Biểu hiện viêm phế quản ở trẻ thường dễ bị nhầm lẫn với viêm phổi do có nhiều điểm tương tự. Đây là hai bệnh lý đường hô hấp dưới rất phổ biến, hầu hết các bé đều gặp phải. Bài viết sau sẽ chỉ ra chi tiết triệu chứng bệnh viêm phế quản và giúp bố mẹ phân biệt rõ với viêm phổi.
Bạn đang đọc: Nhận biết biểu hiện viêm phế quản, phân biệt với viêm phổi
1. Bệnh viêm phế quản và biểu hiện viêm phế quản điển hình
1.1. Tổng quan về bệnh
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em chủ yếu do virus xâm nhập vào hệ hô hấp, làm ống phế quản bị viêm. Biểu hiện viêm phế quản xuất hiện khi dịch nhầy ứ đọng trong lòng đường ống dẫn khí, ngăn cản con đường đưa oxy đi vào phổi và đẩy cacbonic ra ngoài.
Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ nhỏ và những người hay hút thuốc lá hoặc sinh sống, làm việc trong bầu không khí ô nhiễm dễ mắc hơn cả.
Viêm phế quản xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em chiếm phần nhiều
Virus viêm phế quản phát triển mạnh trong điều kiện môi trường mát mẻ. Vì vậy, mùa đông và đầu xuân (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) là giai đoạn cao điểm của bệnh. Những em bé dưới 24 tháng có hệ miễn dịch non yếu hoặc có tiền sử mắc bệnh đường hô hấp có nguy cơ mắc rất cao. Tỷ lệ trẻ mắc viêm phế quản trong năm đầu đời lên đến 11%.
Viêm phế quản được chia làm 2 thể bệnh chính là thể cấp tính và mãn tính. Trong đó, thể cấp tính có khả năng chữa khỏi sau vài ngày đến vài tuần. Còn viêm phế quản mãn tính thường kéo dài nhiều tháng và thường hay tái phát trong nhiều năm.
1.2. Biểu hiện viêm phế quản điển hình ở trẻ
Ở những mức độ bệnh khác nhau, triệu chứng viêm phế quản của các bé có thể khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu viêm phế quản điển hình xuất hiện ở hầu hết mọi trường hợp.
– Ho kéo dài: Ho là triệu chứng điển hình và chủ yếu của viêm phế quản, nhưng cũng là biểu hiện phổ biến ở các bệnh viêm đường hô hấp. Đặc điểm cơn ho của bệnh viêm phế quản là quá trình chuyển đổi từ ho khan sang ho có đờm. Cơn ho kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí vài tháng (nếu bị mãn tính). Thời điểm sau khi ngủ dậy buổi sáng, cơn ho thường nặng nhất.
– Thở khò khè, khó thở: Trẻ gắng sức để thở, tiếng thở khò khè, rít lên khi hít và thở. Kèm theo đó là cảm giác tức ngực, nặng ngực.
– Trẻ suy nhược: Sau nhiều ngày đối mặt với tình trạng viêm nhiễm, trẻ mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán vận động.
– Sốt nhẹ: Đa phần các trường hợp trẻ viêm phế quản thường sốt dưới 38 độ, kèm theo cảm giác ớn lạnh và đổ mồ hôi về đêm.
– Đau họng, nghẹt mũi: Trẻ ho nhiều dẫn đến đau rát họng, đồng thời bị đau đầu nhẹ, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Tìm hiểu thêm: Trẻ viêm phế quản khó thở cần được cấp cứu kịp thời
Biểu hiện viêm phế quản ở trẻ khá giống với bệnh viêm phổi
2. Phân biệt biểu hiện viêm phế quản với viêm phổi ở trẻ nhỏ
Biểu hiện viêm phế quản khá giống với viêm phổi ở chỗ: Trẻ đều có các triệu chứng ho, tức ngực, sốt, chảy nước mũi, hít thở có tiếng rít, trẻ suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, bố mẹ có thể phân biệt được hai bệnh này dựa trên đặc điểm của từng triệu chứng. Cụ thể:
– Về mức độ nghiêm trọng: Triệu chứng viêm phế quản thường nhẹ hơn và tiến triển từ từ, còn triệu chứng viêm phổi xuất hiện đột ngột và thường nặng hơn.
