Viêm tai là bệnh lý phổ biến, có thể ảnh hưởng đến car trẻ em lẫn người trưởng thành. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin cung cấp thông tin chi tiết về các loại viêm tai phổ biến và cách chữa viêm tai, đọc ngay bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Cách chữa viêm tai cho trẻ nhỏ, có thể bố mẹ chưa biết
1. Viêm tai ngoài ở trẻ nhỏ
1.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài thường phát sinh do vi khuẩn hoặc nấm. Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tai ngoài ở người bệnh:
– Nước kẹt trong tai: Nước kẹt trong tai tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm tai ngoài. Đây là lý do viêm tai ngoài còn được gọi là “tai bơi”.
– Chấn thương ống tai ngoài: Sử dụng tăm bông hoặc các vật dụng khác để vệ sinh tai có thể làm tổn thương ống tai ngoài, từ đó làm tăng nguy cơ tai ngoài viêm.
– Điều kiện da liễu: Người mắc các bệnh về da như eczema hoặc vẩy nến dễ viêm tai ngoài.
– Sử dụng tai nghe: Sử dụng tai nghe bẩn hoặc sử dụng tai nghe thời gian dài có thể gây kích ứng và viêm tai ngoài.
– Dị ứng: Dị ứng dầu gội đầu, xà phòng cũng có thể gây viêm tai ngoài.
Viêm tai ngoài biểu hiện qua một số triệu chứng cụ thể. Nếu nghi ngờ trẻ viêm tai ngoài, bố mẹ hãy chú ý đến các dấu hiệu sau đây: Đau tai (đau tai là triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai ngoài; đau tai do viêm tai ngoài có thể nhẹ hoặc nặng và có xu hướng tăng lên khi sờ/chạm tai ngoài); ngứa tai; sưng đỏ tai; tai tiết dịch và hôi (trẻ viêm tai ngoài có thể có dịch chảy ra từ ống tai; dịch này có thể trong suốt hoặc vàng, xanh); suy giảm thính lực (do ống tai ngoài tích tụ dịch hoặc sưng, trẻ có thể suy giảm thính lực);…
Nước két trong tai do bơi có thể dẫn đến viêm tai ngoài.
1.2. Cách chữa viêm tai ngoài
Cách chữa viêm tai ngoài chủ yếu tập trung kiểm soát tình trạng viêm, đồng thời hạn chế các triệu chứng khó chịu như đau và ngứa. Dưới đây là một số lưu ý điều trị phổ biến:
– Sử dụng thuốc: Viêm tai ngoài do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Viêm tai ngoài do nấm được điều trị bằng thuốc chống nấm. Ngoài các thuốc điều trị nguyên nhân, trẻ còn có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau.
– Vệ sinh ống tai ngoài: Bác sĩ có thể vệ sinh ống tai ngoài để loại bỏ dịch và các tác nhân tiêu cực khác, giúp thuốc hoạt động hiệu quả hơn. Bố mẹ không sử dụng tăm bông hoặc các vật dụng khác để vệ sinh tai cho trẻ vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm tai ngoài.
2. Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
2.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Viêm tai giữa là tình trạng viêm tại tai giữa, thường xuất hiện phía sau màng nhĩ. Viêm tai giữa vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ. Do vòi nhĩ – ống nối mũi họng với tai giữa của trẻ ngắn hơn và thẳng hơn so với người trưởng thành mà trẻ lại hay viêm đường hô hấp nên vòi nhĩ dễ tắc, dẫn đến viêm tai giữa.
Để nhận biết viêm tai giữa ở trẻ, bố mẹ có thể quan sát những dấu hiệu sau: Đau tai (đau tai là triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai giữa, đau do viêm tai giữa có thể nhẹ hoặc nặng, có thể âm ỉ hoặc dữ dội đột ngột.); tai tiết dịch, đặc biệt là nếu màng nhĩ bị thủng; sốt; suy giảm thính lực (do tai giữa tích tụ dịch, trẻ có thể nghe kém hơn bình thường); mất thăng bằng (do ảnh hưởng của viêm lên cơ quan cân bằng tại tai trong);…
2.2. Hướng dẫn cách chữa viêm tai giữa cho trẻ nhỏ
Cách chữa viêm tai giữa phụ thuộc mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng đi kèm bệnh lý này. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm cả dùng thuốc và không dùng thuốc. Trường hợp viêm tai giữa nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi sự tiến triển của viêm tai giữa trong vài ngày trước khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh, nhằm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết. Nếu triệu chứng viêm tai giữa không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn sau vài ngày theo dõi hoặc ngay từ đầu đã rất nghiêm trọng:
– Thuốc điều trị nguyên nhân: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Amoxicillin là thuốc kháng sinh thường được sử dụng đầu tiên. Trường hợp dị ứng penicillin, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc kháng sinh khác như azithromycin hoặc clarithromycin.
– Thuốc điều trị triệu chứng: Paracetamol (tylenol) hoặc ibuprofen (advil, motrin) có thể được sử dụng để giảm đau hạ sốt. Tránh sử dụng aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi, do thuốc này có thể gây hội chứng Reye, một tình trạng y tế nghiêm trọng.
Trong trường hợp viêm tai giữa mãn tính hoặc có tích tụ dịch thời gian dài không đáp ứng với điều trị nội khoa, trẻ có thể cần phẫu thuật đặt ống thông khí vào màng nhĩ để giúp dẫn lưu dịch, giảm áp lực trong tai.
Tìm hiểu thêm: Viêm phế quản mãn tính là gì, chuyên gia giải đáp cho bố mẹ
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
3. Viêm tai trong ở trẻ nhỏ
3.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý viêm tai trong
Viêm tai trong là một tình trạng y tế nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cấu trúc tại tai trong, liên quan đến cả thính giác và cân bằng. Viêm tai trong có thể phát sinh do virus; vi khuẩn; dị ứng; chấn thương vùng tai, đầu; rối loạn miễn dịch, các yếu tố môi trường và hóa chất; các bệnh lý khác (như bệnh meniere, một rối loạn của tai trong liên quan đến áp suất dịch bất thường).
Viêm tai trong ít phổ biến hơn nhưng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn viêm tai ngoài và viêm tai giữa. Sau đây là các dấu hiệu chính giúp nhận biết viêm tai trong: Chóng mặt; mất thăng bằng; ù tai; suy giảm thính lực; buồn nôn và nôn; căng tức tai;… Dấu hiệu nhận biết viêm tai trong có thể xuất hiện đột ngột và thường rất khó chịu.
3.2. Cách chữa viêm tai trong cho trẻ nhỏ
Cách chữa viêm tai trong cần được thực hiện dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Dưới đây là các lưu ý điều trị viêm tai trong quan trọng:
– Thuốc điều trị nguyên nhân: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus tùy thuộc nguyên nhân phát sinh viêm tai trong là vi khuẩn hay virus.
– Thuốc điều trị triệu chứng: Các thuốc như meclizine, scopolamine hoặc promethazine có thể được sử dụng để giảm chóng mặt, giúp kiểm soát các triệu chứng liên quan đến cảm giác mất thăng bằng. Ondansetron hoặc các thuốc tương tự có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng buồn nôn và nôn
– Các phương pháp khác: Trẻ có thể cần tiến hành vật lý trị liệu, đặc biệt là vật lý trị liệu cho hệ thống cân bằng, giúp phục hồi khả năng cân bằng, giảm triệu chứng chóng mặt. Trong trường hợp có dịch tích tụ, thủ thuật y tế có thể được thực hiện để dẫn lưu dịch, giảm áp lực trong tai.
>>>>>Xem thêm: Bé bị tay chân miệng kiêng ăn gì để mau khỏi
Thủ thuật y tế có thể được thực hiện để dẫn lưu dịch, giảm áp lực trong tai.
Viêm tai là tình trạng có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Hiểu về các loại viêm tai và phương pháp điều trị phù hợp không chỉ giúp giảm đau mà còn giúp hạn chế các biến chứng lâu dài. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu viêm tai, đừng chần chừ, thăm khám bác sĩ để được điều trị tốt nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.