Giải đáp: Tuyến giáp tiết ra hormone nào?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể, bởi các hormone tiết ra từ tuyến này tham gia trực tiếp vào quá trình trao đổi chất. Thừa hoặc thiếu hormone tuyến giáp đều có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Vậy tuyến giáp tiết ra hormone nào và ý nghĩa của chúng là gì? Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Bạn đang đọc: Giải đáp: Tuyến giáp tiết ra hormone nào?

1. Tuyến giáp và chức năng của hormone tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, chịu trách nhiệm sản xuất các hormone điều hòa hoạt động trao đổi chất. Do đó tác động đến hầu hết các hệ thống, cơ quan như hệ tim mạch, hệ thống thần kinh, hệ tiêu hoá, hệ thống sinh sản…

Đối với hệ tim mạch, các hormone tuyến giáp thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh cung lượng tim (lượng máu tim được bơm qua hệ tuần hoàn), nhịp tim, sức mạnh và khả năng co bóp của tim.

Đối với hệ thần kinh, sự rối loạn hormone tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng như tê ngứa, nóng ran tại nhiều bộ phận trên cơ thể. Riêng đối với bất thường tại tuyến giáp như suy giáp, người bệnh có thể thấy trầm cảm. Ngược lại, cường giáp khiến người bệnh dễ tức giận, lo lắng.

Đối với hệ tiêu hoá, hormone tuyến giáp có liên quan đến tăng hoạt động các tế bào cơ trơn và niêm mạc thành ống tiêu hoá (tăng nhu động ruột). Điều này giúp thức ăn được tiêu hoá và hấp thu dễ dàng.

Đối với hệ thống sinh sản, hormone tuyến giáp không được bài tiết đủ hoặc được bài tiết quá nhiều có thể gây các rối loạn về chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Giải đáp: Tuyến giáp tiết ra hormone nào?

Tuyến giáp có hình dạng giống như cánh bướm, nằm bên dưới thanh quản và bên trên khí quản.

2. Các loại hormone tiết ra từ tuyến giáp

Ở trạng thái bình thường, tuyến giáp sản sinh ra các loại hormone bao gồm: hormon thyroxine (T4), hormone triiodothyronine (T3) và Calcitonin. Trong đó, hormon T3 và T4 là hai loại hormone tuyến giáp chính tác động đến sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể cũng như quá trình chuyển hoá năng lượng. Calcitonin là hormon điều hòa chuyển hóa canxi và phospho.

2.1 Tuyến giáp tiết ra hormone nào – Thyroxine (T4)

Thyroxine chiếm đến 80% lượng hormone tuyến giáp tiết ra. Tuy nhiên không có khả năng sản xuất năng lượng hay vận chuyển oxy đến các tế bào mà làm nhiệm vụ như một hormone dự trữ.

Hormone T4 trải qua quá trình khử sẽ mất đi một nguyên tử iod và trở thành hormone T3.

2.2 Tuyến giáp tiết ra hormone nào –  Triiodothyronine (T3)

T3 chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển ảnh hưởng của nội tiết tố tuyến giáp đến các cơ quan đích khác nhau. Do đó, dù nồng độ T3 trong máu chỉ chiếm  khoảng 10% so với T4, hormone này có khả năng ảnh hưởng đến các mô mạnh hơn T4 gấp 4 lần.

Phần lớn T3 tuần hoàn được hình thành ở gan do phản ứng khử của T4.

Tìm hiểu thêm: Làm thế nào để ngừng ngáy ngủ?

Giải đáp: Tuyến giáp tiết ra hormone nào?

Tuyến giáp tiết ra hormone nào – hormone T3 và T4.

2.3 Hormone Calcitonin

Calcitonin được sản xuất từ các tế bào cận nang tuyến giáp (tế bào C), có nhiệm vụ kiểm soát nồng độ canxi và phospho trong máu.

Đây là loại hormone làm hạ canxi máu (tác dụng đối lập với hormone cận giáp). Calcitonin tác động đến xương dẫn đến ức chế tiêu xương, kích thích tạo xương; tác động lên thận làm tăng bài xuất canxi qua nước tiểu; tác động đến hệ tiêu hoá tăng khả năng hấp thụ canxi.

