Bệnh viêm khớp không chỉ có ở người trưởng thành mà còn có ở cả trẻ em, thậm chí, có ở cả trẻ nhỏ, 2 – 3 tuổi. Tuy nhiên, bệnh viêm khớp ở trẻ nhỏ thường bị bỏ qua vì tâm lí chủ quan của bố mẹ.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm khớp ở trẻ nhỏ: Bố mẹ đừng chủ quan
1. Khái niệm
Viêm khớp là tình trạng rối loạn cấu trúc và chức năng của khớp. Sự phát triển của bệnh thường bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn cấp tính và giai đoạn mạn tính. Ở trẻ em, viêm khớp có 4 dạng chủ yếu là: Viêm khớp vảy nến, viêm đa khớp, viêm hệ thống và viêm cột sống dính khớp. Mỗi dạng có dấu hiệu nhận biết và ảnh hưởng khác nhau.
2. Phân loại, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
2.1. Viêm khớp vảy nến
Chính tên gọi đã cho thấy dạng viêm khớp này có tổn thương kết hợp giữa khớp và da. Ngoài khớp và da, đôi khi viêm khớp vảy nến cũng ảnh hưởng đến cột sống của trẻ. Viêm khớp vảy nến không phổ biến. Trẻ viêm khớp vảy nến thường nằm trong độ 9 – 12 tuổi, là trẻ nam hoặc 4 – 5 tuổi, là trẻ nữ. Nguyên nhân khởi phát viêm khớp vảy nến được xác định là di truyền. Khi bị viêm khớp vảy nến:
– Khớp bàn tay hoặc khớp gối trẻ viêm nhưng viêm không đối xứng, chỉ ở một trong hai bên; sự viêm ở khớp có thể lan tỏa ra các vùng xung quanh, làm các vùng này sưng, phù nề. Ngoài ra, nếu là nam giới, trẻ còn có thể bị đau thắt lưng, hạn chế vận động,…
– Da trẻ ở các vùng đầu, vai, nách, tay, chân, mông,… xuất hiện các mảng vảy nến màu trắng đục, ban đầu chỉ là các mảng nhỏ, sau đó mở rộng. Móng tay, móng chân trẻ tổn thương,…
Viêm khớp vảy nến có tổn thương kết hợp giữa khớp và da
2.2. Viêm đa khớp
Viêm đa khớp xuất hiện nhiều ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 16 tuổi. Bệnh phát sinh từ những nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, những yếu tố sau nhất định là có ảnh hưởng đến viêm đa khớp: Di truyền, khả năng miễn dịch của cơ thể, môi trường sinh trưởng,… Viêm đa khớp có tất cả 3 thể:
– Viêm đa khớp: Vêm đồng thời từ 5 khớp trở lên và viêm không đối xứng. Trẻ nữ viêm đa khớp nhiều hơn trẻ nam.
– Viêm màng hoạt dịch tăng sinh và viêm đối xứng: Chủ yếu xảy ra ở trẻ 7 – 9 tuổi.
– Viêm bao hoạt dịch khô: Một thể viêm đa khớp vô cùng nguy hiểm bởi chúng có khả năng kháng nhiều phương pháp điều trị. Trẻ hơn 7 tuổi là đối tượng dễ viêm bao hoạt dich khô hơn cả.
2.3. Viêm hệ thống
Tương tự viêm khớp vảy nến, viêm hệ thống không quá phổ biến ở trẻ nhỏ (chiếm 5 – 15% tổng số ca viêm khớp). Tuy nhiên, 1/3 trường hợp viêm hệ thống tàn phế vĩnh viễn do diễn biến bệnh phức tạp và điều trị không kịp thời. Viêm hệ thống có biểu hiện tương đối giống các bệnh lý nhiễm trùng. Cụ thể, dấu hiệu nhận biết viêm hệ thống là: Sốt (sốt kéo dài từ 2 tuần đến vài tháng, chỉ xuất hiện đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều); đau khớp; phát ban (ban đỏ màu hồng, nhạt dần từ trong ra ngoài, mọc tập trung ở các vùng nách, thân, bẹn,…); tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng tim,…; tổn thương hệ thống võng nội mô (nổi hạch, hạch sờ được, mềm, không đau, có thể di chuyển); gan phù nề, men gan tăng;…
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn điều trị cho trẻ viêm phổi đúng cách
Nổi hạch là một trong các dấu hiệu nhận biết viêm hệ thống
2.4. Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp hình thành chính xác do đâu vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, một số vi khuẩn như: Salmonella, Chlamydia, Shigella,… chính là nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp ở trẻ. Ngoài ra, viêm cột sống dính khớp có 2 yếu tố nguy cơ là giới tính và tuổi tác. Trẻ nam từ 6 tuổi có nguy cơ viêm cột sống dính khớp cao hơn những trẻ còn lại. Trẻ viêm cột sống dính khớp có những triệu chứng sau: Các khớp lớn đau vào buổi tối và cứng vào buổi sáng, các cơn đau thường xuất hiện ở chi dưới hơn là chi trên. Nếu không điều trị kịp thời, viêm cột sống dính khớp có thể tấn công khớp xương chậu hoặc các đốt sống cổ. Khi đó, trẻ sốt, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, mệt mỏi,…
3. Điều trị
Nếu được điều trị thích hợp, bệnh viêm khớp ở trẻ nhỏ có thể biến mất hoàn toàn, không để lại di chứng, trong một vài năm. Ngược lại, không được điều trị thích hợp, trẻ viêm khớp có thể tàn phế vĩnh viễn. Chính vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu viêm khớp, cho trẻ thăm khám với chuyên gia ngay.
Sau thăm khám, trẻ viêm khớp có thể sẽ được chuyên gia chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau:
– Vật lý trị liệu: Phương pháp này được thực hiện nhằm duy trì tối đa tầm vận động khớp của trẻ. Có nhiều phương pháp vật lý trị liệu, như: Sử dụng sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng hoặc tập luyện phục hồi chức năng,.. Tuy nhiên, khi trẻ viêm khớp nặng, vật lý trị liệu không còn là phương pháp điều trị phù hợp. Lúc này, trẻ được khuyến khích sinh hoạt bình thường nhưng ngoài ra, phải nghỉ ngơi hết mức có thể.
>>>>>Xem thêm: Bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp phổ biến
– Điều trị nội khoa: Trẻ sử dụng Aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác (như Ibuprofen, Naproxen) để cải thiện tình trạng sưng, phù nề khớp và các vùng xung quanh khớp. Nếu các thuốc đó không hiệu quả, chuyên gia sẽ chỉ định một số thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch mạnh hơn, như: Corticosteroid, Hydroxychloroquine hoặc Methotrexat.
– Điều trị ngoại khoa: Trường hợp trẻ viêm khớp nghiêm trọng, có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp hoặc chỉnh hình các khớp biến dạng.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ với bố mẹ những thông tin hữu ích cơ bản về bệnh viêm khớp ở trẻ nhỏ. Liên hệ ngay Thu Cúc TCI, nếu bố mẹ còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.