Thoái hóa khớp là căn bệnh xương khớp phổ biến với nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi. Trong đó, bệnh thoái hóa thường gặp nhất chính là thoái hóa khớp gối.
Bạn đang đọc: Thoái hóa khớp gối và các triệu chứng cảnh báo bệnh
1. Triệu chứng bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp bị hao mòn, thay đổi hình thái hoặc mất sụn khớp. Nguyên nhân của tình trạng này đa số là do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tổng hợp và tiêu sụn hoặc xương dưới sụn.
Khi phần sụn gối bị thoái hóa, các xương gối sẽ mất đi lớp đệm, khiến các xương va chạm, ma sát nhiều hơn khi tiếp xúc với nhau. Vì thế, người mắc bệnh thoái hóa khớp sẽ cảm thấy những cơn đau khi vận động, khu vực đầu gối có thể bị sưng tấy. Trường hợp nặng, bệnh sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng đi lại bình thường của người bệnh.
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến của bệnh:
– Cảm giác đau buốt ở khớp gối và đặc biệt đau ở khe khớp gối bên trong. Cơn đau xuất hiện khi ngồi xổm, đứng thẳng, đi bộ, lên xuống cầu thang hay khi vận động. Khi nghỉ ngơi, cảm giác đau giảm.
– Có tiếng kêu lạo xạo trong khớp khi cử động gối.
– Đầu gối sưng tấy.
– Khớp gối có thể bị biến dạng, đa số sẽ bị vẹo vào trong. Khi khớp gối đã bị biến dạng, việc co duỗi chân hoặc những cử động đơn giản thì người bệnh cũng khó có thể thực hiện được.
– Nếu chụp X-quang, hình ảnh sẽ cho thấy khớp gối bị xơ, các khe khớp bị hẹp hoặc các gai xương.
Thoái hóa khớp thường gặp ở người sau 45 tuổi
2. Những phương pháp điều trị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là việc suy giảm chức năng vận động của người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần chú ý theo dõi triệu chứng và thăm khám kịp thời để có thể điều trị bệnh sớm, tránh biến chứng sau này.
2.1. Nguyên tắc khi điều trị thoái hóa khớp gối
Y học hiện đại đã có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh thoái hóa khớp và tất cả đều dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản dưới đây:
– Giảm đau cho người bệnh, giúp phục hồi và duy trì khả năng vận động. Can thiệp giảm đau cũng giúp hạn chế, ngăn ngừa biến dạng khớp gối.
– Làm chậm quá trình thoái hoá phần sụn khớp. Vì cơ chế của bệnh thoái hóa khớp chính là sự mất cân bằng của quá trình tổng hợp – tiêu sụn nên để có thể điều trị triệt để bệnh, các phương pháp cần phải can thiệp được cơ chế thoái hóa khớp.
2.2. Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối
– Điều trị nội khoa: Việc sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm được xem là cơ bản trong điều trị viêm khớp gối. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng thêm một số các loại thuốc đặc hiệu có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh và hình thái của sụn khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tiêm để giúp giảm sưng hoặc bôi trơn khớp gối.
– Vật lý trị liệu: Những bài tập để khớp gối hoạt động đúng chức năng là một phần không thể thiếu trong liệu trình điều trị bệnh thoái hóa khớp. Tùy theo tình trạng, mức độ tổn thương của khớp gối mà người bệnh sẽ được trải nghiệm các bài tập khác nhau. Ngoài ra, một số biện pháp vật lý trị liệu khác cũng có thể được chỉ định để làm tăng hiệu quả trị liệu, ví dụ như: chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, điều trị bằng các dòng điện giảm đau, sóng siêu âm,…
Tìm hiểu thêm: Trường hợp nào có thể chọc dò khớp gối?
Vật lý trị liệu là phương pháp phổ biến dùng để điều trị bệnh thoái hóa khớp
– Phẫu thuật: Đa số những người bị viêm hay thoái hóa khớp sẽ không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nặng và các phương pháp điều trị khác không cho hiệu quả thì phẫu thuật sẽ là phương pháp được cân nhắc. Có nhiều cấp độ phẫu thuật tùy vào tình trạng bệnh: loại bỏ mảnh sụn khớp, cắt xương đầu gối hoặc thay thế khớp gối.
– Phương pháp điều trị thay thế: Những phương pháp này được sử dụng để hỗ trợ hiệu quả của những phương pháp điều trị chính. Dựa vào tình trạng của người bệnh, bạn có thể được yêu cầu giảm cân để giảm áp lực trọng lượng dồn lên khớp gối, đeo đai hỗ trợ, sử dụng nạng,…
3. Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa khớp
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống không phù hợp có thể làm tăng lượng enzyme phá hủy collagen và các protein có vai trò duy trì sụn khớp. Vì thế, cùng với việc điều trị, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả trị liệu.
Người mắc bệnh thoái hóa hoặc viêm khớp gối nên ăn những thực phẩm cung cấp các axit béo thiết yếu như các loại cá nước lạnh (cá hồi, cá trích, cá thu,…). Bạn cũng cần bổ sung chất chống oxy hóa với các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi,…
Rau tươi, đặc biệt là các loại rau họ cải, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt cũng rất tốt cho người bị thoái hóa khớp. Nước hầm xương có hàm lượng collagen cao giúp duy trì các khớp khỏe mạnh.
>>>>>Xem thêm: Đau xương mu ở phụ nữ Nguyên nhân của hiện tượng này
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp hỗ trợ hiệu quả điều trị bệnh thoái hóa khớp
Bên cạnh những loại thực phẩm tốt, người bệnh cũng nên chú ý tránh xa những loại thực phẩm dưới đây để hạn chế tình trạng bệnh.
– Thực phẩm chiên rán, đồ chứa nhiều dầu mỡ
– Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt cừu…
– Đường và tinh bột chuyển hóa nhanh (cơm trắng, bún, phở,…)
– Rượu bia
– Dầu bắp
– Thực phẩm chứa nhiều muối: thịt xôi khói, đồ muối chua, các thực phẩm chế biến sẵn…
Thống kê cho thấy bệnh thoái hóa khớp đầu gối có tỷ lệ gây tàn tật lên tới 25% ở người lớn tuổi. Và xu hướng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa bởi lối sống ít vận động của giới trẻ hiện nay. Nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời, bệnh thoái hóa khớp có thể gây bại liệt chi dưới, khiến người bệnh mất khả năng lao động và đi lại. Do vậy, người bệnh cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu thoái hóa khớp để phòng ngừa biến chứng của bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.