Viêm tụy cấp là một dạng rối loạn vô cùng nghiêm trọng với tỷ lệ gây tử vong trung bình từ 5-15% tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Cùng tìm hiểu sinh lý bệnh viêm tụy cấp về cơ chế và các nguyên nhân gây dẫn tới bệnh lý nguy hiểm này.
Bạn đang đọc: Sinh lý bệnh viêm tụy cấp: Cơ chế và các nguyên nhân gây bệnh
1. Sinh lý bệnh viêm tụy cấp
1.1. Cơ chế và triệu chứng viêm tụy cấp
Men tụy được tuyến tụy sản xuất ra để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Ban đầu, men tụy ở thể không hoạt động, chúng chỉ được hoạt hóa khi bắt đầu tới tá tràng. Tuy nhiên, có thể đến từ nguyên nhân tác động nào đó, men tụy bị hoạt hóa sớm ngay tại tuyến tụy và gây ra hiện tượng tự hủy mô tụy dẫn tới tình trạng viêm tụy cấp.
Các triệu chứng chính nhận biết bệnh viêm tụy cấp là:
– Đau bụng trên, cơn đau dữ dội và lan nhanh ra sau lưng
– Buồn nôn, nôn. Kể cả khi nôn hết thức ăn thì cơn đau bụng cũng không thuyên giảm
– Sốt
– Chướng bụng
– Ăn uống kém đi.
Đau bụng dữ dội là dấu hiệu của bệnh viêm tụy cấp.
1.2. Các thể của viêm tụy cấp
Dựa trên lâm sàng, bệnh viêm tụy cấp xảy ra ở 3 thể chính:
– Viêm tụy cấp thể phù nề
– Viêm tụy cấp thể xuất huyết
– Viêm tụy cấp thể hoại tử
Đây là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, diễn tiến bệnh nhanh và phức tạp kèm theo hàng loạt các biến chứng nặng, tỷ lệ gây tử vong cao. Đặc biệt, viêm tụy cấp thể hoại tử có tỷ lệ gây tử vong lên tới 90-95%.
2. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy cấp nhưng có thể điểm danh 3 nguyên nhân chính gây bệnh gồm có do rượu, sỏi mật và chỉ số mỡ máu cao.
2.1. Sinh lý bệnh viêm tụy cấp do rượu
Khi nồng độ rượu trong máu tăng cao sẽ khiến tuyến tụy tăng cường sản xuất men tụy. Thêm nữa, rượu cũng làm tăng tính thẩm thấu ở thành ống tụy. Từ đó, men tụy sẽ tiếp xúc với nhu mô tụy nhiều hơn và dẫn tới tình trạng tự hủy tế bào tuyến tụy, khởi phát quá trình viêm tụy cấp. Cần lưu ý rằng, mỗi lần bạn uống rượu quá mức đều tiềm ẩn nguy cơ bị viêm tụy cấp.
Tìm hiểu thêm: Viêm gan C có chữa được không? Người bệnh nên ăn gì?
Uống nhiều rượu bia là nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp.
2.2. Sinh lý bệnh viêm tụy cấp do sỏi túi mật
Khi sỏi ở ống mật chủ di chuyển có thể làm tắc ống mật khiến dịch mật bị trào ngược vào bên trong ống tụy. Lúc này, pH dịch tụy sẽ trở nên kiềm hơn giống với pH ở tá tràng và vô tình làm men tụy hoạt hóa sớm ngay tại ống tụy. Kết quả, men tụy tự phá hủy tế bào tuyến tụy gây ra viêm tụy cấp.
Các trường hợp viêm tụy cấp do sỏi túi mật có thể phải tiến hành phẫu thuật cắt túi mật để giải quyết phần sỏi gây tắc nghẽn và phòng tránh viêm tụy cấp tái phát.
