Viêm amidan mãn tính là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng. Bệnh có xu hướng kéo dài và rất dễ tái phát, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe.
Bạn đang đọc: Viêm amidan mãn tính: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
1. Thế nào là viêm amidan mãn tính?
Amidan là tổ chức bạch huyết nằm ở phía sau cổ họng, vị trí giao nhau giữa đường thở và đường ăn. Bộ phận này được ví như cửa ngõ quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp. Chức năng chính của amidan là ngăn chặn sự tấn công của vi sinh vật đối với cơ thể. Ngoài ra, cơ quan này còn có chức năng tiết ra kháng thể tự nhiên để giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Viêm amidan mạn tính là hiện tượng amidan bị nhiễm trùng dai dẳng, tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần. Bệnh có thể hình thành các túi nang bên trong amidan và chứa vi khuẩn. Sỏi amidan (còn được gọi là bã đậu amidan) có màu trắng hoặc vàng chứa một lượng lớn sulfa bên trong và thường có mùi hôi. Sỏi này sẽ gây cảm giác khó chịu, nuốt đau và vướng víu cho người bệnh. Viêm amidan mạn tính có thể gặp ở nhiều lứa tuổi trong đó trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng mắc cao hơn so với người trưởng thành.
Viêm amidan mạn tính là hiện tượng amidan bị nhiễm trùng dai dẳng, tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần
2. Giúp bạn nhận biết dấu hiệu và nguyên nhân của bệnh viêm amidan mạn
2.1. Mắc viêm amidan mãn tính sẽ xuất hiện những dấu hiệu dưới đây
Các triệu chứng của viêm amidan mạn tính thường khởi phát âm thầm nhưng dai dẳng. Các triệu chứng điển hình của bệnh này bao gồm:
– Khó thở khi ngủ.
– Các hạch bạch huyết sưng to và gây đau ở cổ.
– Amidan phì đại.
– Viêm amidan.
– Hôi miệng kéo dài.
– Đau cổ họng.
– Khàn tiếng
– Mất giọng, khó nuốt
– Cảm giác vướng víu ở cổ họng.
Viêm amidan mạn tính thường chỉ gây các triệu chứng tại chỗ và rất ít phát sinh các triệu chứng toàn thân như sốt, sưng hạch bạch huyết hoặc mệt mỏi. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên bạn hãy tìm đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm xoang mạn tính: Cẩn trọng các biến chứng
Khàn tiếng, đau rát cổ họng là những dấu hiệu điển hình của viêm amidan
2.2. Viêm amidan mãn tính nguyên nhân do đâu?
Viêm amidan mạn tính gây nên bởi rất nhiều các tác nhân:
– Vi khuẩn: Các liên cầu β tan huyết nhóm A, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, S.pneu hemophilus và các chủng ái khí,… đều là tác nhân gây nên viêm amidan ở người.
– Virus sởi, cúm, ho gà cũng có khả năng gây nên bệnh lý này.
Ngoài ra, viêm amidan mạn tính còn gây nên bởi một số yếu tố thuận lợi như:
– Thời tiết thay đổi đột ngột.
– Do đặc điểm giải phẫu có nhiều hốc, kẽ tạo điều kiện trú ẩn và phát triển cho vi khuẩn.
– Do ăn quá nhiều đồ cay nóng, hút thuốc là và thường xuyên uống rượu bia.
– Các ổ viêm nhiễm ở miệng, họng như: Viêm lợi, viêm xoang, sâu răng,…
– Do cơ địa dị ứng và sức đề kháng kém.
Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng có thể gây nên bệnh viêm amidan mạn.
3. Điều trị viêm amidan mạn tính như thế nào?
Viêm amidan mãn tính có thể điều trị được thông qua nhiều phương pháp. Mỗi bệnh nhân sẽ được áp dụng phương pháp điều trị riêng phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý. Một số giải pháp được áp dụng bao gồm:
– Mẹo dân gian: Đa phần phương pháp chữa trị bằng dân gian có thể sử dụng những nguyên liệu từ tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn, giảm đau, tiêu đờm như mật ong, gừng, tỏi, diếp cá,….
– Điều trị bằng phương pháp Tây y: Đây là phương pháp điều trị bảo tồn nhằm cải thiện triệu chứng nhanh chóng và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc như: Kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, tiêu sưng,… Các loại thuốc này chỉ giúp điều trị nhanh các triệu chứng viêm amidan mạn, tuy nhiên sau khi dừng không sử dụng thuốc bệnh có thể tái phát. Ngoài ra, thuốc cũng có những tác dụng phụ nhất định, do đó khi sử dụng bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ.
– Cắt amidan: Đây là giải pháp giúp ngăn ngừa bệnh lý tái phát hiệu quả và được đánh giá là khá tích cực đối với bệnh nhân viêm mãn tính. Tuy nhiên, bệnh nhân viêm amidan mạn có thể áp dụng phương pháp này hay không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, diễn biến bệnh lý và sự cân nhắc của bác sĩ chuyên khoa. Một số phương pháp được áp dụng để loại bỏ khối amidan như: Laser, Sluder, mổ siêu âm, Coblator,…
>>>>>Xem thêm: Trước khi cắt amidan cần chuẩn bị gì?
Cắt amidan là giải pháp giúp ngăn ngừa bệnh lý tái phát hiệu quả
4. Chủ động phòng ngừa viêm amidan mạn tính với các cách sau
Đặc trưng của tình trạng viêm amidan mạn tính là sự viêm nhiễm kéo dài và dễ tái phát. Ngoài trường hợp phẫu thuật cắt bỏ amidan thì các trường hợp điều trị bảo tồn đều có khả năng tái phát trở lại. Do đó, bạn nên chủ động điều trị để ngăn ngừa bệnh lý này. Một số phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả:
– Điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến hô hấp như: Viêm họng, viêm xoang, cảm cúm, viêm phế quản,…
– Súc miệng với nước muối để sát khuẩn và giảm cảm giác khó chịu.
– Vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng cả trước và sau khi ăn.
– Giữ gìn vệ sinh răng miệng đều đặn 2 lần/ ngày để loại bỏ vi khuẩn, dị nguyên trong khoang miệng.
– Chủ động đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là những môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi.
– Loại bỏ một số thói quen gây hại như uống đồ lạnh, nói nhiều, ngủ há miệng, hút thuốc lá,…
– Cần giữ ấm cơ thể vào thời tiết lạnh, đặc biệt là vùng cổ.
– Tập luyện thể dục kết hợp với chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.
– Không sử dụng chung vật dụng cá nhân (bài chải đánh răng, thìa, đũa,…) với người khác.
Viêm amidan mạn tính có tính chất dai dẳng, khó điều trị và dễ dàng tái phát. Do đó, cần áp dụng song song những biện pháp điều trị và các phương pháp phòng ngừa để hạn chế mắc bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.