Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đau ruột thừa. Đối với trẻ em, đau ruột thừa xuất hiện phổ biến nhất trong độ tuổi 10 – 19. Để kịp thời điều trị, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của đau ruột thừa ở trẻ em, bố mẹ cần nhận biết được các triệu chứng bệnh.
Bạn đang đọc: Đau ruột thừa ở trẻ em: Nhận biết và xử trí
1. Khái niệm đau ruột thừa
Ruột thừa là một bộ phận của ống tiêu hóa, nằm tại ngã ba ruột non – ruột già, nối trực tiếp với manh tràng (đoạn đầu ruột già) và dài vài cm. Ruột thừa thường nằm ở bụng dưới. Trường hợp không nằm ở bụng dưới, ruột thừa sẽ nằm ở các vị trí khác lân cận, điển hình như ở giữa hoặc bên trái bụng.
Theo đó, đau ruột thừa thực chất là tình trạng tại ruột thừa, xuất hiện nhiễm trùng.
Ruột thừa nằm tại ngã ba ruột non – ruột già, nối trực tiếp với manh tràng
2. Nguyên nhân đau ruột thừa
Có 2 nguyên nhân dẫn đến đau ruột thừa: Thứ nhất là tắc nghẽn lòng ruột thừa và thứ hai là loét niêm mạc ruột thừa. Trong đó, tắc nghẽn lòng ruột thừa là nguyên nhân khởi phát đau ruột thừa phổ biến hơn.
– Tắc nghẽn lòng ruột thừa: Tình trạng tắc nghẽn lòng ruột thừa có thể phát sinh do các dị vật như thức ăn, ký sinh trùng, sỏi phân, khối u hoặc khối hạch phì đại. Khi lòng ruột thừa tắc nghẽn, dịch ruột thừa ứ đọng làm tăng áp lực lòng ruột thừa. Đồng thời, dịch ruột thừa ứ đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công thành ruột thừa. Cuối cùng, tất cả những hiện tượng đó, đưa đến bệnh lý đau ruột thừa (viêm ruột thừa tắc nghẽn).
– Loét niêm mạch ruột thừa: Bắt đầu từ niêm mạc ruột thừa, viêm xâm lấn các lớp phía dưới, làm phù nề thành ruột thừa và tắc nghẽn hệ thống mạch máu nuôi dưỡng ruột thừa. Cuối cùng, ruột thừa thiếu máu nuôi dưỡng và hoại tử (viêm ruột thừa xuất tiết).
3. Dấu hiệu nhận biết đau ruột thừa
Ở trẻ từ 2 tuổi, các triệu chứng đau ruột thừa thường gặp nhất là bụng dưới đau và sưng, nôn mửa. Trẻ lớn tuổi hơn có thể đau ở vùng gần rốn. Theo thời gian, cơn đau chuyển dần sang vùng bụng dưới bên phải. Trong phần lớn các trường hợp, đau bụng không thuyên giảm kể cả khi trẻ không vận động. Vận động thường khiến cho cơn đau trở nên trầm trọng hơn. Các triệu chứng đau ruột thừa khác mà trẻ có thể gặp bao gồm: Sốt nhẹ, chán ăn, cảm giác khó chịu ở bụng, chướng bụng, tiêu chảy,… Nếu ruột thừa bị vỡ, trẻ có thể bị sốt cao do nhiễm trùng lan rộng.
Tìm hiểu thêm: Nốt thủy đậu bị nhiễm trùng: Nhận biết thế nào, điều trị ra sao?
Trẻ có thể bị sốt cao do nhiễm trùng lan rộng nếu ruột thừa bị vỡ
4. Biến chứng đau ruột thừa
Đau ruột thừa là một cấp cứu ngoại, cần xử trí kịp thời để ruột thừa không hoại tử và vỡ ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn từ ruột thừa di chuyển vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu), suy đa tạng và tử vong. Muốn xử trí kịp thời đau ruột thừa, khi nghi ngờ trẻ đau ruột thừa, dù trẻ không có đủ các triệu chứng đau ruột thừa đã được liệt kê phía trên, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay.
5. Chẩn đoán và điều trị đau ruột thừa
5.1. Chẩn đoán đau ruột thừa ở trẻ em
Tại cơ sở y tế, trẻ được thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng để chẩn đoán đau ruột thừa.
– Thăm khám lâm sàng: Thăm khám lâm sàng đau ruột thừa, ngoài khai thác tiền sử và dấu hiệu bệnh lý, chuyên gia còn thực hiện một số kiểm tra vùng bụng như: Kiểm tra mức độ đau của bụng (chuyên gia dùng tay, ấn lên vùng đau; nếu phúc mạc lân cận cũng đang viêm, cơn đau sẽ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn), kiểm tra mức độ cứng của bụng, kiểm tra trực tràng dưới,…
– Thăm khám cận lâm sàng: Rất khó để chẩn đoán xác định triệu chứng đau bụng ở trẻ có phải là triệu chứng của đau ruột thừa hay không, chỉ thông qua thăm khám lâm sàng. Để chẩn đoán xác định đau ruột thừa, chuyên gia sẽ chỉ định trẻ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác, như: Xét nghiệm máu (xét nghiệm máu được thực hiện với mục đích định lượng bạch cầu, xác định tình trạng viêm), xét nghiệm nước tiểu (xét nghiệm nước tiểu được thực hiện với mục đích loại trừ nguyên nhân gây đau là do viêm hệ tiết niệu, sỏi thận), chụp X-quang bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ,…
>>>>>Xem thêm: Cắt bao quy đầu trẻ em khi nào cần thực hiện?
Để xác định tình trạng nhiễm trùng do đau ruột thừa, trẻ cần xét nghiệm máu
5.2. Điều trị đau ruột thừa ở trẻ em
Có 2 phương pháp điều trị đau ruột thừa, là: Phẫu thuật cắt ruột thừa – mổ hở và phẫu thuật cắt ruột thừa – mổ nội soi. Tùy tình trạng đau ruột thừa ở trẻ là nặng hay nhẹ, chuyên gia sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Theo đó, mổ hở là phương pháp được chỉ định cho trẻ đau ruột thừa nặng, tức ruột thừa đã vỡ, vi khuẩn đã di chuyển vào ổ bụng hoặc xung quanh ruột thừa đã xuất hiện áp xe. Chỉ có mổ hở, thông qua một đường 5 – 10cm được mở trên bụng trẻ, chuyên gia mới có thể làm sạch hoàn toàn khoang bụng cho trẻ. Việc làm sạch này thuật ngữ y khoa gọi là dẫn lưu áp xe trước mổ ruột thừa.
Những trường hợp còn lại, tức trường hợp đau ruột thừa nhẹ, trẻ sẽ được mổ nội soi. Trên bụng trẻ, chuyên gia sẽ mở một đường nhỏ hơn 5cm, rồi chèn các dụng cụ đặc biệt và một máy quay qua đường này để loại bỏ ruột thừa tổn thương. Giải quyết đau ruột thừa bằng phương pháp này, trẻ ít đau, hồi phục nhanh và ít để lại sẹo.
Phía trên là cách nhận biết và xử trí đau ruột thừa ở trẻ em. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ trước bệnh lý đau ruột thừa. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.