2.3. Sinh lý bệnh viêm tụy cấp do mỡ máu cao
Viêm tụy cấp do người bệnh có chỉ số mỡ máu triglycerid cao chiếm khoảng 7% trong các trường hợp mắc bệnh. Cụ thể, khi nồng độ mỡ máu vượt ngưỡng 1.000mg/dL (>11,3 mmol/L) sẽ kéo theo nguy cơ viêm tụy cấp cực cao, hoạt động theo 2 cơ chế:
– Triglyceride cao sẽ khiến nồng độ chylomicrons máu cao: Nồng độ chylomicrons cao cùng với kích thước lớn sẽ làm tắc nghẽn mao mạch tụy, dẫn tới thiếu máu đến nuôi dưỡng mô tụy. Hậu quả là dẫn tới hoại tử và tình trạng toan hóa máu. Đây cũng là dấu hiệu của viêm tụy cấp.
– Phân hủy triglyceride thành axit béo tự do: Nồng độ triglyceride tăng cao sẽ tác dụng nhanh với men lipase của tuyến tụy và tạo thành các dạng axit béo tự do với nồng độ cao. Khi đó, các tế bào của tuyến tụy sẽ bị nhiễm độc, kết quả hình thành các tổn thương tại chỗ và gây ra viêm tụy cấp.
3. Cảnh báo biến chứng nghiêm trọng của viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp có diễn tiến bệnh rất nhanh cùng nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
– Suy thận: Viêm tụy cấp có thể gây biến chứng suy thận thậm chí trường hợp nặng còn cần phải lọc máu
– Tổn thương phổi: Viêm tụy cấp ảnh hưởng đến quá trình trao đổi khí tại phổi và gây thiếu oxy máu.
– Nhiễm trùng: Đây là biến chứng viêm tụy cấp đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, nhất là là viêm tụy cấp thể hoại tử nhiễm trùng.
– Nang giả tụy: Viêm tụy cấp làm tích tụ các chất lỏng và những mảnh vụn trong các túi giống như nang tuyến tụy. Khi một nang giả lớn bị vỡ ra có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như chảy máu, nhiễm trùng.
– Suy dinh dưỡng: Tuyến tụy bị viêm sẽ sản xuất enzyme ít đi và điều này làm hoạt động tiêu hóa thức ăn kém theo. Hậu quả là khiến người bệnh bị tiêu chảy, sụt cân nhanh và suy dinh dưỡng.
– Viêm tụy mãn tính: Viêm tụy cấp tái đi tái lại nhiều lần sẽ tiến triển thành viêm tụy mãn tính. Viêm tụy mãn tính tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc ung thư tuyến tụy.
4. Hướng dẫn xử lý trường hợp nghi ngờ viêm tụy cấp
Với trường hợp nghi ngờ viêm tụy cấp, người bệnh cần được đưa ngay tới các cơ sở y tế uy tín để tiến hành cấp cứu kịp thời. Người bệnh thực hiện các chẩn đoán cần thiết và nhanh chóng tiến hành các bước điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tránh trường hợp để bệnh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Gan nhiễm mỡ nên ăn gì nhanh hết bệnh và tốt cho sức khỏe?
Người bệnh cần chủ động thăm khám khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ viêm tụy cấp.
Điều trị viêm tụy cấp cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng với đó là sự hỗ trợ từ trang thiết bị máy móc hiện đại và tiến hành đúng quy trình. Quy trình điều trị viêm tụy cấp sẽ yêu cầu nhiều bước diễn ra song song cùng lúc, cụ thể gồm có:
– Bù dịch, bù điện giải
– Kiểm soát cơn đau
– Giảm bài tiết tuyến tụy
– Nâng đỡ dinh dưỡng
– Sử dụng đúng kháng sinh
– Điều trị biến chứng nếu có
– Lọc máu
– Can thiệp ngoại khoa khi cần
Hiểu về sinh lý bệnh viêm tụy cấp từ cơ chế, nguyên nhân và triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc xử lý và phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Trên hết, bạn cần duy trì một lối sống khoa học, một chế độ dinh dưỡng hợp lý để có một sức khỏe tốt để đẩy lùi bệnh tật.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.