Bệnh tay chân miệng ở trẻ được chia làm 4 cấp độ, trong đó từ cấp độ 3 trở đi sẽ xuất hiện nhiều biến chứng khó lường. Khi chăm sóc, điều trị cho con, bố mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các nguy cơ xấu.
Bạn đang đọc: Bệnh tay chân miệng ở trẻ: Cẩn trọng với triệu chứng cấp độ 3, 4
1. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ chuyển cấp độ 3, 4
Bệnh tay chân miệng ở trẻ do virus gây nên, có đặc trưng là sốt, nổi mụn nước ở lòng bàn chân, bàn tay, vòm miệng, trong miệng, mông… Trong 4 cấp độ của bệnh thì từ cấp độ 3 được coi là tình trạng đáng báo động. Cấp độ 4 là cấp độ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
1.1. Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ chuyển sang độ 3
Ở cấp độ 3, tổn thương trong cơ thể trở nên nghiêm trọng, bé phải đối mặt với các nguy cơ biến chứng về thần kinh, hệ hô hấp. Bố mẹ cần nhận biết những biểu hiện sớm của bệnh tay chân miệng độ 3 để đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời:
Cẩn trọng với triệu chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ chuyển cấp độ 3, 4
– Trẻ sốt cao, nhiệt độ liên tục trên 39 độ C và không có dấu hiệu giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn.
– Chân tay bé bị run rẩy, trẻ đi đứng loạng choạng.
– Có xu hướng ngủ li bì và hay giật mình, chới với khi ngủ.
– Khi không có dấu hiệu sốt, trẻ không vận động mạnh nhưng nhịp đập trên 170 lần/phút.
– Một số trường hợp mạch lại chậm hơn bình thường.
– Cơ thể trẻ lạnh nhưng đổ nhiều mồ hôi.
– Tăng huyết áp, mệt mỏi, không có nhu cầu chơi, nô đùa.
– Nhịp thở bất thường, lúc nông, lúc nhanh, có những cơn ngưng thở, thở bụng, tiếng thở khò khè, rít thanh quản, lồng ngực có hiện tượng rút lõm ngực khi thở.
– Ngoài ra, trẻ còn bị rối loạn tri giác, bị tăng trương lực cơ.
Ngay khi thấy những biểu hiện này, bố mẹ cần đưa trẻ nhập viện điều trị tích cực. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ nhịp tim, nhịp thở cũng như mạch đập của bé.
1.2. Biểu hiện trẻ bị tay chân miệng độ 4
Nếu bệnh diễn tiến sang cấp độ nặng nhất, trẻ phải đối mặt với những biến chứng có thể gây tử vong. Cụ thể:
– Trẻ bị sốc: Da nhợt nhạt, mất ý thức, đau quặn bụng, tiêu chảy.
– Phù phổi cấp: Trẻ khó thở kèm theo vã mồ hôi, có thể khạc ra đờm hồng
– Nhịp tim giảm báo động.
– Toàn thân tím tái.
– Trẻ thở dốc, thở yếu hoặc ngưng thở.
Tìm hiểu thêm: Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em cần lưu ý gì khi tắm?
Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu bị chân tay miệng độ 3, 4
Nếu không xử lý kịp thời, trẻ có nguy cơ:
– Viêm tế bào cơ tim (biến chứng này ít xảy ra nhưng bố mẹ cần đề phòng).
– Viêm màng não virus (biểu hiện chính là méo miệng, tê liệt cổ, co giật, run tay chân), có thể dẫn đến tử vong.
2. Cách điều trị, chăm sóc
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh chân tay miệng ở trẻ. Khi bệnh tiến triển đến cấp độ 3, bác sĩ vẫn điều trị dựa trên nguyên tắc làm giảm triệu chứng và hỗ trợ miễn dịch. Tuy nhiên, trẻ cần được điều trị nội trú và hồi sức tích cực tại cơ sở y tế.
2.1. Phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ
– Sử dụng thiết bị y tế theo dõi mạch đập, nhịp thở, huyết áp, tiếng ran trong phổi, đo thân nhiệt, SpO2. Theo dõi thêm huyết áp động mạch xâm lấn cho trẻ (tùy trường hợp).
– Sử dụng các biện pháp hỗ trợ hạ sốt cho bé.
– Điều trị rối loạn điện giải, bù nước, kiểm soát hạ đường huyết, xử lý co giật (nếu có).
– Trẻ nằm gối cao 30 độ, kiểm soát lượng dịch trong cơ thể nhằm ngăn ngừa phù não.
– Cho trẻ sử dụng thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch như Phenobarbital, Dobutamin, Diazepam…
Những biện pháp điều trị này có tác dụng làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ diễn tiến nguy hiểm cho tính mạng.
2.2. Hướng dẫn chăm sóc
Ở tình trạng bệnh độ 3, trẻ rất khó chịu, mệt mỏi, cần được yêu thương, chăm sóc cẩn thận hơn. Trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ, bố mẹ cần phối hợp chăm sóc sức khỏe bé đúng cách để cải thiện bệnh.
>>>>>Xem thêm: Trẻ bị tiêu chảy phải làm sao, khi nào cần đưa đi viện?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ được cải thiện tốt hơn khi chăm sóc đúng cách
– Mụn nước trong miệng do bệnh tay chân miệng khiến trẻ rất khó chịu. Bố mẹ cần cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng. Đồng thời chế biến đồ ăn thành những món mềm, dễ tiêu để trẻ ít bị đau miệng khi nuốt.
– Nên chia nhỏ bữa ăn để trẻ ăn đủ no một cách thoải mái.
– Cung cấp nước điện giải để giúp trẻ cân bằng lượng nước mất đi do sốt, đổ mồ hôi, nôn ói, tiêu chảy…
– Giữ vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ bằng cách thường xuyên vệ sinh với dung dịch sát khuẩn.
– Không để chung đồ cá nhân của trẻ với người khác và hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khỏe mạnh.
– Bố mẹ cần vệ sinh tay đúng cách sau khi chăm sóc trẻ bị bệnh.
– Theo dõi chặt chẽ biểu hiện bệnh của trẻ và báo ngay cho bác sĩ khi có dấu hiệu trở nặng.
3. Phòng ngừa chân tay miệng chuyển độ 3, 4 ở trẻ thế nào?
Bệnh chân tay miệng ở trẻ nhỏ chưa có vacxin phòng ngừa nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chủ động ngăn chặn con đường lây truyền virus tay chân miệng. Bố mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ con trước nguy cơ biến chứng:
– Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn, xà phòng diệt khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là trước khi cho trẻ ăn và sau khi trẻ đi vệ sinh.
– Bố mẹ cần rửa sạch tay trước khi chuẩn bị đồ ăn và sau khi thay quần áo, bỉm, tã cho trẻ.
– Tiệt trùng dụng cụ các dụng cụ dùng để ăn uống và luôn đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi.
– Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người khỏe mạnh
– Cho trẻ sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
– Hướng dẫn trẻ xây dựng thói quen dùng khăn giấy che mũi, miệng khi ho, hắt hơi và bỏ rác vào thùng, sau đó rửa tay.
– Rác thải sau khi trẻ vệ sinh cần được gói gọn và loại bỏ đúng cách.
Khi bệnh tay chân miệng ở trẻ chuyển biến sang độ 3, 4, bố mẹ không thể tự điều trị cho con tại nhà. Các bác sĩ khuyến cáo cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để kịp thời điều trị tích cực, giảm thiểu tối đa biến chứng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.