Bệnh viêm phế quản cấp và những biến chứng đáng lo ngại

Bệnh viêm phế quản cấp là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến, đặc biệt trong mùa lạnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này cũng như những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về viêm phế quản cấp, nguyên nhân, triệu chứng và các biến chứng đáng lo ngại để bạn có cái nhìn tổng quan và biết cách phòng tránh hiệu quả.

1. Tổng quan về bệnh viêm phế quản cấp

Bệnh viêm phế quản cấp (tiếng Anh là Acute bronchitis) là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở niêm mạc phế quản – những ống dẫn khí từ khí quản đến phổi. Đây là một trong những bệnh đường hô hấp thường gặp, đặc biệt vào mùa đông xuân khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm phế quản cấp nằm trong số các bệnh đường hô hấp cấp tính có tỷ lệ trẻ mắc và tử vong cao (khoảng 10 – 20%). Tại Việt Nam, có 3 – 7% trẻ em mắc bệnh này (phổ biến hơn vào mùa lạnh).

Bệnh viêm phế quản cấp và những biến chứng đáng lo ngại

Hình ảnh minh họa tình trạng viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp ở trẻ nhỏ thường kéo dài vài ngày cho đến vài tuần (tùy trường hợp). Nếu không can thiệp kịp thời, càng về sau bệnh càng tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Do đó, việc nắm rõ thông tin về bệnh là rất cần thiết để có biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.

2. Nguyên nhân, triệu chứng viêm phế quản cấp ở trẻ em

2.1. Nguyên nhân trẻ dễ mắc bệnh viêm phế quản cấp

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến viêm phế quản cấp, trong đó phổ biến nhất là:

– Virus: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản cấp, chiếm khoảng 90% các trường hợp. Các loại virus thường gặp bao gồm: Virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), rhinovirus, coronavirus,…

– Vi khuẩn: Một số loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis cũng có thể gây viêm phế quản cấp. Tuy nhiên, các trường hợp này ít gặp hơn so với nguyên nhân do virus.

– Các tác nhân kích thích: Khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất độc hại, không khí ô nhiễm cũng có thể gây kích ứng đường hô hấp và dẫn đến viêm phế quản cấp.

– Yếu tố thời tiết: Thay đổi thời tiết đột ngột, nhiệt độ xuống thấp cũng là yếu tố thuận lợi gây viêm phế quản cấp.

2.2. Nhận biết dấu hiệu trẻ mắc bệnh viêm phế quản cấp

Khi bị viêm phế quản cấp, trẻ thường có một số biểu hiện đặc trưng như là:

– Ho: Đây là triệu chứng nổi bật nhất của bệnh viêm phế quản cấp. Ở giai đoạn đầu, trẻ thường chỉ ho khan, nhưng sau một vài ngày sẽ chuyển sang ho có đờm. Cơn ho có thể kéo dài và gây khó chịu.

– Khó thở: Người bệnh có cảm giác khó thở, thở nhanh, thở nông do đường thở bị thu hẹp.

– Đau ngực: Cảm giác đau tức ngực, đặc biệt khi ho hoặc hít thở sâu.

– Sốt: Thường sốt nhẹ dưới 38.5°C, kèm theo ớn lạnh.

– Mệt: Trẻ bỏ ăn, uể oải, không muốn tham gia hoạt động gì.

– Đờm: Đờm có thể trong, trắng hoặc vàng xanh tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

– Khò khè: Tiếng khò khè khi thở ra do đường thở bị thu hẹp.

Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và đáp ứng với điều trị.

3. Top 6 biến chứng đáng lo ngại của bệnh viêm phế quản cấp

Mặc dù bệnh viêm phế quản cấp thường tự khỏi sau một thời gian, nhưng nếu không được điều trị đúng cách hoặc kéo dài, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ:

4.1. Biến chứng viêm phổi

Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ em. Vi khuẩn hoặc virus gây bệnh viêm phế quản có thể xâm nhập sâu xuống phổi. Từ đó, chúng gây viêm nhiễm nhu mô phổi một cách nhanh chóng.

Bệnh viêm phế quản cấp và những biến chứng đáng lo ngại

Viêm phế quản cấp có thể biến chứng thành viêm phổi

Lúc này trẻ thường:

– Đau ngực nhiều khi ho hoặc hít sâu

– Sốt kéo dài 3 – 5 ngày, thân nhiệt thường trên 38 độ C

– Thở nhanh hơn, cảm giác luồng khí đến phổi thiếu, có tiếng ran, rít khi thở.

– Ho nặng kéo dài, kèm theo đờm đặc màu vàng hoặc xanh ở cổ họng và mũi.

– Lạnh run, ra mồ hôi trộm về đêm, tim đập nhanh do phản ứng với viêm.

– Bị tím tái môi, móng tay do thiếu oxy.

Biến chứng viêm phổi có thể gây suy hô hấp nặng, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, trẻ có hệ miễn dịch suy yếu. Bố mẹ cần cho trẻ nhập viện theo dõi ngay khi thấy các triệu chứng nêu trên.

4.2. Suy hô hấp

Trong trường hợp nặng, bệnh viêm phế quản cấp có thể dẫn đến suy hô hấp. Tình trạng này xảy ra khi phổi không thể trao đổi khí hiệu quả, gây thiếu oxy trong máu. Suy hô hấp cần được điều trị khẩn cấp và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Bố mẹ hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi thấy trẻ có biểu hiện:

– Thở nhanh, nông, khò khè, tức ngực, khó thở khi gắng sức và sau đó khó thở cả lúc nghỉ ngơi.

