Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ: Nhận biết và điều trị

Thoát vị bẹn, thường xuất hiện ở trẻ nam và trẻ sơ sinh thiếu tháng, là một bệnh lý bẩm sinh, ảnh hửng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ thông tin về bệnh lý này, đừng bỏ lỡ, bố mẹ nhé!

1. Khái niệm

Thoát vị bẹn là tình trạng ống phúc tinh (ở trẻ nam) hoặc ống nuck (ở trẻ nữ) thông từ ổ bụng xuống bẹn trẻ không đóng mà mở, làm dịch ổ bụng hoặc dịch ruột chạy từ ổ bụng xuống bẹn, tạo thành một khối phồng lớn.

Thông thường, ở những tháng cuối thai kỳ hoặc những tháng đầu sau sinh, ống phúc tinh/ống nuck của trẻ sẽ đóng tự động. Trẻ càng lớn, ống phúc tinh/ống nuck càng khó tự động đóng. Ngoài nguyên nhân bẩm sinh, ống phúc tinh/ống nuck đã đóng của trẻ cũng có thể mở lại nếu trẻ rặn quá nhiều trong một đợt táo bón hoặc trẻ ho liên tục thời gian dài.

Thoát vị bẹn ở trẻ có thể phát sinh ở cả 2 bên nhưng tỷ lệ thoát vị bẹn bên phải là nhiều hơn so với bên trái.

2. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ, bố mẹ có thể nhận biết thông qua những dấu hiệu sau:

– Thứ nhất: Ở bẹn trẻ xuất hiện một khối phồng lớn. Ở trẻ nam, khối phồng này lan từ bẹn đến bìu. Ở trẻ nữ, khối phồng này lan từ bẹn đến mu – môi lớn. Khi trẻ bất động, rất khó phát hiện khối phồng này, bởi với bản chất là khối thoát vị (dịch ổ bụng hoặc dịch ruột), khi đó, khối này sẽ chui lại ổ bụng, bẹn trẻ sẽ quay lại bình thường. Khi trẻ di chuyển, có thể là khi trẻ chơi, khóc, ho, rặn,… khối phồng sẽ lộ diện.

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ: Nhận biết và điều trị

Khối phồng xuất hiện khi bẹn trẻ thoát vị

– Thứ hai: Khối phồng mềm, không đau và có thể được kéo – đẩy,…

– Thứ ba: Trường hợp thoát vị bẹn nặng, khối phồng bị nghẹt, không chui lại ổ bụng được. Lúc này, trẻ trướng và đau bụng dữ dội, táo bón, buồn nôn hoặc nôn,…

3. Biến chứng

Như đã đề cập phía trên, thoát bị bẹn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ, có thẻ biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cụ thể, một số biến chứng của thoát vị bẹn, từ đơn giản đến phức tạp, chúng ta có thể kể đến là: Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón); ảnh hưởng đến tinh hoàn ở trẻ nam (gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn); ảnh hưởng đến buồng trứng ở trẻ nữ; hoại tử ruột do ruột hoặc mạc treo ruột bị kẹt tại vùng cổ túi hoặc bị xoắn, máu không lưu thông.

4. Chẩn đoán và điều trị

Để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, khi có dấu hiệu thoát vị bẹn, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để trẻ được thăm khám và điều trị bệnh là vô cùng cần thiết.

4.1 Chẩn đoán thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ

Chẩn đoán thoát vị bẹn chủ yếu được thực hiện thông qua thăm khám lâm sàng, bởi dấu hiệu nhận biết bệnh lý này là rất điển hình. Ngoài thăm khám lâm sàng, trẻ còn có thể sẽ được chuyên gia chỉ định thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như: Siêu âm ổ bụng, CT hoặc MRI.

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ: Nhận biết và điều trị

Để chẩn đoán xác định thoát vị bẹn, trẻ có thể sẽ phải chụp cộng hưởng từ

4.2. Điều trị thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ

Đối với bệnh thoát vị bẹn, cách điều trị hiệu quả là phẫu thuật. Trong trường hợp chưa thể phẫu thuật ngay, trẻ sẽ được băng ép bên thoát vị; sau đó phẫu thuật sẽ được tiến hành. Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn là: Mổ hở và mổ nội soi. Đối với mổ hở, sau khi đẩy ruột và các cơ quan trong khối thoát vị về đúng vị trí của chúng, chuyên gia sẽ rạch một đường khoảng 2cm tại nếp da gấp ở bụng dưới rồi kiểm tra và thắt ống phúc tinh/ống nuck. Đây là phương pháp tồn tại nhiều hạn chế, như: Không thể cùng lúc quan sát bẹn còn lại của trẻ nên có thể xử lý sót tình trạng thoát vị, có thể để lại sẹo, có thể biến chứng. Khắc phục được những khuyết điểm này của mổ hở, mổ nội soi là phương pháp được đông đảo phụ huynh lựa chọn ở thời điểm hiện tại.

Sau phẫu thuật, thời gian nằm viện điều trị của trẻ trung bình là hai ngày. Trong quá trình nằm điều trị tại viện, bố mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.

4.2.1. Về ăn uống

Bố mẹ cần cho trẻ ăn uống bình thường, tăng cường các thực phẩm mềm, dễ nuốt, ít chất béo như cơm, bánh mì, sữa chua…; nên cho trẻ uống nhiều nước; tránh cho trẻ ăn những thực phẩm chua, cay, quá nóng, quá lạnh, các đồ uống có ga.

Thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ: Nhận biết và điều trị

Trẻ thoát vị bẹn nên ăn nhiều sữa chua

4.2.2. Về sinh hoạt

Bố mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi và hạn chế vận động mạnh; cần khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng mỗi ngày để làm lưu thông máu. Trẻ cần tránh chạy, nhảy, đạp xe nhiều vì có thể khiến vết mổ lâu lành hơn.

4.2.3. Về vệ sinh vết mổ

Thường xuyên vệ sinh vết mổ bằng nước ấm hoặc xà bông diệt khuẩn; có thể băng bó vị trí mổ bằng băng gạc và thay băng thường xuyên.

4.2.3. Về sử dụng thuốc

Sau phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ em, trẻ có thể phải sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh… Bố mẹ cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc. Không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ.

Sau xuất viện, bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ tại nhà và tái khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để kịp thời xử trí.

Phía trên là toàn bộ thông tin cơ bản về thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ bố mẹ nhất định phải biết. Nếu còn thắc mắc, liên hệ Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *