Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng gan nhiễm mỡ xảy ra ở những người ít hoặc không sử dụng rượu. Bệnh dễ dẫn đến viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Cùng tìm hiểu về loại gan nhiễm mỡ này qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Gan nhiễm mỡ không do rượu: Cơ chế và điều trị
1. Gan nhiễm mỡ không do rượu và những đối tượng dễ mắc
1.1 Gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh gì?
Bệnh gan nhiễm mỡ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong số các nguyên nhân thứ phát thì rượu là nguyên nhân hàng đầu gây ra gan nhiễm mỡ. Do vậy, các chuyên gia y tế dựa vào yếu tố này để phân chia bệnh thành 2 loại là: gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD – Alcoholic fatty liver disease) và không do rượu (NAFLD – Non Alcoholic Fatty Liver Disease).
Trong đó, gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng dư thừa mỡ trong gan xảy ra ở những người không hoặc ít sử dụng rượu bia. Gan nhiễm mỡ dạng này lại được chia làm 2 loại chính là:
– Gan nhiễm mỡ không gây viêm: Chất béo trong gan nhưng không gây viêm hay tổn thương gan và thường không tiến triển gây biến chứng.
– Viêm gan nhiễm mỡ (NASH): Là tình trạng chất béo dư thừa trong gan khiến gan bị viêm, tổn thương. Bệnh tiến triển có thể gây xơ gan và ung thư gan.
Các thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh NAFLD ở châu Âu chiếm khoảng 35%, ở châu Á rơi vào khoảng 25%. Khoảng 15 – 30% dân số đang mắc bệnh này, trong đó có đến 12 – 40% sẽ dẫn đến NASH, khoảng 15 – 25% bệnh nhân NASH tiến triển thành xơ gan, khoảng 7% trong số bệnh nhân xơ gan sẽ tiến triển tới ung thư gan.
Uống rượu là một nguyên nhân lớn gây bệnh ganh nhiễm mỡ. Nhưng cũng có những trường hợp bệnh này không do rượu gây ra.
1.2 Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ không do rượu
Những người bị gan nhiễm mỡ mà nguyên nhân không phải do rượu thì chủ yếu là người có các yếu tố sau:
– Béo phì
– Tiểu đường type 2
– Rối loạn mỡ máu
– Rối loạn chuyển hóa
– Đa nang buồng trứng
– Mắc bệnh suy giáp
– Ngưng thở khi ngủ
– Suy tuyến yên
– Suy tuyến sinh dục
– Từng cắt tá tràng tụy
Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh NAFLD ở nhóm bệnh nhân rối loạn mỡ máu chiếm tới 59%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu thường tăng theo tuổi và giới tính. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc NAFLD ở nam giới có thể cao gấp 2 lần nữ giới. Bệnh cũng khác nhau giữa các dân tộc, được lý giải là do yếu tố gen.
2. Triệu chứng gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu
2.1 Triệu chứng ở giai đoạn đầu
Thông thường, những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ hầu như sẽ không có triệu chứng gì. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe hoặc siêu âm. Một số trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:
– Cảm thấy mệt nhẹ và suy nhược
– Chán ăn, ăn không ngon miệng
– Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn
– Đầy bụng, tức nặng, đau ở vùng hạ sườn phải
Đau bụng trong các trường hợp này thường là do gan gia tăng kích thước hoặc viêm, dẫn đến căng trướng. Khi gan nhiễm mỡ xảy ra trong một thời gian dài, chỉ số men gan và phosphatase kiềm thường tăng vừa phải.
Tìm hiểu thêm: Mối liên hệ giữa gan nhiễm mỡ và tiểu đường
Người thừa cân, béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu rất dễ bị gan nhiễm mỡ không do bia rượu.
2.2 Triệu chứng khi có biến chứng xơ gan
Bệnh thường tiến triển nặng thành xơ gan sau nhiều năm và gây ra các triệu chứng:
– Gan lớn, cứng
– Mạch máu hình sao, nhỏ ở dưới da
– Lòng bàn tay có ban đỏ
– Móng tay trắng nhợt
– Rụng tóc, lông
– Căng trướng tĩnh mạch ở bụng
– Kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh ở nữ giới
– Tinh hoàn teo nhỏ và vú sưng to ở nam giới
– Phù chi dưới
– Trướng, báng bụng
– Xuất huyết, nguyên nhân do vỡ tĩnh mạch thực quản
– Lú lẫn
3. Cần làm gì khi bị bệnh gan nhiễm mỡ không do nguyên nhân uống rượu?
Đa phần các trường hợp NAFLD không có biểu hiện rõ ràng. Bệnh thường được phát hiện khi bệnh nhân đi khám. Các biểu hiện cận lâm sàng gồm men gan tăng khi xét nghiệm chức năng gan, gan tăng kích thước, có sự xuất hiện và “xâm chiếm” của các mô mỡ khi siêu âm ổ bụng, chụp CT scan hoặc MRI…
Các bệnh nhân này không xuất hiện các nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ thứ phát khác như uống rượu bia, nhiễm viêm gan virus B,C, bệnh Wilson, loạn dưỡng mỡ, thiếu ăn, thuốc, gan nhiễm mỡ cấp ở phụ nữ có thai, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh…
Khi được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu, bệnh nhân cần chủ động điều trị sớm với bác sĩ chuyên khoa gan mật. Tùy vào tình trạng bệnh thực tế, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị bệnh phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Khám và điều trị giun chui ống mật bằng cách nào?
Siêu âm đàn hồi mô gan là một trong những phương pháp hiệu quả giúp chẩn đoán gan nhiễm mỡ.
3.1 Điều trị cho bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ đơn thuần
Nếu bệnh nhân chỉ bị gan nhiễm mỡ đơn thuần, không có viêm, không có xơ hóa gan thì thường chưa phải điều trị bằng thuốc. Khi đó, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh để ngăn bệnh tiến triển. Nếu bệnh nhân có thừa cân, béo phì, cần giảm 7 – 10 % trọng lượng, giảm men gan và cải thiện mô học gan. Các khuyến cáo về chế độ ăn cho các bệnh nhân này:
– Hạn chế các loại thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh, thực phẩm có hàm lượng fructose cao, mỡ động vật, các loại lòng, phủ tạng, da động vật, lòng đỏ trứng, não, gan gia súc…
– Tăng cường lượng rau, trái cây, mỗi ngày nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín
– Sử dụng dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá)
– Nên ăn dầu đậu nành, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối, đậu hà lan, cà chua tươi chín,…; táo chín, bưởi, chanh, cam, quýt,…; trà xanh, hoa hòe…
Bên cạnh đó lựa chọn môn thể dục yêu thích và phù hợp với thể trạng. Đồng thời duy trì khám định kỳ chuyên khoa gan để được theo dõi, tư vấn và điều trị hợp lý.
3.2 Điều trị gan nhiễm mỡ có biến chứng
Nếu bệnh nhân gan nhiễm mỡ đã chuyển sang viêm gan, xơ gan hoặc có nguy cơ biến chứng cao, có thể điều trị thuốc để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về bệnh gan nhiễm mỡ nguyên nhân không do rượu. Có thể thấy rằng việc thăm khám gan mật rất quan trọng đối với việc phát hiện sớm căn bệnh này. Khi được chẩn đoán mắc bệnh, cần chủ động điều trị tại chuyên khoa gan mật để kiểm soát, ngăn bệnh tiến triển xấu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.