Calcitonin với khả năng dự trữ, tiết kiệm canxi thường được ứng dụng trong điều trị loãng xương, tiêu xương, tăng canxi máu…

3. Thiếu hoặc thừa hormon tuyến giáp gây ra vấn đề gì?

Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan của cơ thể, do đó việc thiếu hụt hay dư thừa hormone đều có thể dẫn đến những rối loạn, hình thành các bệnh lý. Người bệnh có thể gặp phải các tình trạng liên quan đến tuyến giáp như bệnh bướu cổ, tim mạch, thần kinh, vô sinh, dị tật bẩm sinh…

3.1 Biểu hiện thiếu hormon tuyến giáp

Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, thay đổi tâm trạng, da và tóc khô yếu, rối loạn kinh nguyệt, không chịu được lạnh vào mùa đông và thường cảm thấy quá nóng vào mùa hè.

Nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt hormone tuyến giáp là do bệnh lý suy giáp. Nếu tình trạng thiếu hormone không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến bướu cổ, bệnh tim mạch, tâm thần, các vấn đề về thần kinh ngoại biên, chứng phù niêm, vô sinh, dị tật…

3.2 Dư thừa hormon tuyến giáp

Không chỉ thiếu hụt hormone mới gây nên bệnh lý, dư thừa hormone tuyến giáp cũng khiến người bệnh gặp các vấn đề về sức khỏe như: sụt cân đột ngột dù chế độ ăn uống, luyện tập không thay đổi, mệt mỏi toàn thân, khó thở, mắt lồi, nhạy cảm với ánh sáng, khó ngủ, tiêu chảy…

Bệnh cường giáp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa hormone này. Người bệnh cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh như suy tim, loãng xương, rung nhĩ…

Bên cạnh việc thiếu hụt hoặc dư thừa hormone tuyến giáp, một số tình trạng khác liên quan đến rối loạn hormone tuyến giáp có thể bao gồm viêm tuyến giáp, bướu giáp lành tính, ung thư tuyến giáp.

4. Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp

4.1 Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Là xét nghiệm máu có khả năng đánh giá tình trạng hoạt động của tuyến giáp và phát hiện các bệnh lý tại tuyến này. Các thành phần cần được kiểm tra có thể bao gồm hormon kích thích tuyến giáp (TSH), hormone tuyến giáp (T3, TF3, T4, TF4).

Giá trị TSH, T3, T4, FT3, FT4 nằm trong ngưỡng tham chiếu: người bệnh không có vấn đề về tuyến giáp (bình thường).

Khi các giá trị này cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng tham chiếu có thể gợi ý bệnh tuyến giáp như suy giáp, cường giáp…

Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm như  TPO-Ab, Tg… để phát hiện bệnh viêm tuyến giáp tự miễn.

4.2 Siêu âm tuyến giáp

Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm tần số cao để mô tả hình ảnh tuyến giáp và các mô lân cận. Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá vị trí, kích thước tuyến giáp và các tổn thương tại tuyến này.

Giải đáp: Tuyến giáp tiết ra hormone nào?

>>>>>Xem thêm: Đối phó với chứng bí tiểu cấp sau tai biến

Thu Cúc TCI là địa chỉ thăm khám tuyến giáp uy tín.

4.3 Xạ hình tuyến giáp

Là phương pháp chẩn đoán mà người bệnh cần sử dụng một lượng iod phóng xạ nhỏ (thường là I-131) để kiểm tra khả năng hấp thụ của các tế bào tuyến giáp. Sau khi iod phóng xạ đi vào cơ thể, bác sĩ sẽ sử dụng máy SPECT/CT để chụp lại hình ảnh tuyến giáp nhằm đánh giá vị trí, kích thước, đặc biệt là chức năng tuyến giáp. Bên cạnh chẩn đoán bệnh lý, xạ hình tuyến giáp cũng được dùng để đánh giá tình trạng bệnh nhân ung thư tuyến giáp trước và sau phẫu thuật.

4.5 Sinh thiết tuyến giáp bằng chọc hút tế bào kim nhỏ FNA

Sinh thiết chủ yếu được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ có tổn thương ác tính tại tuyến giáp. Phương pháp được thực hiện dưới bằng cách đưa mũi kim qua da vào chính xác mô mục tiêu để thu thập mẫu tế bào, dịch nhân tuyến giáp. Bác sĩ sau đó sẽ chuyển mẫu sinh thiết đến phòng xét nghiệm để tìm các bất thường.

Hy vọng thông qua các thông tin được cung cấp trong bài, bạn đã có thể biết được tuyến giáp tiết ra hormone nào và vai trò của chúng là gì. Người bệnh ngay khi phát hiện có các dấu hiệu bệnh tuyến giáp cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời, tránh những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *