Hiểu về tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe như tình trạng hạ tiểu cầu, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi… Nhiều người đã biết sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi nhưng không phải ai cũng rõ tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết thực sự.

Bạn đang đọc: Hiểu về tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

1. Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là gì?

1.1 Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết thực sự là gì?

Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng muỗi vằn là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Nhưng thực tế muỗi chỉ là trung gian truyền sốt xuất huyết từ người sang người bệnh sang người lành. Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết thực sự là virus Dengue.

Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau, kí hiệu lần lượt là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Mỗi lần, người bệnh chỉ nhiễm 1 trong 4 chủng virus và cơ thể cũng chỉ tạo ra kháng thể chống lại chủng virus đó. Như vậy, trong cuộc đời, một người có thể chỉ nhiễm 1 trong 4 chủng virus nhưng cũng có thể nhiễm cả 4 chủng này với 4 lần mắc bệnh khác nhau.

Hiểu về tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra.

1.2 Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus Dengue sẽ thường ủ bệnh trong khoảng 4 – 7 ngày, nhưng cũng có thể dao động từ 3 – 14 ngày.

Ở thể nhẹ, bệnh nhân thường sốt cao liên tục trong nhiều ngày, kèm theo các triệu chứng đau ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức cơ khớp; buồn nôn và nôn; nổi mẩn đỏ, phát ban.

Ở thể nặng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng xuất huyết với các mức độ khác nhau, từ xuất huyết dưới da (nổi chấm đỏ ngoài da, vết bầm tím), cho đến xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng), xuất huyết nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não). Người bệnh có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng nhiều, mệt mỏi, vật vã cực độ, chân tay lạnh, hốt hoảng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng.

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như xuất huyết nặng và tụt huyết áp, suy đa tạng (gan, thận, não), tràn dịch màng phổi, màng tim, bụng. Nguy cơ tử vong ở những người bệnh này rất cao.

Các chuyên gia y tế cho biết, trong số tất cả các chủng Dengue, DEN-2 được đánh giá là nguy hiểm nhất, có thể gây chảy máu trong và tử vong do sốc. Nếu nhiễm virus Dengue thứ phát, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng quá mức, làm tăng mức độ nghiêm trọng của sốt xuất huyết.

2. Muỗi Aedes aegypti – Tác nhân làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết

Với vai trò là trung gian truyền bệnh, muỗi Aedes aegypti là tác nhân chính khiến bệnh sốt xuất huyết lan rộng thành dịch, làm tăng mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Muỗi Aedes aegypti còn có tên gọi khác là muỗi vằn. Chúng có kích thước nhỏ, dài khoảng 4 – 7mm, màu sẫm đen, với các mảng màu trắng điển hình ở thân và chân. Con cái lớn hơn con đực, vòi có vảy bạc hoặc trắng.

Loại muỗi này hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất là buổi sáng sớm và chiều tối. Chúng thường đẻ trứng ở ao hồ, những dụng cụ chứa nước như thùng, chum, vại, xô, lọ hoa, bể chứa, chai lọ bỏ đi, hộp thiếc, lốp xe đọng nước,… Đặc biệt, trứng muỗi có thể tồn tại đến 1 năm trong điều kiện rất khô. Chúng chỉ nở ra khi ngập trong nước.

Tuy chỉ sống vài tuần đến một tháng, nhưng trong suốt vòng đời của mình, muỗi cái có thể thực hiện giao phối nhiều lần, đẻ tới 5 lần, mỗi đợt trung bình đẻ từ 100 đến 200 trứng. Muỗi hút máu người để bổ sung chất dinh dưỡng nuôi trứng lớn, vô tình trở thành trung gian truyền bệnh.

Sau khi hút máu từ người bệnh nhiễm virus Dengue thì muỗi sẽ mang virus trong cơ thể của mình. Virus ủ bệnh ở muỗi trong khoảng 10 – 12 ngày. Sau đó, muỗi sẽ truyền bệnh cho những người khỏe mạnh qua đường nước bọt khi đốt người.

Tìm hiểu thêm: Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?

Hiểu về tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

Muỗi Aedes aegypti là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết.

3. Ngăn tác nhân gây sốt xuất huyết bằng cách nào?

3.1 Hạn chế khả năng nhiễm virus Dengue – tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

Tiêm vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết là cách ngăn nguy cơ mắc bệnh từ gốc. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin này còn chưa thực sự phổ biến. Bên cạnh đó, việc bổ sung các thực phẩm, luyện tập thường xuyên, tăng sức đề kháng của cơ thể cũng là điều rất cần thiết để tăng khả năng kháng virus.

3.2 Ngăn sự sinh sôi của tác nhân truyền bệnh

Việc tiêu diệt muỗi, ngăn đường truyền bệnh của virus là rất quan trọng đối với việc phòng tránh nhiễm và lây lan bệnh sốt xuất huyết.

Đầu tiên cần loại bỏ nơi sinh sản và trú ngụ của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước (bể, giếng, chum, vại…), như vậy muỗi sẽ không có nơi đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc thiên địch của loăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn để tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy.

+ Cọ sạch các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng ngày, hàng tuần.

+ Thu gom, xử lý các vật dụng, phế thải như chai, lọ, mảnh chai vỡ, lốp/vỏ xe, ống bơ, vỏ dừa, hốc cây, bẹ lá… trong nhà, xung quanh nơi ở.

+ Thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Thay nước bình hoa, bình thủy sinh, bát chứa nước trong nhà thường xuyên.

Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt như:

+ Mặc quần áo dài, trùm kín để tránh bị muỗi đốt.

+ Ngủ trong màn kể cả khi ngủ vào ban ngày.

+ Dùng các sản phẩm diệt muỗi như bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện…

+ Phối hợp với chính quyền và ngành y tế phun hóa chất phòng, chống dịch.

+ Dùng rèm, màn tẩm hóa chất để ngăn muỗi.

+ Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt và lây bệnh cho người khác.

Hiểu về tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

>>>>>Xem thêm: Những con đường chính lây bệnh sốt xuất huyết

Ngủ màn cả ban ngày là cách hiệu quả ngăn muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

4. Cần làm gì khi nghi ngờ có người bị sốt xuất huyết?

Khi một người có các biểu hiện sốt cao liên tục, mệt mỏi, nôn mửa, đau xương khớp, phát ban,… cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời bởi rất có thể người đó đã bị nhiễm sốt xuất huyết. Dù điều trị ở nhà hay ở bệnh viện, người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm đơn thuốc và phác đồ điều trị của bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

Nếu được điều trị ở nhà, cần để người bệnh nghỉ ngơi tối đa. Đồng thời chú ý theo dõi nhiệt độ và các triệu chứng của bệnh nhân thường xuyên. Nếu bệnh nhân sốt, cần hạ sốt bằng paracetamol với liều phù hợp, lau mát và nới lỏng quần áo cho người bệnh. Uống nhiều nước, trái cây, ăn các thực phẩm mềm, loãng giúp bệnh nhân bù dịch và tiêu hóa dễ dàng. Nếu có biểu hiện bất thường, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Tóm lại, với tác nhân gây bệnh là virus Dengue và tác nhân truyền bệnh là muỗi văn, bệnh sốt xuất huyết dễ dàng khởi phát, lây lan và bùng phát thành dịch. Vì thế cần ngăn chặn các tác nhân này để ngăn nguy cơ nhiễm bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *