[Theo Suckhoedoisong.vn] Thoái hóa khớp là tình trạng hư hỏng phần sụn, đệm giữa hai đầu xương có kèm theo phản ứng viêm và giảm sút lượng dịch nhày giúp bôi trơn, do đó gây đau và cứng khớp. Nếu ở châu Âu, thoái hoá khớp gặp chủ yếu ở tay thì ở nước ta, thoái hoá khớp chủ yếu là ở khớp gối, khớp háng, trong đó khớp gối là nhiều nhất.
Bạn đang đọc: Để thoái hóa khớp không còn là nỗi ám ảnh
Căn bệnh “trẻ không tha – già không thương”
Theo WHO, thoái hóa khớp là nguyên nhân gây tàn tật phổ biến nhất ở người lớn tuổi. chiếm 50% toàn bộ gánh nặng bệnh cơ xương khớp. Ước tính trên toàn thế giới có khoảng 9,6% nam giới và 18,0% phụ nữ trên 60 tuổi bị thoái hóa khớp có triệu chứng. Nếu như trước đây, thoái hóa khớp được coi là căn bệnh của người già thì hiện nay, không ít người khoảng hơn 20 tuổi đến 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp.
- Thoái hóa khớp gối phổ biến nhất (ảnh minh họa)
Ngồi chờ khám Cơ xương khớp tại Hệ thống Y tế Thu Cúc, chị Nguyễn Thị G.- 30 tuổi – cho biết: “Tôi làm việc ở văn phòng, cả ngày chỉ ngổi một chỗ. Tháng trước bỗng nhiên thấy đau mỏi cổ, quay trước sau đều thấy đau, có lúc đau lan cả xuống cánh tay. Tôi đã bôi đủ loại thuốc xoa bóp rồi dán cả cao dán không đỡ. Đồng nghiệp bảo có thể tôi bị thoái hóa khớp nên chở đi khám xem thế nào.”
Cũng như chị G., Anh Trần Thanh H. – 37 tuổi chia sẻ về bệnh cơ xương khớp mình gặp phải: “ Anh bị thoái hóa khớp cổ tay và cột sống chỉ vì tập tạ không đúng cách. May mà đi khám sớm, gặp bác sĩ giỏi và tận tâm nên bệnh đã đỡ hơn rất nhiều. Bây giờ anh cứ chăm chỉ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thôi.”
Theo Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan – Bác sĩ tại Hệ thống Y tế Thu Cúc: “Tôi từng khám và điều trị cho rất nhiều người trẻ bị thoái hóa khớp. Đa phần là do họ có thói quen ăn uống, vận động, các tư thế làm việc không phù hợp. Trong đó, nguyên nhân hay gặp nhất là tư thế làm việc. Ngoài ra, phụ nữ cũng có nguy cơ thoái hóa khớp và mức độ bệnh cũng thường nặng hơn nam giới.”
Nguy cơ hàng đầu gây tàn phế
Nếu không được điều trị kịp thời, người bị thoái hóa khớp có nguy cơ tàn phế rất cao. Theo WHO, khoảng 80% bệnh nhân thoái hóa khớp có những hạn chế trong vận động và 25% không thể thực hiện các hoạt động thường ngày.
Tìm hiểu thêm: Viêm khớp mắt cá chân: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
- Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ tàn phế (ảnh minh hoạ)
Cũng theo bác sĩ Kim Loan, nếu như ban đầu, các dấu hiệu chỉ đơn thuần là mỏi khớp, đôi khi có cơn đau khớp thì đến giai đoạn sau, mức độ đau đã nặng hơn rất nhiều. Các khớp dần mất đi khả năng chịu lực và bị hạn chế vận động. Theo thời gian, người bệnh không thể thực hiện được hoạt động bình thường như: đi lại, sinh hoạt hàng ngày… nguy hiểm nhất là tàn phế.
Giải pháp hiệu quả cho người thoái hóa khớp
Với người không may mắc thoái hóa khớp, cần có chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thường xuyên, vật lý trị liệu với các bài tập tăng cường cơ bắp, giữ cân nặng hợp lý. Bên cạnh đó, cần tránh các hoạt động khiến cho khớp chịu tải nặng và đột ngột như nhảy, chạy, chơi cầu lông, bóng chuyền…
Tùy từng vị trí thoái hóa, mức độ thoái hóa, tuổi tác, thể trạng và mong muốn người bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Phổ biến nhất là sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc quá lâu mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ dễ gặp nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa; gây hại lên sụn khớp, gây biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc, nhiễm khuẩn khớp, làm trầm trọng thêm quá trình thoái hoá khớp về lâu dài.
>>>>>Xem thêm: Các nguyên nhân dẫn đến chứng còi xương ở trẻ
- Bác sĩ Loan thăm khám cho khách hàng tại Hệ thống Y tế Thu Cúc
Tiêm chất nhờn Acid hyaluronic (AH) vào khớp được coi là phương pháp điều trị hiệu quả trên hầu hết bệnh nhân thoái hóa khớp. AH là hợp chất có trong cơ thể người tác dụng như một chất bôi trơn cho sụn khớp, tổ chức da, mắt, gân, cơ… Khi khớp bị thoái hóa, lượng AH giảm. Việc bổ sung AH vào khớp giúp phục hồi dịch khớp, độ nhờn, cải thiện đáng kể chức năng hoạt động của khớp; ức chế việc thoái hóa sụn khớp do tăng hoạt tính men chuyển hóa, tăng sinh tổng hợp tế bào sụn. Không phải uống thuốc nên không lo hại dạ dày, không phải mổ, không có biến chứng, hiệu quả giảm đau kéo dài tới 6 tháng cho 1 liệu trình… là những tác dụng tuyệt vời mà phương pháp này mang lại.
Bác sĩ Kim Loan cho biết thêm, mặc dù thoái hóa khớp dẫn đến đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống, tuy nhiên rất nhiều người bệnh chủ quan và chỉ đến khi bệnh nặng mới đi khám. Lúc này, việc trị bệnh trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do vậy mà việc thăm khám sớm được coi là chìa khóa quyết định hiệu quả điều trị. Người bệnh cũng nên lưu ý lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ chuyên khoa giỏi, có cơ sở vật chất hiện đại, phòng thủ thuật đảm bảo công nghệ vô khuẩn, vô trùng… để việc điều trị đạt kết quả tối ưu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.