Khám sức khỏe tổng quát bao gồm những gì là vấn đề mà nhiều người đang thắc mắc. Hiện nay, hoạt động thăm khám định kỳ là thói quen lành mạnh để giúp chúng ta có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh và hạnh phúc. Vậy hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những danh mục thăm khám thường có trong một gói khám tổng quát cơ bản nhé.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu khám sức khỏe tổng quát bao gồm những gì
1. Tại sao nên tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát?
Có thể nói, lối sống hiện đại như thức khuya, ăn uống thiếu khoa học, làm việc quá sức, căng thẳng cùng với tác động tiêu cực của môi trường sống (ô nhiễm, thực phẩm bẩn…) đã khiến cho nhiều người phải đối diện với nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp, đột quỵ, ung thư…
Do đó, việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp cho bản thân có cái nhìn chung nhất về tình trạng sức khỏe hiện tại. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán để phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh kịp thời và chuẩn xác, từ đó mang đến cơ hội chữa khỏi bệnh cao. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp cho bạn đánh giá và biết cách điều chỉnh lối sống sinh hoạt thường ngày, qua đó hạn chế các rủi ro gây nên bệnh tật trong tương lai.
Ở mọi độ tuổi, chúng ta cần chủ động tìm hiểu tiền sử bệnh lý của gia đình để xác định các rủi ro sức khỏe của bản thân, kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý và duy trì một lối sống, sinh hoạt lành mạnh. Theo các chuyên gia y tế, việc thăm khám sức khỏe tổng quát nên được thực hiện định kỳ khoảng 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần.
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp cho bản thân có cái nhìn chung nhất về tình trạng sức khỏe hiện tại
2. Khám sức khỏe tổng quát bao gồm những gì và lưu ý gì khi đi khám
2.1. Danh mục khám sức khỏe tổng quát bao gồm những gì?
Thông thường, trong gói khám sức khỏe tổng quát cơ bản sẽ bao gồm các danh mục sau:
Khám lâm sàng tổng quát
– Khám nội tổng quát
– Khám mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, ngoại khoa, da liễu
– Khám phụ khoa (đối với nữ)
Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng
– Siêu âm ổ bụng: Phát hiện các bệnh lý gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan mạn,…
– Điện tâm đồ: Nhằm giúp phát hiện một số bệnh lý về tim thường gặp.
– Chụp X-quang tim phổi: Giúp phát hiện các bệnh lý như viêm phế quản, viêm phổi, u phổi, lao phổi,…
Danh mục cận lâm sàng (bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu)
– Tổng phân tích máu 18 thông số: Phát hiện tình trạng thiếu máu và 1 số vấn đề về máu.
– AST (GOT), ALT (GPT): Đánh giá chức năng gan.
– Định lượng Bilirubin toàn phần, Bilirubin gián tiếp, Bilirubin trực tiếp,: Giúp đánh giá sự chuyển hóa Bilirubin mật.
– GGT: Giúp đánh giá về tổn thương gan.
– Glucose: Giúp đánh giá lượng đường có trong máu, phát hiện bệnh đái tháo đường.
– Xét nghiệm HbA1c: Đánh giá lượng đường gắn với hemoglobin trong tế bào hồng cầu trong vòng 3 tháng.
– Kiểm tra Ure máu, Creatinin máu: Giúp đánh giá chức năng của thận.
– Kiểm tra Uric acid máu: Giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh Gout.
– Tổng phân tích nước tiểu tự động: Giúp phát hiện các bệnh lý viêm cầu thận, viêm đường tiết niệu,…
– Cùng một số chỉ số quan trọng khác…
Ngoài ra, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: giới tính, tuổi tác, tiền sử bệnh lý,… mà hiện nay nhiều bệnh viện còn xây dựng thêm các gói khám nâng cao toàn diện (bổ sung thêm nhiều danh mục thăm khám chuyên sâu khác) để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tìm hiểu thêm: Khám sức khỏe định kỳ hết bao nhiêu tiền? Khảo sát thực tế
Nên tiến hành thăm khám định kỳ từ 1-2 lần/năm
2.2. Lưu ý khi đi khám sức khỏe tổng quát bao gồm những gì?
– Không ăn sáng, không uống các chất có đường, gas hoặc sử dụng chất gây nghiện như trà, cà phê … để đảm bảo kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu được chuẩn xác.
– Nếu tiến hành siêu âm ổ bụng tổng quát, bạn cần uống nhiều nước và nhịn tiểu cho tới khi siêu âm bụng xong (bởi nước tiểu trong bàng quang sẽ giúp bác sĩ quan sát được rõ ràng toàn bộ thành bàng quang, tử cung và hai buồng trứng – đối với nữ hoặc quan sát tuyến tiền liệt và túi tinh – đối với nam).
– Nữ giới không tiến hành khám phụ khoa nếu trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai.
– Phụ nữ có gia đình tránh việc quan hệ tình dục trước ngày thăm khám (nếu có danh mục khám phụ khoa).
– Phụ nữ mang thai không thực hiện danh mục chụp X-quang.
– Đối với trường hợp siêu âm phụ khoa bằng đầu dò, bạn cần tiểu hết để cho bàng quang rỗng nhằm giúp bác sĩ dễ dàng quan sát tử cung và phần phụ.
– Hãy vệ sinh cơ thể, tai, mũi, họng, vùng kín sạch sẽ nhằm không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và quan sát của bác sĩ khi thực hiện thăm khám.
– Tùy vào từng độ tuổi, giới tính, bệnh sử và nhu cầu của từng cá nhân để lựa chọn gói khám cho phù hợp.
– Tùy thuộc vào từng lứa tuổi, sức khỏe để lựa chọn thời gian khám định kỳ như 6 tháng/lần, 1 năm/lần,… theo tư vấn của bác sĩ.
– Trong khi khám, nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm những phương pháp thăm khám chuyên sâu hơn.
– Có đa dạng các gói khám sức khỏe vì vậy bạn cần lựa chọn gói khám nào phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu của bản thân, đồng thời đừng quên tham khảo ý kiến tư vấn của nhân viên y tế để có thể quyết định một cách chính xác.
>>>>>Xem thêm: Nên khám bệnh tiền mãn kinh ở đâu tại Hà Nội?
Đừng quên lắng nghe chỉ dẫn của nhân viên y tế để buổi thăm khám đảm bảo kết quả chính xác
Khám sức khỏe tổng quát nhằm giúp bạn đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của mình thông qua việc đánh giá chức năng của hầu hết các cơ quan ở trong cơ thể, đồng thời giúp bạn sớm phát hiện các bệnh lý nếu có. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu, bạn cũng đừng quên duy trì hoạt động này hàng năm để bảo vệ sức khỏe của mình nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.