Một trong những “cú ngoặt” đầu đời mà ba mẹ nào cũng từng chứng kiến khi con “trưởng thành” đó là lúc trẻ bị sốt mọc răng. Khi con bị sốt mọc răng có thể kèm theo nhiều biểu hiện như ho, sốt, khó chịu, chảy nước dãi… điều này khiến trẻ không chịu ăn uống, mệt mỏi, quấy khóc. Vậy ba mẹ nên làm gì khi con bị sốt mọc răng? Hãy lắng nghe những chia sẻ từ chuyên gia.
Bạn đang đọc: Trẻ bị sốt mọc răng, bố mẹ nên làm như thế nào?
1. Trẻ nhỏ mọc răng khi nào?
Một trong những “cú ngoặt” đầu đời đánh dấu sự “trưởng thành” của trẻ nhỏ là khi con mọc răng.
Theo đúng trình tự phát triển thì trẻ nhỏ thường bắt đầu mọc chiếc răng “sữa” đầu tiên khi con ở tháng thứ 6. Sau 12 tháng có khoảng 6 chiếc răng và đến khi trẻ được 24 tháng, con sẽ “đầy một hàm răng sữa” với khoảng 20 chiếc (gồm 10 chiếc “nhỏ xíu” ở hàm trên và 10 chiếc “xinh xinh” ở hàm dưới). Và hành trình mọc răng của trẻ thường hoàn thiện khi bé được 3 tuổi.
Tuy nhiên thời gian mọc răng ở mỗi bé là khác nhau vì còn phụ thuộc vào thể chất của từng trẻ. Có bé chỉ mới 4-5 tháng tuổi đã nhú chiếc răng sữa đầu tiên, nhưng cũng có bé đến gần 1 tuổi con mới bắt đầu mọc răng.Vì vậy, nếu trong khoảng thời gian trẻ dưới 1 tuổi mà ba mẹ chưa thấy con mọc chiếc răng nào thì mẹ cũng đừng quá lo lắng.
2. Các biểu hiển khi trẻ bị sốt mọc răng
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân, nhận biết và cách trị sâu răng cửa phù hợp
Con bị sốt mọc răng thường sốt nhẹ và kèm theo nhiều biểu hiện như ngứa lợi, hay cắn đồ vật, chảy nước dãi, quấy khóc,..
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống y tế Thu Cúc cho biết: việc trẻ bị sốt mọc răng dường như bé nào cũng phải trải qua. Mỗi bé sẽ có thể có những biểu hiện khác nhau, có bé sốt cao, có bé chỉ hơi sốt nhưng đa số trẻ bị sốt khi mọc răng sẽ không quá nguy hiểm, vì vậy trước hết mẹ không nên quá lo lắng.
Trẻ bị sốt khi mọc răng có thể sốt 38 độ C (được gọi là sốt vừa), trên 38 độ C, thậm chí có bé còn có thể sốt đến 39 độ C, tuy nhiên số lượng trẻ nhỏ sốt cao khi mọc răng là không nhiều. Nhưng khi trẻ sốt cao thì ba mẹ cần đặc biệt chú ý.
Khi mọc răng trẻ còn có các biểu hiện như bứt dứt, khó chịu, quấy khóc, chảy nước dãi, nhiều trẻ khi mọc răng thường chảy nước miếng. Khi mọc răng bé thích ngậm một vật nào đó trong miệng vì ngứa lợi, do đó con có thể thích cắn, nhai vật gì đó. Ngoài ra khi trẻ bị sốt mọc răng, con có thể kèm theo đi ngoài phân lỏng và dân gian ta thường hay gọi là trẻ “bị đi tướt mọc răng”.
Nếu ba mẹ quan sát miệng bé sẽ thấy nướu, lợi của con có thể bị sưng đỏ. Điều này khiến trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, và con hay đưa ngón tay hoặc đồ chơi vào miệng tại chỗ răng đang nhú lên để cắn. Các biểu hiện này thường xảy ra khoảng 3-5 ngày cho đến khi răng trẻ nhú lên.
3. Ba mẹ cần làm gì khi con bị sốt mọc răng?
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bánh – Bác sĩ chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống y tế Thu Cúc cho biết: khi trẻ mọc răng và có biểu hiện sốt, ba mẹ cần chú ý theo dõi con, cặp nhiệt độ thường xuyên để xem thân nhiệt của bé.
Nếu con sốt dưới 38,5 độ C thì chưa cần cho con uống thuốc hạ sốt, ba mẹ hãy áp dụng một số biện pháp giúp hạ nhiệt cho trẻ như chườm nước ấm, đặc biệt nên lau tại các vị trí nách, bẹn, cổ của bé. Cởi bỏ bớt quần áo trên người bé, cho con mặc quần áo thoáng mát để nhiệt độ có thể dễ dàng thoát ra bên ngoài. Cho trẻ bú nhiều hơn để tránh con bị thiếu nước, hay đói, mệt.
Nếu trẻ ăn ngoài hoàn toàn không bú mẹ, ba mẹ cũng nên cho con uống nhiều sữa. Khi pha sữa cho con ăn không nên pha nóng, nên pha nguội một chút để làm mát vùng lợi đang bị sưng trong miệng con. Đối với những trẻ đang ăn dặm, ba mẹ nên cho bé ăn các đồ ăn mát, để nguội và cho con ăn các đồ ăn mềm, loãng, dễ nuốt.
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ C ba mẹ hãy cho con uống thuốc hạ sốt loại paracetamol với hàm lượng phù hợp với trẻ nhỏ, thường từ 10-15 mg/kg cân nặng. Đồng thời áp dụng các biện pháp như trẻ bị sốt dưới 38,5 độ C nêu trên, nếu thấy trẻ không có biểu hiện tốt hơn, thân nhiệt không cải thiện, con vẫn quấy khóc, không chịu ăn uống,… ba mẹ cần đưa con đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp điều trị hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân bị vôi răng và cách dự phòng
Khi trẻ mọc răng và sốt mà mẹ thực hiện các biện pháp như chườm ấm, uống hạ sốt mà trẻ không đỡ hãy cho con đến thăm khám với bác sĩ.
Ngoài ra khi con bị sốt mọc răng các bác sĩ Nhi khoa cũng khuyến cáo, ba mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm đã được giặt sạch. Nên làm sạch nướu cho trẻ sau khi trẻ bú hoặc ăn. Mẹ có thể tự dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu cho con. Nên cho trẻ uống một chút nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong để làm sạch vùng nướu, miệng của con.
Tuyệt đối không nên cho trẻ chơi các đồ chơi hình dạng vuông, sắc cạnh vì bé rất “hiếu động” và con có thể nhai bất cứ vật gì, như vậy sẽ dễ làm tổn thương nướu lợi của con.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.