Rất nhiều người cho rằng gan nhiễm mỡ chỉ xảy ra ở những người trưởng thành. Tuy nhiên, theo thống kê từ Bộ Y tế thì tỷ lệ gan nhiễm mỡ ở trẻ em đang ngày càng tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của trẻ.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ ở trẻ em và cách phòng ngừa
1. Trẻ em bị gan nhiễm mỡ nguy hiểm như thế nào?
Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý ngày càng phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em. Theo thống kê, khoảng 10 – 20% dân số cả nước bị nhiễm mỡ ở gan. Ở những người bình thường, tỉ lệ mỡ trong gan thường chiếm từ 2 -4 % trọng lượng tổng. Khi mỡ tích tụ lớn hơn con số này thì cho thấy gan đã bị nhiễm mỡ.
Bệnh lý này đang trở thành mối lo ngại của nhiều gia đình bởi bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Bởi gan là bộ phận quan trọng đảm nhận cức năng tiếp nhận, chuyển hóa và lọc thức ăn được nạp vào cơ thể. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng viêm gan, xơ gan và làm tăng khả năng mắc các bệnh lý gan nghiêm trọng trong tương lai.
Ngoài ra, khi chức năng gan bị suy giảm, các chất béo xấu không được lọc và thải đúng cách, trẻ có nguy cơ mắc một số bệnh như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa,…
Đặc biệt, với những trẻ em mắc hội chứng chuyển hóa thì tỉ lệ bị các bệnh lý tim mạch, đột quỵ khi trưởng thành cao hơn so với người bình thường. Vì vậy, những bậc phụ huynh cần nắm bắt thông tin để nhận biết sớm những dấu hiệu của bệnh để có biện pháp can thiệp điều trị cho trẻ.
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý ngày càng phổ biến ở trẻ em
2. Nguyên nhân chính gây gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ
2.1. Thừa cân, béo phì
Thừa cân và béo phì là nguyên nhân chính gây gan nhiễm mỡ ở trẻ. Đáng lưu ý, tình trạng béo phì, thừa cân đang gia tăng nhanh chóng. Trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, nếu không có chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh thì nguy cơ mỡ tích tụ trong cơ thể, trong đó có gan là rất cao.
2.2. Gan nhiễm mỡ ở trẻ em do mắc các bệnh lý mạn tính
Một số bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao và các bệnh lý nội tiết khác cũng có thể là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ. Quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể bị ảnh hưởng, thúc đẩy quá trình tích tụ mỡ và gây ra các vấn đề về chức năng gan.
2.3. Ăn uống chưa khoa học
Chế độ ăn uống chưa khoa học, chứa quá nhiều chất béo và đường cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ. Những đồ ăn yêu thích của trẻ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe bao gồm thức ăn nhanh, bánh kẹo, đồ uống có ga, thực phẩm chế biến sẵn. Nhóm thực phẩm này thường chứa nhiều calo và ít chất xơ, gây ra sự tích tụ mỡ trong gan và tăng cân nhanh chóng. Ngoài ra, những trẻ yêu thích thiết bị điện tử (tivi, điện thoại, máy tính bảng), lười hoạt động cũng dễ bị gan nhiễm mỡ so với những người khác.
Tìm hiểu thêm: Người mắc gan nhiễm mỡ kiêng gì để cải thiện bệnh
Chế độ ăn uống chưa khoa học làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ ở trẻ
2.4. Lạm dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng
Ngày nay, rất nhiều phụ huynh cho con sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng (siro ăn ngon, thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa, thực phẩm tăng chiều cao, tăng cân) mà không tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Việc này có thể gây rối loạn chức năng chuyển hóa, khiến gan tổn thương, nhiễm mỡ.
3. Cách nhận biết và phòng ngừa gan nhiễm mỡ ở trẻ em
3.1. Dấu hiệu gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ
Gan nhiễm mỡ ở trẻ em là một vấn đề đáng lo ngại và cần được nhận biết kịp thời. Thông thường, bệnh không có những triệu chứng đặc hiệu. Vì vậy, rất khó để phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, nếu phụ huynh chú ý tới những dấu hiệu bất thường ở trẻ, có thể giúp nhận biết sớm gan nhiễm mỡ. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp để cha mẹ có thể nhận biết khi con mắc bệnh.
Một biểu hiện đáng chú ý là tăng cân nhanh chóng hoặc trẻ em béo phì. Vùng bụng của trẻ có thể trở nên phình to và dày hơn so với các phần cơ thể khác. Ngoài ra, phụ huynh cần để ý da và mắt của con cũng có thể có màu vàng nhợt hoặc có hiện tượng ngứa ngáy.
Bên cạnh đó, trẻ có thể mất sức, mệt mỏi và buồn nôn sau khi ăn. Nếu con thường xuyên bị vi khuẩn và virus tấn công hoặc có triệu chứng giảm chức năng miễn dịch, đây cũng có thể là dấu hiệu của gan nhiễm mỡ.
Nhận biết sớm gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Khi nhận thấy các dấu hiệu này, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đánh giá và chẩn đoán chính xác. Không chủ quan hoặc tự ý cho trẻ uống thuốc nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Xơ gan có mấy cấp độ và dấu hiệu nhận biết
Vùng bụng phình to và dày hơn là dấu hiệu cho thấy trẻ bị gan nhiễm mỡ
3.2. Cách phòng ngừa gan nhiễm mỡ ở trẻ
Nắm bắt được những nguyên nhân, triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ giúp cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp. Phụ huynh cần duy trì một chế độ ăn uống khoa học cho trẻ như ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm giàu chất xơ và chất dinh dưỡng khác. Hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, đồ ngọt và đồ uống có ga.
Đồng thời, các bậc cha mẹ cần kiểm soát, giới hạn thời gian con sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng và xem TV. Thay vào đó, khuyến khích, đồng hành cùng trẻ tham gia vào các hoạt động vận động thể chất thường xuyên như chơi thể thao, đi bộ, đạp xe và tham gia các lớp học thể dục. Việc tập luyện giúp đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể một cách hiệu quả và nâng cao sức khỏe tổng thể cho trẻ nhỏ.
Ở mỗi độ tuổi trẻ sẽ có tỷ lệ cân nặng và chiều cao phù hợp. Trường hợp cân nặng của con cao hơn 20% so với mức chuẩn thì trẻ có nguy cơ nhiễm mỡ là rất cao. Vì vậy, với những trẻ nhỏ đang bị thừa cân, béo phì, phụ huynh cần tham khảo cách giảm cân khoa học từ các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ. Không nên bắt con nhịn ăn hoặc sử dụng tùy tiện thực phẩm chức năng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.