Khám sức khỏe là hoạt động được các chuyên gia y tế khuyên người dân nên thực hiện định kỳ. Nhưng bạn đã biết việc khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần là hợp lý và tối ưu nhất hay chưa?
Bạn đang đọc: Bạn đã biết khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần hay chưa?
1. Mục đích khám sức khỏe định kỳ
Việc khám sức khỏe nhằm kiểm tra, đánh giá sức khỏe và phát hiện các nguy cơ bệnh lý. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bản thân một cách thường xuyên.
Đây là cách hiểu chung về khám sức khỏe định kỳ mà bạn sẽ dễ dàng tìm thấy trong bất kỳ bài viết nào. Nhưng trong bài viết này, để có thể làm rõ hơn về tần suất thăm khám định kỳ phù hợp với các đối tượng, chúng tôi sẽ phân chia mục đích khám sức khỏe định kỳ theo 2 đối tượng người khám sức khỏe dưới đây:
– Người chưa có tiền sử bệnh lý: Đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, phát hiện các bệnh lý khi chưa hoặc mới xuất hiện triệu chứng bất thường về sức khỏe
– Người đã điều trị bệnh: Theo dõi kết quả điều trị bệnh, kiểm soát nguy cơ biến chứng của bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát bệnh.
Mỗi người có một mục đích khám sức khỏe khác nhau
2. Nên đi khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần?
Việc khám sức khỏe định kỳ nên thực hiện bao nhiêu lâu 1 lần tùy thuộc vào tính trạng của từng người và chỉ định của bác sĩ.
2.1. Người bình thường nên đi khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên định kỳ khám sức khỏe đều đặn ít nhất 1 lần/năm. Việc khám định kỳ ngay cả khi cơ thể chưa có dấu hiệu bệnh có vai trò tầm soát các vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh ung thư. Việc khám sức khỏe định kỳ nên thực hiện bao lâu 1 lần còn tùy thuộc lớn vào độ tuổi, môi trường làm việc và sinh hoạt, tiền sử sức khỏe bản thân và gia đình người khám.
Tùy vào độ tuổi khi đến khám, ngoài các nội dung khám khám sức khỏe định kỳ, bạn nên chọn các dịch vụ khám và xét nghiệm các nguy cơ mắc bệnh theo lứa tuổi, cụ thể như sau:
– Ở độ tuổi 18 – 30: Nên tập trung khám và xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây bệnh cao như viêm gan B – C, các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, hoa liễu… Đồng thời, người trong độ tuổi này cũng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe tiền hôn nhân.
– Ở tuổi 30-40: Bạn nên khám tầm soát các bệnh lý thường xuất hiện sớm ở độ tuổi này, ví dụ như bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh gout… Nếu là nữ giới, bạn nên tầm soát ung thư phụ khoa.
– Ở tuổi trung niên: Nên khám tầm soát bệnh lý tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, loãng xương, bệnh thần kinh… Đây cũng là giai đoạn cơ thể dễ mắc nhiều loại ung thư nhất, vì thế người ở độ tuổi này cũng nên thực hiện tầm soát các bệnh lý ung thư phổ biến như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư vòm họng, ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới…
Tìm hiểu thêm: Bạn đã biết khám sức khỏe mất bao nhiêu tiền?
Người trung niên nên khám định kỳ thường xuyên để đảm bảo sức khỏe
Nếu bạn có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh dưới đây thì việc khám sức khỏe nên được thực hiện thường xuyên hơn, có thể là 2 lần/năm để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe:
– Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý như ung thư, tim mạch.
– Đối tượng thường xuyên sử dụng thuốc lá, uống nhiều rượu bia
– Người có lối sống ít vận động, ăn nhiều chất béo…
2.2. Nên khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần để theo dõi sau điều trị?
Với những bệnh lý lành tính, việc theo dõi sức khỏe thường chỉ là tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Các bệnh lý ác tính có đặc điểm là dễ tái phát trong khi bệnh mạn tính lại khó điều trị dứt điểm, dễ gây biến chứng. Do đó, với những bệnh lý này thì việc khám định kỳ là yếu tố tiên quyết để đảm bảo sức khỏe tốt cho người bệnh.
Trong 2 năm đầu sau điều trị, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định khám định kỳ 2 – 3 tháng/lần. Trong những năm kế tiếp, bạn có thể duy trì khám 6 tháng/lần. Đây chỉ là những con số mang tính tham khảo, trong thực tế, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả khám của người bệnh để có thể xác định tình trạng và chỉ định thời gian khám sức khỏe tiếp theo.
>>>>>Xem thêm: Khám sức khỏe gồm những gì? Vai trò của khám sức khỏe?
Người đã từng điều trị nên khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ
3. Chi phí khám sức khỏe định kỳ có đắt không?
Đây chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người, bởi để có thể duy trì việc khám sức khỏe đều đặn, bạn sẽ cần “đầu tư” khá nhiều về tài chính cũng như thời gian. Trên thực tế, mức chi phí khi khám sức khỏe định kỳ có mức dao động khá nhiều. Nếu chỉ lựa chọn những gói khám đơn giản và cơ bản như khi khám sức khỏe xin việc thì mức giá dịch vụ không hề đắt đỏ. Tất nhiên, với những gói khám cơ bản, bạn sẽ khó có thể tầm soát chuyên sâu hơn với các công nghệ mới để phát hiện được nhiều bệnh lý khác.
Với những gói khám nâng cao hơn, có nhiều danh mục khám chuyên sâu để khám tổng quát, toàn diện cơ thể thì mức giá cũng khá đắt đỏ với nhiều người. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định chi phí thực hiện khám sức khỏe định kỳ vẫn được xem là có mức giá “hời” khi so với chi phí điều trị bệnh ở giai đoạn cuối.
Trong trường hợp bạn không có điều kiện về tài chính nhưng vẫn muốn sàng lọc một số bệnh lý chuyên khoa, bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn khám sức khỏe chuyên sâu về bệnh lý đó. Ví dụ như dịch vụ khám tầm soát ung thư gan mật sẽ giúp bạn kiểm tra nguy cơ mắc các bệnh lý về gan thận, trong đó có ung thư.
Bên cạnh việc cân nhắc về thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ, bạn cũng đừng quên lựa chọn một cơ sở y tế chất lượng và uy tín. Một quyết định đúng đắn sẽ giúp bạn có được quá trình thăm khám thuận lợi, có kết quả nhanh chóng và chính xác.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.