Hen suyễn hay nói cách khác là hen phế quản – một bệnh lý hay gặp nhất ở trẻ em và có xu hướng ngày càng gia tăng. Việc chẩn đoán hen ở trẻ thường ở giai đoạn muộn, nguyên nhân bởi nhiều cha mẹ lỡ bỏ qua các dấu hiệu hen suyễn ban đầu. Điều này dẫn đến hệ lụy như: trẻ phải nhập viện, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của trẻ, thậm chí gây tử vong.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ giúp nhận biết bệnh sớm
1. Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ
1.1. Hệ lụy nguy hiểm nếu bỏ qua dấu hiệu hen suyễn ban đầu
Hen suyễn là bệnh “quen mặt”, với tình trạng viêm mạn tính của đường thở. Tỷ lệ trẻ mắc hen suyễn cao gấp đôi so với người lớn.
Hiện nay, phần đông trẻ tới khám và chẩn đoán bệnh hen khi các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng. Khi được hỏi lí do thì nhiều cha mẹ thừa nhận đã bỏ lỡ các dấu hiệu khởi phát bệnh, cứ nghĩ sức khỏe trẻ bị ảnh hưởng do thay đổi thời tiết và sẽ đỡ hơn sau vài ngày.
Thực tế, bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể đưa đến những hệ quả xấu nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời:
– Suy hô hấp mạn hoặc suy tim mạn nếu bệnh kéo dài nhiều năm.
– Quá trình phát triển thể chất của trẻ bị ảnh hưởng: suy dinh dưỡng, biến dạng lồng ngực
– Ảnh hưởng đến phát triển tinh thần, khả năng tiếp thu: rối loạn cảm xúc, học kém do trẻ phải nghỉ học thường xuyên.
– Tốn kém thời gian điều trị, chi phí nhập viện, thuốc thang,…
– Tần suất lên cơn suyễn nhiều, tăng nguy cơ nhập viện, thậm chí là tử vong.
1.2. Các dấu hiệu hen suyễn có thể nghi ngờ
Do đó, việc để ý đến những bất thường ở trẻ để phát hiện sớm bệnh là rất quan trọng. Cha mẹ có thể nghi ngờ những dấu hiệu hen suyễn sau nếu trẻ:
– Ho tái đi tái lại nhiều lần, trở nặng hơn về ban đêm.
– Thở khò khè, có biểu hiện khó khăn trong mỗi nhịp thở. Dấu hiệu này rõ rệt hơn khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức,….
Có một số trường hợp trẻ mắc bệnh hen chỉ biểu hiện bằng những cơn ho về đêm mà không có triệu chứng nào khác, thậm chí ban ngày trẻ hoàn toàn bình thường. Đây được cho là một thể khá đặc biệt của bệnh – gọi là “hen dạng ho”. Do đó, hầu như cha mẹ nào cũng bỏ sót.
Nếu để ý, cha mẹ dễ nhận thấy trẻ có biểu hiện báo trước khi xuất hiện cơn hen như:
– Hắt hơi.
– Ngứa mắt mũi.
– Nổi mề đay.
Trẻ ho tái đi tái lại, ho dữ dội vào ban đêm
2. Nguyên nhân gây ra hen suyễn ở trẻ
Bệnh hen suyễn khởi phát và tiến triển do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như:
– Do di truyền: Trong gia đình có người mắc các bệnh dị ứng (dị ứng thời tiết, mề đay, mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng), đặc biệt là bố, mẹ thì tỷ lệ con cái mắc hen cao.
– Do cơ địa: Những trẻ đã bị viêm mũi dị ứng, thể tạng tăng tiết dịch, viêm phế quản co thắt có khả năng cao mắc bệnh hen. Hoặc theo thống kê thì có đến 60% trẻ bị chàm sữa có nguy cơ bị hen suyễn về sau.
– Do dị nguyên: Trẻ bị hen mãn tính dễ bị kích ứng và tái phát bệnh nếu tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, khói thuốc, bụi, lông động vật,…
– Do vi khuẩn, virus, nấm mốc.
3. Trẻ lên cơn hen suyễn – Cha mẹ cần làm gì?
Đối với trẻ đã từng được khám và chẩn đoán hen suyễn, cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Nếu dùng thuốc không thuyên giảm mà triệu chứng trở nặng hơn thì cha mẹ cần lưu ý cần cho trẻ đi cấp cứu ngay:
– Khi dùng thuốc cắt cơn nhưng trẻ vẫn khó thở hoặc có giảm bớt tạm thời và tái phát trở lại.
– Trẻ nói, giao tiếp với bố mẹ khó nhọc, không thể nói thành câu hoàn chỉnh.
– Trẻ mệt mỏi vì khó thở nhiều, phải ngồi một chỗ để thở.
– Cánh mũi phập phồng.
– Cơ thể tím tái.
Khi trẻ bị hen suyễn, cha mẹ cần chú ý đến các yếu tố tác động, kích thích cơn hen khởi phát:
– Không để cho trẻ tiếp xúc gần với động vật (chó, mèo), với khói thuốc lá, khói nhang,…
– Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh kỹ càng chỗ vui chơi, sinh hoạt của trẻ.
– Tránh dùng các loại xịt phòng như: nước hoa, thuốc xịt muỗi, côn trùng,…
– Thường xuyên giặt ga trải giường, chăn, gối bằng nước nóng và phơi khô ngoài nắng.
– Mở cửa sổ để lưu thông không khí, giữ cho không gian sinh hoạt của trẻ thông thoáng.
Tìm hiểu thêm: Chụp X-quang áp xe phổi và những lưu ý quan trọng cần biết
Cha mẹ cần mở cửa số ở nhà để không khí lưu thông, tránh dẫn tới ẩm mốc và kích thích cơn hen ở trẻ
4. Phòng ngừa các cơn hen suyễn ở trẻ
Cha mẹ hoàn toàn có thể dự phòng các cơn hen phế quản cho trẻ bằng những cách sau:
– Tiêm vacxin cúm hàng năm.
– Tránh xa những dị nguyên khởi phát cơn hen: khói thuốc, khói xe, khói bụi; nước hoa, thuốc xịt phòng,…
– Tuân thủ theo phác đồ điều trị, không được tự ý ngưng thuốc.
– Tái khám theo lịch hẹn được ghi trong sổ khám từ lần trước.
– Dặn trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
– Bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ và cần đảm bảo cân bằng, không bổ sung dư thừa một loại mà thiếu hụt các khoáng chất, vitamin còn lại.
– Sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài – Những loại thuốc kháng viêm dưới dạng xịt hoặc hít.
5. Khi nào cần cho trẻ sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài?
Đối với những trẻ bị bệnh hen suyễn không được kiểm soát tốt thì cần dùng thuốc cắt cơn hen mỗi ngày:
– Lên cơn hen nhiều hơn 1 lần mỗi tuần.
– Khó ngủ, tỉnh giấc giữa chừng vì cơn hen với tần suất nhiều.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về nang naboth buồng trứng, có cần điều trị?
Ngay khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra và nhận phác đồ điều trị phù hợp
Như vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể dự phòng hen suyễn cho trẻ để giảm tối đa biến chứng xảy ra, giúp trẻ có điều kiện thuận lợi đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần. Quan trọng hơn, việc để ý tới những dấu hiệu hen suyễn ban đầu là rất quan trọng. Cha mẹ không nên xem nhẹ bất kỳ triệu chứng nào dù là nhẹ nhất. Ngay khi thấy trẻ có biểu hiện khó khăn khi thở, ho liên tục và tần suất nhiều về đêm hoặc sáng sớm thì cha mẹ cần nghĩ tới ngay đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe của trẻ. Nếu chủ quan trước các dấu hiệu bất thường, trẻ có thể tăng nguy cơ nhập viện, thậm chí đe dọa tính mạng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.