Sức khỏe không chỉ là nguồn vốn quý giá của mỗi người lao động mà còn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của mỗi công ty, doanh nghiệp. Không chỉ vậy, việc khám sức khỏe công ty còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu một vài vấn đề liên quan đến hoạt động này.
Bạn đang đọc: 3 điều bạn cần nắm rõ về khám sức khỏe công ty
1. Vì sao cần tổ chức khám sức khỏe doanh nghiệp? Thời gian bao lâu là phù hợp?
1.1. Quyền lợi và nghĩa vụ khi khám sức khỏe công ty
Các chuyên gia y tế cho rằng, mỗi công việc đều mang tới những nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật riêng biệt. Những nguy cơ này phụ thuộc khá nhiều vào tính chất công việc đó. Nếu bạn làm việc tại văn phòng, công việc có tiếp xúc nhiều với máy tính, ngồi lâu và ít vận động sẽ dễ dẫn đến các bệnh về thoái hóa xương khớp, máu nhiễm mỡ,… Còn với công nhân lao động nặng lại dễ gặp phải các bệnh về thính lực, thị lực, hô hấp, hay xương khớp,…
Vì vậy, việc doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giúp mỗi nhân viên thực sự nắm bắt trạng thái sức khỏe của mình, mà còn giúp cho công ty có sự sắp xếp, phân công lao động một cách hợp lý với khả năng và tình trạng sức khỏe để đảm bảo năng suất công việc.
Việc doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là hết sức cần thiết
Tổ chức khám sức khỏe doanh nghiệp không chỉ là một hình thức đánh giá và kiểm tra mức độ phù hợp của nhân viên mà còn là cách công ty đó thể hiện sự quan tâm đối với người lao động. Ngoài ra, đây cũng là một trong những bí quyết giúp bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực vững chắc cho công ty.
Việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên là trách nhiệm của mỗi công ty phải thực hiện với sức khỏe của người lao động. Do vậy, việc tổ chức các đợt khám sức khỏe định kỳ đều đặn không chỉ đơn giản là mong muốn của người lao động, nó còn trở thành nhu cầu chung của rất nhiều công ty, doanh nghiệp.
1.2. Khi nào doanh nghiệp nên tổ chức khám sức khỏe công ty?
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động hàng năm cần phải thực hiện tổ chức thăm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Thời gian khám tối thiểu giữa các đợt là 1 lần/năm. Bên cạnh đó, với những lao động có tính chất công việc nguy hiểm nặng nhọc, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thì ngoài tham gia vào các đợt khám định kỳ, họ còn đồng thời thực hiện khám bệnh nghề nghiệp với thời gian ít nhất 2 lần/năm.
Tìm hiểu thêm: Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao nhiêu tiền? – Giải đáp
Thời gian tối thiểu giữa các đợt khám sức khỏe doanh nghiệp là 1 lần/năm
2. Khám sức khỏe doanh nghiệp bao gồm những nội dung nào?
Khi tham gia vào các đợt thăm khám sức khỏe công ty, người lao động phải đảm bảo được kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe qua những nội dung (theo thông tư 14) như sau:
– Khám thể lực chung bao gồm: đánh giá chỉ số BMI, đo cân nặng, chiều cao, đo huyết áp, nhịp tim.
– Khám lâm sàng chuyên khoa bao gồm: Khám chuyên khoa mắt; Khám chuyên khoa nội; Khám phụ khoa cho nữ giới; Khám răng hàm mặt; Khám tai – mũi – họng,…
– Xét nghiệm máu và nước tiểu: Xét nghiệm máu bao gồm đánh giá các chỉ số như thành phần hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu. Ngoài ra có xét nghiệm men gan, chức năng thận, đường máu,… Việc xét nghiệm nước tiểu giúp bác sĩ đưa ra đánh giá về tình trạng viêm đường tiết niệu, viêm cầu thận,….
– Danh mục khám cận lâm sàng khác có thể kể đến đó là chụp X – quang tim phổi giúp đánh giá các bệnh lý như: lao phổi, u phổi, giãn phế quản, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh bụi phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…
Ngoài ra, tùy thuộc vào yêu cầu, mục đích đặc thù công việc mà các công ty có thể thực hiện thêm một số danh mục khác trong nội dung khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên như:
– Siêu âm ổ bụng, tuyến giáp, tuyến vú (ở nữ giới),…
– Cận lâm sàng chuyên sâu: điện tim đồ, điện não, đo loãng xương
– Các phương pháp xét nghiệm về marker ung thư
– Các xét nghiệm liên quan đến kiểm tra bệnh viêm gan B, HIV,…
>>>>>Xem thêm: Những điều bạn cần biết về trật khớp háng
Tùy thuộc vào mục đích, đặc thù công việc mà các công ty có thể thực hiện thêm một số danh mục khám khác
3. Những lưu ý trước khi tham gia khám sức khỏe công ty
Để đảm bảo kết quả chính xác và công tác thăm khám diễn ra một cách dễ dàng, người lao động nên chú ý một số vấn đề như sau:
– Buổi sáng trước khi khám, bạn không nên ăn sáng, không sử dụng các loại đồ uống có cồn, gas hay các chất kích thích, chỉ nên uống nước lọc để đảm bảo kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu không bị ảnh hưởng và đạt độ chính xác cao.
– Nếu gói khám sức khỏe của công ty bạn có bước siêu âm ổ bụng thì hãy nhớ uống nhiều nước, tốt nhất là nhịn tiểu đến khi siêu âm xong. Điều này sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ bàng quang, tử cung và hai bên buồng trứng đối với nữ giới hay tuyến tiền liệt đối với nam giới.
– Cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước ngày đi thăm khám để không làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát của bác sĩ.
– Nếu gói khám sức khỏe định kỳ cho công ty của bạn có tiến hành nội soi dạ dày, bạn nên nhớ nhịn ăn để quá trình thăm khám và quan sát diễn ra dễ dàng, thuận lợi.
– Với khám phụ khoa ở nữ giới, bạn không nên thực hiện khi đang trong kỳ kinh nguyệt, cũng hãy tránh quan hệ tình dục trước khi thăm khám.
– Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai sẽ không thực hiện danh mục chụp X – quang để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.