– Da tái nhợt, môi tím, đầu ngón tay và chân đều thâm tím (thiếu oxy).

– Mất tập trung, đau đầu, uể oải.

Tim đập nhanh, chỉ số huyết áp lên xuống thất thường.

– Ho nhiều hơn, đặc biệt khi về đêm, đờm đặc hơn và đổi màu.

– Sốt cao

4.3. Nhiễm trùng huyết

Trong một số trường hợp hiếm gặp, vi khuẩn gây bệnh viêm phế quản cấp có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng và suy đa cơ quan. Bố mẹ cần để ý các dấu hiệu sau đây ở trẻ:

– Sốt cao trên 38.5 độ, kéo dài không giảm sau khi điều trị viêm phế quản.

– Ho ra đờm có lẫn máu (đây là dấu hiệu nhiễm trùng nặng).

– Thở nông, nhanh, hơi thở ran rít, thiếu không khí, đau ngực.

– Nhịp tim tăng cao bất thường ngay cả khi hạ sốt.

– Choáng váng, chóng mặt vì bị tụt huyết áp.

– Trẻ mơ hồ, khó tỉnh táo, mất ý thức hoặc không muốn cử động.

– Da tái lạnh và ẩm do máu kém lưu thông.

– Tiểu ít (có thể là biểu hiện suy thận cấp).

Bệnh viêm phế quản cấp và những biến chứng đáng lo ngại

vi khuẩn gây bệnh viêm phế quản cấp có thể xâm nhập vào máu

4.4. Tràn dịch màng phổi

Viêm phế quản cấp có thể gây tích tụ dịch trong khoang màng phổi, dẫn đến tràn dịch màng phổi. Tình trạng này gây khó thở, đau ngực và cần được can thiệp y tế kịp thời. Biểu hiện tràn dịch màng phổi sau viêm phế quản cấp ở trẻ như sau:

– Trẻ đặc biệt khó thở nghiêm trọng khi nằm xuống.

– Khi hít thở sâu hoặc ho, cơn đau ngực trở nên dữ dội hơn.

– Con ho kèm theo đờm hoặc không nhưng rất dữ dội và khó kiểm soát.

– Trẻ mệt và yếu rõ rệt, sốt cao hơn viêm phế quản đơn thuần.

– Bằng việc sử dụng ống nghe, bác sĩ phát hiện tiếng rì rào trong phế năng giảm hoặc mất tại vùng có dịch.

– Nếu gõ vào lồng ngực, những vùng có dịch sẽ phát ra âm thanh đục.

– Khi đặt tay lên ngực và yêu cầu trẻ nói, có thể cảm nhận vùng có dịch sẽ có rung thanh giảm.

– Khi bệnh kéo dài, trẻ mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến suy nhược và sụt cân.

4.5. Biến chứng của bệnh viêm phế quản gây xẹp phổi

Khi đờm tích tụ quá nhiều trong phế quản, có thể gây tắc nghẽn đường thở và dẫn đến xẹp một phần phổi. Xẹp phổi làm giảm khả năng trao đổi khí và gây khó thở nghiêm trọng. Khi bị biến chứng này, trẻ có biểu hiện:

– Trẻ khó thở nhiều ngay cả khi không vận động gì, tiếng thở ran rít.

– Tim đập nhanh do thiếu oxy

– Thân nhiệt tăng hơn khi bị viêm phế quản thông thường.

– Da, môi, móng tay tím hoặc xanh nhợt nhạt.

– Đau ngực dữ dội khi ho, hít thở mạnh, chụp X-quang ngực thấy dấu hiệu xẹp phổi.

– Xét nghiệm khí máu động mạch phát hiện nồng độ oxy máu giảm.

– Cơ thể mệt mỏi.

Bệnh viêm phế quản cấp và những biến chứng đáng lo ngại

Hình ảnh X-quang phổi bị biến chứng

4.6. COPD – biến chứng tắc nghẽn phổi mãn tính

Nếu trẻ bị viêm phế quản cấp tái phát nhiều lần hoặc kéo dài, có thể dẫn đến tổn thương phế quản và phổi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở biến chứng này, trẻ có biểu hiện:

– Tăng tần suất các đợt viêm phế quản trong năm (từ 2 – 3 lần trở lên).

– Khó thở ngay cả khi triệu chứng viêm phế quản đã giảm

– Ho dai dẳng trên 3 tháng hoặc trong 2 năm liên tục.

– Trẻ ngại vận động, tham gia các hoạt động thường ngày.

– Thường xuyên thở khò khè, không chỉ trong đợt viêm phế quản.

– Thường xuyên bị nặng ngực, tức ngực, chức năng hô hấp suy giảm,chỉ số FEV1 giảm.

Bất cứ biến chứng nào của viêm phế quản cấp đều nguy hiểm. Bố mẹ nên cho trẻ nhập viện điều trị ngay cho đến khi khỏi bệnh.

Bệnh viêm phế quản cấp tuy phổ biến nhưng không nên xem nhẹ, đặc biệt là những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Việc hiểu rõ về bệnh, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Nếu trẻ có dấu hiệu viêm phế quản cấp, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng và gây ra các biến chứng không mong muốn. Với sự quan tâm đúng mức và điều trị phù hợp, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả, giúp bạn nhanh chóng hồi phục và tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *