Viêm gan nhiễm mỡ là tình trạng các tế bào gan bị viêm do mỡ tích tụ trong gan. Bệnh nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Cùng tìm hiểu về tình trạng viêm do gan nhiễm mỡ và cách chẩn đoán, điều trị hiệu quả.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về bệnh viêm gan nhiễm mỡ
1. Viêm gan nhiễm mỡ là gì?
1.2 Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan đóng vai trò trung tâm trong việc dự trữ và chuyển hóa của chất béo. Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng chất béo tích tụ trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan, hoặc số tế bào gan chứa hạt mỡ chiếm 5%. Nhiều trường hợp, lượng chất béo có thể chiếm đến 50% trọng lượng gan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và chức năng gan.
Gan nhiễm mỡ là kết quả của rất nhiều bệnh lý như tiểu đường, tăng lipid máu, béo phì hoặc các bệnh về gan khác… Bên cạnh đó tình trạng uống nhiều rượu bia, sử dụng thuốc điều trị bệnh… có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Đặc biệt người trẻ có lối sống thiếu lành mạnh có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Bệnh nếu không được điều trị sớm và hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng thần kinh và mạch máu. Thiếu albumin dẫn tới mệt mỏi, suy giảm miễn dịch; viêm gan; xơ hóa dẫn tới xơ gan, làm giảm tuổi thọ.
Gan tích tụ mỡ lâu ngày có thể suy giảm chức năng, tạo điều kiện cho virus và các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập và gây hại.
1.2 Viêm gan nhiễm mỡ là bệnh gì?
Viêm gan nhiễm mỡ là một biến chứng của bệnh gan nhiễm mỡ. Đây là tình trạng lớp mỡ trong gan tích tụ quá nhiều và lâu ngày, tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn, các loại ký sinh trùng, độc tố từ ruột và và từ môi trường xâm nhập gây viêm gan.
Không phải tất cả các trường hợp gan nhiễm mỡ đều gây viêm gan. Chỉ có khoảng 30% người mắc bệnh gan nhiễm mỡ gặp biến chứng này. Ở giai đoạn đầu, bệnh viêm gan thường không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh thường chỉ thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng, nước tiểu vàng. Khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám các bệnh lý khác, xét nghiệm mới thấy tăng men gan. Khi tình trạng viêm kéo dài, các tổn thương tế bào gan nhiều lên, người bệnh mới có các biểu hiện rõ ràng.
1.3 Viêm gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Viêm gan nhiễm mỡ là “cột mốc” xuất hiện đầu tiên của quá trình từ gan nhiễm mỡ tới bệnh xơ gan, ung thư gan. Trình tự này thường là: gan nhiễm mỡ -> viêm gan nhiễm mỡ -> xơ gan -> ung thư gan.
Khi gan bị nhiễm mỡ tron thời gian dài, các tế bào gan khỏe mạnh chịu những tác động tiêu cực của tình trạng nhiễm mỡ sẽ dần suy giảm chức năng, gây viêm nhiễm. Tình trạng này không được điều trị sớm sẽ tạo ra các sợi xơ ở gan. Sợi xơ này ngày càng nhiều, các tế bào gan càng dễ tổn thương và hoại tử. Cấu trúc lá gan thay đổi sau quá trình tự sửa chữa, các mô sẹo ngày càng nhiều hơn và dẫn tới xơ gan.
Gan xơ khiến chức năng lọc máu, tiêu hóa, bài tiết mật của gan kém đi. Người bệnh bị suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh về đường ruột, tiết niệu, hô hấp, ống mật. Đặc biệt, khi gan bị xơ hóa, hàng loạt tế bào gan lành sẽ chết đi, dẫn tới sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào gan ác tính (ung thư gan).
Thực tế vẫn có những trường hợp gan nhiễm mỡ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan mà không qua giai đoạn viêm gan.
Tìm hiểu thêm: Những món ăn dành cho người bị bệnh gan
Đau bụng là một trong những biểu hiện viêm gan.
2. Dấu hiệu cảnh báo viêm gan do nhiễm mỡ
Như đã nói ở trên phần lớn người mắc bệnh viêm gan do nhiễm mỡ sẽ không có triệu chứng hoặc rất ít triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, người bệnh có thể có một hoặc một số triệu chứng như sau:
– Bụng đau âm ỉ
– Bụng luôn trong tình trạng đầy hơi, khó chịu
– Chán ăn, ăn kém dẫn đến sụt cân
– Mệt mỏi nhiều
– Buồn nôn và nôn
– Vàng da hoặc vàng mắt
– Nước tiểu sẫm màu
– Ngứa
– Có thể sốt
Các triệu chứng này có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Ngay khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi thăm khám sớm để chẩn đoán đúng và có biện pháp can thiệp kịp thời.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm gan nhiễm mỡ
3.1 Chẩn đoán viêm gan do gan nhiễm mỡ
Các phương pháp chủ yếu để chẩn đoán bệnh viêm gan do nhiễm mỡ gồm:
– Xét nghiệm chức năng gan: Phương pháp này giúp xác định mức độ hoạt động và khả năng thực hiện chức năng của gan. Kết quả bất thường như men gan cao có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy gan có vấn đề. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu khác để tìm ra nguyên nhân của bất thường.
– Siêu âm: Phương pháp không xâm lấn cho phép quan sát cấu trúc gan và các cơ quan lân cận, nhằm kiểm tra có dịch trong khoang màng bụng hay không, mức độ đồng nhất của nhu mô gan, phát hiện u gan…
– Sinh thiết gan: Sinh thiết là một thủ thuật lấy mẫu mô từ gan để phân tích, từ đó xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương gan. Đây là thủ thuật xâm lấn nên thường chỉ được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu bệnh gan nhiễm mỡ và cách chẩn đoán
Người bệnh cần đi khám để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm do gan nhiễm mỡ.
3.2 Cách điều trị bệnh viêm gan do nhiễm mỡ
Tùy từng loại viêm gan nhiễm mỡ (dạng đơn thuần hay do virus), mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Nếu viêm gan chỉ đơn thuần do lượng mỡ tích tụ trong gan quá nhiều thì cách điều trị sẽ nhằm cải thiện và xử trí những nguyên nhân gây bệnh như chế độ ăn uống không khoa học, béo phì, lười vận động, thuốc… bằng các biện pháp:
– Tiến hành giảm cân an toàn nếu người bệnh có thừa cân, béo phì
– Sử dụng vitamin E cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ nhưng không bị đái tháo đường, không có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt
– Dùng các statin không chuyển hoá kéo dài nhằm kiểm soát lipid máu
– Tiêm phòng viêm gan đầy đủ sẽ giúp bạn phòng tránh được virus gây tổn thương gan
Nếu viêm gan vừa do virus vừa dư thừa mỡ trong gan thì ngoài việc điều trị triệu chứng, giảm lượng mỡ ở gan thì người bệnh còn phải điều trị kiểm soát lượng virus viêm gan trong cơ thể.
Nếu viêm gan do rượu thì biện pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng đỡ, vitamin và bù dịch. Đặc biệt người bệnh cần ngưng uống rượu. Trường hợp gan tổn thương nặng, điều trị bằng corticosteroid có thể được xem xét.
Nếu viêm gan do tự miễn thì người bệnh thường được kê thuốc corticosteroid, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch để kiểm soát bệnh và giảm triệu chứng.
Khi gan tổn thương gan nặng, xuất hiện các tình trạng suy gan cấp, bệnh gan giai đoạn cuối, kháng thuốc… thì người bệnh có thể phải ghép gan.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.