinh sẽ trải qua 12 năm học tương đương 3 cấp độ, từ tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việc thăm khám định kỳ từng năm học giúp các em hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, tự tin và sẵn sàng bước vào những kỳ học mới đầy hiệu quả.
Kết quả thăm khám của học sinh đối với các bậc phụ huynh cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ thấu hiểu được sức khỏe của con em, phát hiện sớm các triệu chứng bệnh lý nhằm phối hợp với bác sĩ thực hiện phương án điều trị kịp thời, không ảnh hưởng nhiều tới quá trình học tập của con trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh có cơ sở để thay đổi chế độ nuôi dạy con, giúp con phát triển an toàn và đầy đủ.
Đối với nhà trường, việc theo dõi thường xuyên kết quả sức khỏe của học sinh giúp thầy cô kịp thời xử lý nếu các em có biểu hiện bệnh lý ảnh hưởng tới quá trình học tập như: miễn học thể dục, quốc phòng đối với các em thể chất yếu, hay phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm tránh không lây lan các bạn xung quanh…
1.2. Khám sức khỏe cho học sinh du học nước ngoài
Bên cạnh những lợi ích về quá trình phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống cho thế hệ học sinh, kết quả khám sức khỏe cũng là điều kiện bắt buộc đối với những học sinh có ý định qua du học tại các quốc gia khác. Giấy khám sức khỏe là thủ tục cần hoàn thiện trong hồ sơ xin visa xuất cảnh, đồng thời đảm bảo học sinh có khả năng thích nghi với môi trường sống mới. Chỉ những kết quả đủ điều kiện mới được Đại sứ quán quốc gia đó chấp nhận và cấp visa. Đối với các nước như Canada, Úc, Mỹ, Nhật Bản,… vấn đề này càng được siết chặt hơn, bởi những quốc gia này đặc biệt chú trọng tới y tế và trách nhiệm xã hội trong cộng đồng.
Tìm hiểu thêm: Khám sức khỏe trẻ em – bậc làm cha mẹ hiểu sao cho đúng?
Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm giúp theo dõi quá trình phát triển của con em
2. Khi nào nên thực hiện khám sức khỏe cho học sinh
Vì những ý nghĩa của việc khám sức khỏe định kỳ, các y bác sĩ khuyến cáo học sinh cần được khám định kỳ 1-2 lần/năm. Cụ thể: Trường học cần lên kế hoạch phối hợp với bệnh viện, cơ sở y tế khám định kỳ đầu năm học cho các em; tư vấn giáo dục sức khỏe với học sinh, giáo viên theo đúng tiêu chuẩn của y tế học đường; đồng thời đào tạo các kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho chính mình, đặc biệt là các học sinh tuổi vị thành niên.
Ngoài thời điểm nhập học, học sinh cũng nên được khám sức khỏe thời điểm giữa học kỳ I và học kỳ II. Thông qua đó, nhà trường và phụ huynh đều nắm bắt được tình hình sức khỏe của con em mình, hệ thống được quá trình phát triển thể chất, phát hiện sớm các bệnh lý học đường (nếu có). Từ đó sẽ có phương án học tập phù hợp cũng như đưa ra những biện pháp giúp chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho con em mình kịp thời.
3. Chuẩn bị gì cho học sinh trước khi khám sức khỏe?
>>>>>Xem thêm: Lợi ích khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là gì?
Trước buổi khám, phụ huynh cần giúp con em chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và tinh thần
Để buổi khám sức khỏe không cản trở tới việc học tập, sinh hoạt, phụ huynh hãy cùng với con em mình chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt như:
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm: 02 ảnh kích thước 4x6cm nền trắng, thời gian chụp ảnh không quá 6 tháng; Thẻ học sinh/Chứng minh thư/Hộ chiếu bản gốc để đối chiếu.
- Không ăn sáng trước ngày khám
- Không uống nước ngọt, nước có ga từ 12-24h trước buổi khám, uống nhiều nước lọc
- Không ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ béo 12-24h trước buổi khám
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ trước khi khám
- Ngủ đủ giấc, tinh thần thoải mái
- Chia sẻ thật về những biểu hiện bất thường của cơ thể với bác sĩ để có kết quả khám chính xác nhất
- Phụ huynh cần chuẩn bị trước đồ ăn cho con em bổ sung ngay sau khi khám
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm trước về những yêu cầu cần thiết khác để con em có buổi khám thành công, toàn diện.
4. Tổ chức khám sức khỏe cho học sinh tại trường – Nên hay không?
Việc tổ chức buổi khám sức khỏe định kỳ cho hàng trăm, hàng nghìn học sinh là vấn đề không hề đơn giản, cả về mặt quản lý và chất lượng phục vụ. Thấu hiểu vấn đề này, một số bệnh viện, cơ sở y tế đã đưa ra giải pháp khám sức khỏe lưu động. Hình thức này hỗ trợ rất nhiều cho quá trình sắp xếp học sinh trong công tác khám định kỳ, cũng như đem lại nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, nhà trường cần lựa chọn kỹ càng bệnh viện uy tín, chất lượng và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thăm khám đoàn học sinh.
Với dịch vụ khám lưu động tại trường, bệnh viện đó cần đảm bảo trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị thăm khám để thực hiện chính xác các danh mục trong gói khám. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên hỗ trợ chuyên nghiệp, hiểu tâm lý con trẻ cũng là một điểm cần lưu ý. Ngoài ra, để tránh ảnh hưởng tới quá trình dạy và học của thầy trò, quy trình khám cần khép kín, nhanh – gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Là những thế hệ tương lai của đất nước, học sinh cần được chăm sóc toàn diện cả về trí và lực. Vì vậy, cha mẹ, giáo viên và nhà trường cần quan tâm kiểm soát sức khỏe thường xuyên cho con em, giúp thế hệ sau luôn khỏe mạnh, tự tin vươn cao đạt kết quả mơ ước.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.