– Về đặc điểm cơn ho: Trẻ viêm phế quản ho kéo dài nhưng không quá dữ dội. Khi bị viêm phổi, cơn ho dữ dội, có thể khiến trẻ đau ngực.
– Đặc điểm của đờm: Quan sát đờm hoặc dịch mũi, ở trẻ viêm phế quản màu sắc trong hoặc trắng đục. Trẻ bị viêm phổi thường có đờm, dịch mũi màu vàng, xanh, thậm chí lẫn máu.
– Tình trạng sốt: Viêm phế quản thường sốt nhẹ, trong khi viêm phổi gây sốt cao đột ngột trên 38 độ, kèm theo ớn lạnh rõ rệt.
– Mức độ khó thở: Trẻ viêm phế quản chủ yếu khó thở khi gắng sức, mức độ khó thở nhẹ. Ở trường hợp viêm phổi, trẻ khó thở nặng hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi.
– Triệu chứng toàn thân: Trẻ viêm phế quản không quá mệt mỏi, vẫn có khả năng vận động nhẹ. Trẻ bị viêm phổi thường rất mệt mỏi, đau cơ, buồn nôn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.
3. Trẻ viêm phế quản khi nào cần gặp bác sĩ?
Biểu hiện viêm phế quản nhẹ hơn viêm phổi, khi kéo dài có thể trở nên nghiêm trọng. Virus gây bệnh viêm phế quản có thể tấn công vào sâu bên trong gây viêm phổi và nhiều biến chứng khác. Cụ thể là áp xe phổi, suy tim, suy thận, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết… Bố mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ nếu:
– Trẻ ho kéo dài nhiều ngày.
– Ho ra máu hoặc có đờm bất thường.
– Con sốt cao trên 38 độ và kéo dài.
– Trẻ khó thở nghiêm trọng, đau ngực dữ dội, cơ thể tím tái.
– Biểu hiện bệnh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt của bé.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu hiện tượng trẻ bị viêm phổi do thời tiết nắng nóng
Trẻ bị viêm phế quản cần đi khám bác sĩ khi nào?
4. Cách phòng và điều trị
Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được bác sĩ chẩn đoán bệnh qua thăm khám lâm sàng, nghe phổi, chụp X-Quang ngực (để loại trừ viêm phổi), xét nghiệm máu (kiểm tra nguyên nhân viêm). Trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng,, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đờm.
Sau khi xác định được tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn bố mẹ điều trị giảm triệu chứng và ngừa biến chứng bằng cách:
– Cho trẻ nghỉ ngơi tại chỗ và uống nhiều nước để làm loãng dịch đờm.
– Dùng thuốc khí dung làm giãn phế quản (trong trường hợp trẻ khó thở).
– Cho trẻ uống thuốc giảm ho, hỗ trợ làm long đờm, đẩy đờm ra ngoài.
– Trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn, trẻ cần được sử dụng thêm kháng sinh.
Để hạn chế viêm phế quản cho trẻ, người lớn cần chú ý:
– Không hút thuốc gần nơi có trẻ nhỏ.
– Giữ vệ sinh nơi ở bằng cách dùng máy lọc không khí, lau dọn nhà thường xuyên.
– Rửa tay cho trẻ thường xuyên để ngừa lây nhiễm virus, vi khuẩn.
– Giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch bằng thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học.
– Cho trẻ tiêm phòng cúm và phế cầu theo lịch tiêm chủng.
Biểu hiện viêm phế quản khá dễ nhầm lẫn với tình trạng viêm phổi. Tuy nhiên, đa phần các triệu chứng đều nhẹ hơn viêm phổi, bố mẹ có thể theo dõi kỹ để phân biệt. Đừng quên chăm sóc trẻ thật tốt và cho trẻ đến Phòng tiêm chủng TCI để tiêm vacxin đầy đủ nhằm phòng ngừa bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.