Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là mất ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ (tai biến mạch máu não). Vì vậy, chăm sóc giấc ngủ tốt là một cách phòng đột quỵ xảy ra. Cùng tìm hiểu bài viết để biết các tác hại “ghê gớm” của mất ngủ và “bí quyết” chăm sóc giấc ngủ thật tốt.
Bạn đang đọc: Chăm sóc giấc ngủ thật tốt là một cách phòng đột quỵ
1. Các tác hại mà rối loạn giấc ngủ gây ra
Rối loạn giấc ngủ, thường gặp nhất là tình trạng mất ngủ diễn ra ngày càng nhiều. Nhiều người còn rất trẻ, cũng đến thăm khám tại phòng khám chuyên khoa thần kinh với triệu chứng mất ngủ.
Người bệnh thường chia sẻ rằng: ban đầu họ chỉ gặp phải tình trạng trằn trọc không ngủ được diễn ra trong một vài đêm, nhưng đa số chủ quan nghĩ không sao nên để kéo dài chuyển sang mất ngủ mạn tính.
Giờ đây, mỗi lần đi ngủ với họ thật sự khó khăn, nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được, ngủ hay bị giật mình tỉnh giấc, mỗi đêm thậm chí chỉ ngủ được 2-3 tiếng, có những đêm thức trắng. Vì không ngủ được nên cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, mất hứng thú, trầm cảm, lo âu, khó tập trung trong công việc, khả năng ghi nhớ kém, khả năng lên kế hoạch và xử lý các vấn đề cũng bị suy giảm đáng kể,…
Chưa kể mất ngủ kéo dài còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như: cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, béo phì, xơ vữa động mạch, rối loạn tâm thần, thiểu năng tuần hoàn não, tai biến mạch máu não (đột quỵ), sa sút trí tuệ (alzheimer), …
Rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể gây tăng huyết áp, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
2. Thuốc ngủ, thuốc an thần không phải là cách phòng đột quỵ
Nhiều người coi thuốc ngủ, thuốc an thần như “thần dược” vì nó giúp họ dễ ngủ hơn. Nhưng giấc ngủ ngon được hiểu là giấc ngủ hoàn toàn tự nhiên và được đánh giá bởi nhiều tiêu chí như: dễ đi vào giấc ngủ, ngủ sâu giấc, sáng dậy tỉnh táo,…
Một số người gặp khó khăn khi ngủ hay nghĩ đến việc dùng thuốc an thần, thuốc ngủ. Đây thực chất là đang “cưỡng ép” giấc ngủ. Bác sĩ chỉ kê thuốc cho người bệnh trong trường hợp mất ngủ nặng, kéo dài, nếu nhẹ thường ưu tiên sử dụng các biện pháp không dùng thuốc như tuân thủ quy tắc “vệ sinh” giấc ngủ.
Việc sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần kéo dài dễ gây nguy cơ phụ thuộc thuốc, làm mất cơ chế kiểm soát tự nhiên chu kỳ sinh lý của giấc ngủ, khiến tình trạng mất ngủ ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra, nếu lạm dụng thuốc an thần còn ẩn chứa nhiều mối nguy hại cho sức khỏe như: suy thận, suy gan, trầm cảm,…
Tìm hiểu thêm: Những nhóm nguy cơ bị đột quỵ cao
Các chuyên gia khuyến cáo bạn tuyệt đối không được lạm dụng thuốc an thần, thuốc ngủ vì có thể gây phụ thuộc vào thuốc và khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
3. Chăm sóc giấc ngủ thật tốt là một cách phòng đột quỵ
3.1 Vệ sinh giấc ngủ là một cách phòng đột quỵ
Để có giấc ngủ ngon, trước hết bạn cần giải tỏa căng thẳng, stress trong cuộc sống. Hãy tuân thủ những quy tắc “vệ sinh” giấc ngủ sau đây:
– Nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, duy trì khoảng 7-8 tiếng mỗi đêm. Cuối tuần không nên ngủ nướng để đồng hồ sinh học hoạt động không bị sai lệch.
– Không nên ăn quá no hay quá gần thời gian đi ngủ
– Không nên xem tivi, điện thoại sát giờ đi ngủ (nên tắt trước khoảng 2 tiếng trước giờ đi ngủ).
– Không nên lạm dụng bia, rượu, cà phê, thuốc lá, chất kích thích khác trước giờ đi ngủ.
– Không nên quá lo lắng, căng thẳng khi đi ngủ.
– Nên vận động thư giãn, tập thể dục thường xuyên như đi bộ, chơi cầu lông, bơi,… hàng ngày, nhưng lưu ý là cần vừa sức.
– Giữ cho phòng ngủ luôn sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh,
– Nếu không ngủ được bạn cũng đừng quá lo lắng, không nên rửa mặt hay rửa chân tay vì điều này dễ làm cơ thể mất nhiệt và càng khiến cơ thể tỉnh táo không ngủ tiếp được. Thay vào đó bạn hãy đứng dậy đi ra một chiếc ghế sofa hoặc một nơi nào đó yên tĩnh, không nên bật điện và thư giãn, cơn buồn sẽ đến và bạn sẽ lại dễ đi vào giấc ngủ tiếp.
– Nếu bị giật mình tỉnh giấc khi đang ngủ, bạn tuyệt đối không nên xem đồng hồ vì điều này chỉ khiến bạn càng áp lực và khó ngủ tiếp.
3.2 Cách phòng đột quỵ nhờ tìm đúng nguyên nhân
Chứng mất ngủ thường hay gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân có thể do quá trình lão hóa tự nhiên của con người, do lối sống, do đặc thù công việc, do môi trường bên ngoài, nhưng cũng có thể do bệnh lý trong cơ thể gây ra. Một trong những bệnh lý thường gặp gây mất ngủ mà bạn dễ thấy nhất có thể kể đến như: ung thư, viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh lý cơ xương khớp, bệnh thận, trầm cảm, …
Để điều trị hiệu quả chứng mất ngủ, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ là gì. Nếu do bệnh lý cần điều trị hiệu quả và kiểm soát bệnh lý thật tốt, tránh “bệnh chồng bệnh” kéo theo hàng loạt tác hại nguy hiểm.
Biện pháp an toàn và hiệu quả nhất đó là bạn cần thực hiện sàng lọc sớm nguy cơ bệnh thông qua các nguyên nhân đến từ các bệnh nền. Hiện nay đã có phương pháp tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ thông qua đánh giá các bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn tới đột quỵ như: mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, xơ vữa động mạch, phình mạch máu não, bệnh lý mạch vành…
>>>>>Xem thêm: Xử trí khi bị nhồi máu cơ tim cấp cứu gấp khi biến trứng
Thăm khám với chuyên gia nội thần kinh để được tìm đúng nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, có biện pháp điều trị kịp thời và hiệu quả, ngăn biến chứng nguy hiểm.
4. Nhận biết các dấu hiệu rối loạn giấc ngủ để đi khám kịp thời
Người bị rối loạn giấc ngủ có 3 dấu hiệu điển hình như sau:
Mất ngủ: trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, “thức trắng đêm” không có cảm giác buồn ngủ,…
Ngủ nhiều: thời gian ngủ kéo dài hơn 9-10 tiếng nhưng sau đó vẫn có cảm giác buồn ngủ, hay còn gọi là chứng ngủ rũ (buồn ngủ vào ban ngày, ngủ gật thường xuyên, khó tỉnh táo).
Rối loạn nhịp thức ngủ: thường xuyên mê sảng, mơ thấy ác mộng, mộng du, hay giật mình giữa đêm một lúc mới ngủ tiếp, có những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ: nghiến răng, ngưng thở khi ngủ,…
Theo thống kê, khoảng 80% số bệnh nhân đến khám bệnh lý về thần kinh đều có biểu hiện rối loạn giấc ngủ. Trong đó, khoảng 5% người bệnh đến khám trong tình trạng rối loạn giấc ngủ đã quá nặng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và nguy cơ đối diện với nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.