Hen phế quản là một bệnh đường hô hấp nguy hiểm gây viêm và co thắt đường thở, dẫn đến khó thở, thở khò khè, tức ngực và ho. Chẩn đoán bệnh sớm và chính xác là rất quan trọng để có thể điều trị hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Cùng theo dõi bài viết sau về những phương pháp chẩn đoán hen phế quản để trang bị kiến thức cần thiết nhé!
Bạn đang đọc: Hiểu rõ các phương pháp chẩn đoán hen phế quản ở người lớn
1. Hen phế quản – bệnh lý hô hấp nguy hiểm cần được kiểm soát
1.1. Hiểu rõ về căn bệnh hen phế quản
Hen phế quản là bệnh đường hô hấp gây viêm niêm mạc phế quản và co thắt đường thở, khiến cho đường hô hấp trở nên hẹp hơn. Điều này gây ra các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, nặng ngực và ho. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, hen phế quản có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
Bệnh biến đổi theo mùa, nặng hơn khi thời tiết thay đổi hoặc người bệnh phải tiếp xúc với những tác nhân kích thích.
Hen phế quản là bệnh lý viêm đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm, co thắt và tăng tiết dịch nhầy ở đường thở
1.2. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hen phế quản
Nguyên nhân chính xác gây ra hen phế quản vẫn chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố được cho là có liên quan đến bệnh, bao gồm:
Di truyền
Hen phế quản có thể di truyền từ những người thân trong gia đình. Nếu một trong hai cha mẹ mắc hen phế quản hoặc có cơ , con cái của họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Dị ứng
Người bệnh có tiền sử dị ứng với các tác nhân như phấn hoa, lông động vật, nấm mốc, bụi nhà, bụi do sản xuất công nghiệp,… dễ bị mắc hen phế quản hơn so với những người bình thường.
Các yếu tố môi trường
Một số yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản, chẳng hạn như:
– Khói bụi, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí hoặc các chất gây dị ứng (bụi, mạt bụi, phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc hoặc thức ăn).
– Thực phẩm, chẳng hạn như đậu phộng, sữa, trứng, hải sản.
– Một số loại thuốc có thể là yếu tố khởi phát cho các cơn hen phế quản, chẳng hạn như aspirin hoặc penicillin.
– Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, cảm cúm,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Tìm hiểu thêm: Mách bạn cách massage giảm đau viêm xoang
Ô nhiễm không khí là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng hen phế quản
2. Các phương pháp thường áp dụng để chẩn đoán hen phế quản
2.1. Chẩn đoán hen phế quản dựa trên những triệu chứng lâm sàng
Hen phế quản có thể có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh. Các bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng biểu hiện ở người bệnh để đưa ra những chẩn đoán hoặc định hướng thăm khám phù hợp. Điều này còn giúp bác sĩ loại trừ các bệnh có triệu chứng tương đồng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, viêm phế quản co thắt, viêm đường hô hấp,…
Những triệu chứng thường gặp nhất khi bị hen phế quản bao gồm:
– Khó thở, thở khò khè do sự co thắt của đường hô hấp gây ra. Do sự viêm và co thắt trong đường hô hấp, âm thanh thở của người bệnh có thể trở nên khò khè, khàn và không đều. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở khi về đêm, theo mùa hoặc sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi).
– Cảm giác tức ngực hoặc nặng ngực là một trong những triệu chứng thường gặp khi bị hen phế quản. Đây là do sự co thắt của đường hô hấp gây ra áp lực lên các cơ và dây thần kinh trong ngực.
– Ho là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi bị hen phế quản. Ho có thể xảy ra vào ban đêm hoặc khi thay đổi thời tiết, và thường đi kèm với đàm hoặc đờm (đờm thường trong, quánh, dính).
Ngoài ra, người bệnh thường sẽ bị mất ngủ hoặc cảm thấy mệt mỏi do khó thở và các triệu chứng khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
2.2. Chẩn đoán hen phế quản bằng cách đo chức năng hô hấp
Bác sĩ thường chỉ định người bệnh thực hiện đo chức năng hô hấp khi đã có những nghi ngờ bệnh khi khám lâm sàng. Đây là phương pháp hữu ích trong việc chẩn đoán, đánh giá và theo dõi tắc nghẽn đường dẫn khí trong hen phế quản.
Quá trình đo chức năng hô hấp ở bệnh nhân hen phế quản diễn ra như sau:
– Đầu tiên người bệnh cần ngồi đúng tư thế, kẹp mũi.
– Tiếp đến, người bệnh hít thở sâu và sau đó thổi vào ống trên máy đo, thở ra nhanh, mạnh, kéo dài hết sức. Quá trình này có thể được lặp đi lặp lại cho đến khi đạt tiêu chuẩn.
– Sau đó, người bệnh xịt thuốc giãn phế quản và thực hiện đo lại.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm để gia tăng độ chính xác trong kết quả chẩn đoán, bao gồm:
– Xét nghiệm kích thích phế quản để đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở.
– Xét nghiệm dị ứng với các dị nguyên hô hấp thông thường để phát hiện tình trạng quá mẫn với các dị nguyên này.
– Xét nghiệm đo nồng độ Oxit Nitric trong khí thở ra (FENO).
>>>>>Xem thêm: Viêm phế quản co thắt và những điều cần biết
Đo chức năng hô hấp là một phương pháp không xâm lấn được sử dụng để đánh giá, chẩn đoán hen phế quản và theo dõi mức độ nghiêm trọng của bệnh
2.3. Chẩn đoán phân biệt hen phế quản với các bệnh lý khác
Ngoài ra, để xác định bệnh và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một vài kiểm tra khác như:
– Chụp X-quang tim phổi/ chụp cắt lớp vi tính để xác định tình trạng giãn phế quản.
– Chụp X-quang tim phổi và điện tâm đồ giúp xác định chẩn đoán tình trạng suy tim.
– Nội soi dạ dày thực quản có cản quang để chẩn đoán tình trạng trào ngược dạ dày, rò thực quản – khí quản,…
Tùy vào kết quả khi khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau dành cho từng người bệnh.
Để chẩn đoán hen phế quản, bác sĩ sẽ thực hiện nhiều phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và kiểm tra dựa trên triệu chứng của người bệnh. Việc chẩn đoán sớm và chính xác là rất quan trọng để điều trị và quản lý bệnh hiệu quả. Nếu bạn có những triệu chứng kể trên của hen phế quản, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.